Hà Nội thông tin về 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài ở Thủ Đô
Chủ tịch TP Hà Nội cho là các TP lớn trên thế giới mất hàng chục năm để giải quyết ô nhiễm không khí nên Hà Nội cũng cần có thời gian...
Chiều 18-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp giữa UBND TP Hà Nội với các quận, huyện, sở ngành để đôn đốc công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Hà Nội ô nhiễm không khí nặng
Mở đầu cuộc họp, ông Chung nhấn mạnh: Hà Nội luôn quan tâm, đôn đốc công tác bảo vệ môi trường nhưng để giải quyết cần phải có thời gian, giải pháp bền vững và nguồn lực ngân sách lớn….
Ông cho hay, Hà Nội đang phát triển với tốc độ nhanh, dân số cơ học tăng trung bình mỗi năm hơn 160 nghìn người (Khi hợp nhất Hà Nội có 6,4 triệu người, đến ngày 30-4-2019 dân số Hà Nội đạt hơn 8,054 triệu người). Đi cùng với đó là nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về môi trường, đòi hỏi các giải pháp căn cơ, đồng bộ, nhiều cấp, nhiều ngành chung tay có sự tự nguyện tham gia của người dân mới giải quyết được.
“Công tác giữ gìn môi trường vệ sinh trên địa bàn thành phố nếu như không có sự tham gia tự nguyện tích cực của người dân thì sẽ thất bại’ – ông nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng khẳng định công tác bảo vệ môi trường, làm xanh sạch Hà Nội không thể làm theo kiểm “đốt cháy giai đoạn được” mà cần có kế hoạch dài hơi, làm bài bản với nguồn lực lớn.
“Chúng ta không đốt cháy giai đoạn được đâu, mà phải làm bài bản. Hàn Quốc mất 26 năm, TP Viên (Áo) mất 32 năm, Chương trình trồng cây xanh của Singapore mất 40 năm (bắt đầu từ năm 1980, đến năm 2020 họ mới tổng kết) còn Hà Nội chúng ta mới bắt đầu chương trình trồng cây xanh được 3 năm…” - ông nói.
Tuy nhiên ông cũng cho hay, Hà Nội hoàn toàn có thể đẩy nhanh tiến độ xanh hoá cho Thủ đô vì hiện nay công nghệ trồng cây xanh đã phát triển, có thể cho phép đánh chuyền những cây trưởng thành để xanh hoá đường phố thay vì phải chờ đợi 10-20 năm để cây trưởng thành.
Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết hiện Hà Nội đang được AirParif (Pháp) – đơn vị tham gia tư vấn về công tác bảo vệ môi trường cho TP Bắc Kinh (Trung Quốc) tư vấn về công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên để làm điều này cần nguồn lực rất lớn. “Để giảm ô nhiễm cho TP Bắc Kinh, chỉ trong vài năm, Chính phủ Trung Quốc đã cho di dời di dời toàn bộ các nhà máy, khu công nghiệp xung quanh TP này trong vòng bán kính 150 km. Điều này cho thấy công tác bảo vệ môi trường cần nguồn lực rất lớn” – ông nói.
Về vấn đề ô nhiễm không khí, ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn TP có 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài (trung bình từ 5-10 ngày), chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu.
“Đợt ô nhiễm không khí cao điểm nhất là trong tháng 12 (từ ngày 8 đến ngày 14-12), chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu”, ông Định nói.
Ông Định đưa ra 12 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua. Cụ thể, theo ông Định do điều kiện khí hậu cực đoan (lượng mưa ít, ít gió) cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn vừa qua còn do khí thải phương tiện giao thông, đốt than tổ ong, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ…
Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thì nhấn mạnh đến nguyên nhân các công trình xây dựng nhà ở và đại công trình xây dựng dịp cuối năm gây ô nhiễm bụi trên địa bàn.
Theo Đại tá Tùng, các chủ đầu tư công trình xây dựng không có ý thức bảo vệ môi trường, không làm hết trách nhiệm để hạn chế ô nhiễm môi trường. “Khi làm đường, bên thi công không cho hút bụi mà lại dùng máy thổi bung lên trời gây ô nhiễm không khí”, ông Tùng nói. Ông cho hay, trong quý IV - 2019, lực lượng chức năng đã xử lý 323 ô tô đánh rơi vãi vật liệu xây dựng, 120 xe quá tải.
Trước đó vào sáng cùng ngày, Ban thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã họp đánh giá về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11 –NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành uỷ về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Chiều mai (19/12), Bộ TN-MT cùng với các bộ ngành sẽ họp bàn các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường...
Nguồn: [Link nguồn]