Hà Nội thí điểm thu hồi xe máy cũ, hỗ trợ đến 4 triệu/xe
TP Hà Nội dự kiến từ tháng 9-2021 đến tháng 6-2022 sẽ thực hiện kế hoạch kiểm tra khí thải đối với 3.000-5.000 xe máy của các hãng Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe máy cũ đang lưu hành trên đường. Trong đó, TP Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện thí điểm hỗ trợ người dân loại bỏ các xe cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành.
Hà Nội sẽ thí điểm thu hồi và xử lý xe máy thải bỏ từ người tiêu dùng và thực hiện hỗ trợ chuyển đổi xe máy mới. Ảnh: T.PHAN
Hỗ trợ cho người dân có xe cũ nát
Theo UBND TP Hà Nội, hiện toàn TP có hơn 5,7 triệu xe máy. Trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ (đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 ô tô, chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Khí thải từ các phương tiện cũ nát, bao gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí oxit carbon (CO), hidrocarbon (HC), các dạng oxit nitơ (NOx) và các chất khác, gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép.
“Các chất ô nhiễm này ảnh hưởng tới chất lượng môi trường không khí đô thị, đồng thời là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng dân cư trên địa bàn Hà Nội…” - UBND TP Hà Nội cho hay.
Ngoài ra, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ hiệu quả của việc kiểm tra khí thải, bảo dưỡng xe thường xuyên cũng như thay thế xe cũ nát giúp giảm khí thải, giảm thiểu tai nạn. Bên cạnh đó, việc thu gom và xử lý xe máy thải bỏ chưa đúng chuẩn quy cách cũng là tác nhân gây nên ô nhiễm không khí, đất và nước.
Với những lý do trên, TP Hà Nội dự kiến từ tháng 9-2021 đến tháng 6-2022 sẽ thực hiện kế hoạch kiểm tra khí thải đối với 3.000-5.000 xe máy của các hãng Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM.
Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ lựa chọn tám đại lý của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) để lắp đặt bộ thiết bị kiểm định khí thải hoàn chỉnh (thiết bị phân tích khí thải, máy tính, camera...) phục vụ việc kiểm tra khí thải.
Cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ khảo sát ý kiến người dân để đánh giá việc kiểm soát khí thải xe máy có gây tác động tích cực hay tiêu cực lên người dân như thế nào và ở mức độ thế nào. “Song song đó, đánh giá những tác động kinh tế đối với Nhà nước, người dân, đặc biệt giữa năm nhóm dân cư: Nhóm nghèo, nhóm cận nghèo, nhóm trung bình, nhóm khá và nhóm giàu. Từ đó giúp TP đưa ra các giải pháp, chính sách kiểm soát khí thải phù hợp…” - UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Điểm đáng chú ý của kế hoạch trên là việc Hà Nội sẽ thí điểm thu hồi, xử lý xe máy thải bỏ từ người tiêu dùng và thực hiện hỗ trợ chuyển đổi xe máy mới. Theo đó, người dân có xe máy cũ đăng ký tham gia chương trình kiểm tra khí thải, nếu xe quá cũ nát có thể tự nguyện nộp xe lại cho đại lý. Sau đó, đại lý có nhiệm vụ xử lý không tái sử dụng đối với xe này, đồng thời hỗ trợ người dân tiền mua xe mới, tối đa không quá 4 triệu đồng, tùy từng loại xe và hãng xe.
Với chương trình này, TP dự kiến sẽ có nhiều xe được người dân tự nguyện thải bỏ. “Mục đích của việc này là để đánh giá sự sẵn sàng của người dân trong việc thải bỏ xe máy cũ nát, không đảm bảo an toàn kỹ thuật và vượt tiêu chuẩn khí thải…” - TP Hà Nội cho hay.
Nên thu hồi theo lộ trình
Anh Nguyễn Văn Long (ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) có một chiếc xe cũ nát cho biết từng rất lo lắng khi nghe tin thu hồi xe máy cũ, bởi đây là phương tiện sử dụng chở hàng mỗi ngày để kiếm tiền nuôi gia đình.
“Tôi ý thức được xe máy cũ nát lưu thông trên đường gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị nhưng tôi không có tiền đổi xe mới. Đặc biệt trong hoàn cảnh dịch COVID-19, nếu bị thu hồi thì cuộc sống của gia đình tôi sẽ thêm khó khăn vì không có phương tiện mưu sinh. Vì vậy, tôi rất mong TP Hà Nội có chính sách hỗ trợ để giúp gia đình đổi xe mới…” - anh Long nói.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, xe máy cũ nát đang là một trong những nguồn phát thải khí độc hại ra môi trường nên việc thu hồi là phù hợp.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân nghèo ở Hà Nội đang phụ thuộc vào chiếc xe máy cũ nát, nói đúng hơn là “nó nuôi cả gia đình họ”. Nên việc chính quyền thu hồi các xe này cần có chính sách “hợp tình, hợp lý”. Chẳng hạn như kêu gọi Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy, doanh nghiệp sản xuất xe máy lớn, hoặc trích quỹ TP để giúp hỗ trợ những người khó khăn đổi xe máy cũ lấy xe máy mới.
“Hiện nay giá một xe máy mới thấp nhất khoảng 13-14 triệu đồng/xe, các tổ chức trên có thể xem xét hỗ trợ cho người dân khoảng 7-8 triệu đồng/xe. Nếu làm được như vậy, người dân sẽ hưởng ứng ngay” - ông Thủy khẳng định.
Vị chuyên gia giao thông cũng đề xuất việc thu hồi xe máy cũ không được làm dồn dập mà phải có lộ trình cụ thể. “Mỗi năm chúng ta chỉ nên thu hồi vài ngàn xe để vừa giảm bớt ô nhiễm môi trường nhưng đảm bảo an sinh cho người dân. Đặc biệt, chúng ta dễ kêu gọi các nhà sản xuất xe máy hỗ trợ bởi vì mỗi năm họ cũng chỉ bỏ ra một khoản nào đó thôi…” - ông Thủy nói.
Gần 223.000 xe hết niên hạn sử dụng Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có gần 223.000 xe hết niên hạn sử dụng, gồm hơn 170.000 xe tải và gần 53.000 xe chở người. Riêng năm 2020, cả nước có gần 16.500 ô tô hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, rất ít trường hợp chủ phương tiện chấp hành quy định nộp lại biển số và đăng ký xe. Tính đến hết năm 2019, Cục CSGT chỉ thu hồi được biển số và đăng ký của hơn 14.000 phương tiện. Mới đây, Thủ tướng cũng ban hành chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường. Trong đó yêu cầu các địa phương đẩy nhanh phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện dùng năng lượng sạch, không phát thải. Người dân được khuyến khích đi lại bằng giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân. Bộ TN&MT chịu trách nhiệm hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn quốc gia về môi trường với khí thải phương tiện giao thông đường bộ. Cuối năm 2021, bộ báo cáo Thủ tướng về lộ trình áp dụng quy chuẩn này với các loại xe, xây dựng chứng nhận nhãn sinh thái với phương tiện thân thiện môi trường. |
Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội vừa đề xuất chương trình hỗ trợ kinh phí đổi xe máy đối với xe cũ và không đạt...
Nguồn: [Link nguồn]