Hà Nội: Tết 2016 mới có đường sắt trên cao

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để tháng 12/2015 đưa tuyến đường sắt nội đô trên cao Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thương mại. Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sau khi đi kiểm tra tiến độ thi công dự án trên vào sáng 28/12.

Vướng đủ đường

Thay ngay nhà thầu không đủ năng lực

Ngày 27/12, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo khắc phục tình trạng chậm tiến độ tại dự án đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội). Theo đó, thành phố yêu cầu Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội kiên quyết thay thế nhà thầu nếu không đủ năng lực, không bảo đảm tiến độ. Đặc biệt, phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi công gói thầu số 5.

Tại buổi họp về tiến độ dự án, báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ông Nguyễn Hữu Thắng (Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam) cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã bị chậm kế hoạch từ 3 đến 8 tháng so với tiến độ tổng thể chung. Vướng nhất là giải phóng mặt bằng, hiện nay mới giải tỏa được 9/13km chính tuyến và 23ha khu vực depot (trung tâm điều hành, quản lý, nhà kho...). Công tác khảo sát thiết kế đến nay cũng còn chậm do chậm giải phóng mặt bằng nên tổng thầu không thể khoan khảo sát địa chất lấy số liệu thiết kế.

Nhiều “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng đã được các bên liên quan chỉ ra như điểm ga Cát Linh (cũng là điểm đầu dự án), điểm ga Thái Hà, khu vực chợ tạm Ngã Tư Sở; đường nhánh ra vào khu depot và khu vực nghĩa trang Vân Nội thuộc quận Hà Đông...

Theo ông Nguyễn Trường Sơn (Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông), quận Hà Đông phải giải tỏa 38ha nhưng đến nay mới làm xong 33ha mặt bằng sạch bàn giao cho chủ đầu tư. “5ha còn lại là khu depot và nghĩa trang Vân Nội, chúng tôi cố gắng sẽ đền bù giải tỏa ngay trước Tết Âm lịch này”, ông Sơn cho hay.

Nhân lực vận hành cho dự án cũng đang chậm so với kế hoạch. Dù Cục Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội thông báo tuyển nhân sự theo tiêu chuẩn của tổng thầu nhưng hết thời hạn mới chỉ tuyển được 20/48 nhân sự. “Chúng tôi đã xin ý kiến hạ bớt tiêu chuẩn tuyển dụng để tìm nhân sự đưa đi đào tạo phục vụ vận hành dự án sau này”, ông Nguyễn Hữu Thắng cho biết.

Hà Nội: Tết 2016 mới có đường sắt trên cao - 1

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ bởi giải phóng mặt bằng. Ảnh: Việt Nguyễn.

Tăng năng lực vận tải hành khách công cộng

Sau khi nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT, chủ đầu tư là Cục Đường sắt Việt Nam và tổng thầu EPC Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc bằng mọi giá hoàn thành giải phóng mặt bằng các hạng mục vướng mắc chậm nhất trong quý I/2014 để đẩy nhanh tiến độ dự án, vận hành thử vào tháng 9/2015 và vận hành thương mại vào tháng 12/2015. Phó Thủ tướng cho rằng, dù chỉ dài 13km, nhưng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là trục chính của thành phố, lượng lưu thông khoảng 1 triệu người/ngày nên cần sớm đưa dự án này vào vận hành, tăng năng lực lưu thông cửa ngõ phía Tây Hà Nội để giảm ùn tắc.

Đối với Cục Đường sắt Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng hoàn thành hồ sơ mời thầu thiết bị toa xe. Trong đó, lưu ý vấn đề chất lượng, nhất là kiến trúc, cảnh quan, nội, ngoại thất của phương tiện, bảo đảm mô hình vận tải văn minh, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Đây là 1 trong 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội có ý nghĩa rất lớn giảm ùn tắc giao thông. Muốn hạn chế được phương tiện cá nhân thì phải tăng năng lực phương tiện công cộng”.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ có trục đôi khổ đường 1,435m, cho phép tàu chạy trên cao với tốc độ thiết kế 80km/h. Mỗi đoàn tàu được tổ chức chạy 4 toa xe, tần suất vận chuyển tối đa 2 phút/chuyến, năng lực vận chuyển tối đa 28.500 khách/giờ/hướng.

Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị

Theo phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 8 hệ thống đường sắt đô thị (hiện nay 5 tuyến đang trong giai đoạn nghiên cứu, 3 tuyến đang được triển khai xây dựng). Tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh; Tuyến số 2: Nội Bài - Trung tâm thành phố - Thượng Đình; Tuyến số 3: Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai; Tuyến số 4: Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai - Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh; Tuyến số 5: Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc; Tuyến số 6: Nội Bài – Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi; Tuyến số 7:  Mê Linh – Đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội; Tuyến số 8:  Cổ Nhuế - Vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Minh (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN