Hà Nội thêm nhiều tượng đài “để ai ngắm”?

“Nhiều nơi làm tượng đài chẳng có ai ngắm, giao thông không tấp nập, không gian chật hẹp lại dựng tượng đài là kỳ lạ”, Kiến trúc sư Phạm Ngọc Thảo bày tỏ.

Theo đề xuất của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, mỗi thị trấn của Thủ đô Hà Nội cần xây dựng 1 tượng đài. Kinh phí thực hiện mỗi tượng đài ít nhất từ 20 tỷ đồng trở lên.

Trao đổi với phóng viên,  Kiến trúc sư Phạm Ngọc Thảo – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cho rằng, đề xuất mỗi thị trấn một tượng đài là kỳ lạ.

Hà Nội thêm nhiều tượng đài “để ai ngắm”? - 1

Tượng đài "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" đặt ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm

“Tượng đài phải thể hiện được bản sắc, truyền thống của địa phương, trong khi có những thị trấn mới thành lập, không có truyền thống gì ghê gớm hay vị anh hùng đặc biệt hoặc làm gì có đặc thù gì mà cứ phải có tượng đài?”, ông Thảo bày tỏ.

Ông Thảo cho rằng, bắt buộc mỗi thị trấn có một tượng đài là không hợp lý.

“Theo quan sát ở Hà Nội, tôi thấy nhiều chỗ thuộc trung tâm Thủ đô cần phải có tượng đài, nhưng hiện lại chưa có. Trong khi đó, nhiều nơi chẳng có ai ngắm, giao thông không tấp nập, không gian chật hẹp, người ta lại dựng tượng đài”, ông Thảo nói thêm.

Kiến trúc sư Phạm Ngọc Thảo khẳng định, giá trị của mỗi tượng đài là khác nhau, không thể đưa ra định mức kinh phí là 20 tỷ đồng trở lên được. Sẽ có những tượng đài chỉ trị giá vài ba tỷ đồng và đương nhiên cũng sẽ có những tượng đài giá trị hơn thế.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định, đề xuất trên hơi phi lý.

Ông Hanh phân tích, cần dựa vào yêu cầu thiết thực của người dân. Thị trấn xây tượng đài phải có giá trị về lịch sử, tinh thần, văn hóa… Do vậy, có thị trấn cần hơn một tượng đài, nhưng cũng sẽ có nơi không cần xây dựng.

“Do mang ý nghĩa về mặt tinh thần nên trên thế giới không có một nơi nào có quy định về chuyện xây tượng đài cả. Việc này cũng không thuộc phạm trù về quy chuẩn.

Hơn nữa, muốn xác minh chi phí của mỗi tượng đài phải dựa vào quy hoạch, giá vật liệu, thiết kế… Không thể áng chừng ít nhất 20 tỷ đồng/tượng đài được”, ông Hanh khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng cũng không đồng tình với đề xuất mỗi thị trấn xây dựng một tượng đài của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia.

“Xây dựng tượng đài để đơn ơn, đáp nghĩa và cũng là nơi thể hiện văn hóa, lịch sử nhưng không nhất thiết thị trấn nào cũng phải có. Nó sẽ gây nhàm chán”, ông Hùng nói.

Ông Hùng đánh giá, năng lực làm tượng đài của người Việt Nam rất thấp. Do đó, nếu xây dựng tượng đài thì làm cho dứt điểm và chỉ cần tập trung xây dựng một vài cái.

“Làm tượng đài phải ra tượng đài, chứ không phải làm xấu rồi đập đi, gây lãng phí tiền của Nhà nước, nhân dân”, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng bày tỏ.

Ông cho biết thêm, số lượng tượng đài nhiều không quan trọng bằng chất lượng, hình ảnh. Trên thế giới, họ xây dựng tượng đài rất ít nhưng chất lượng. Họ tôn vinh được các bậc anh hùng, danh nhân văn hóa còn ở Việt Nam, làm tượng chưa đạt được độ thẩm mỹ dù vẫn đầy đủ các bộ phận.

Theo ông Hùng, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia nên xây dựng tượng đài ở một vài nơi chứ không nhất thiết mỗi thị trấn phải có một tượng đài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quân- Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN