Hà Nội tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 và các tháng cuối năm 2021
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2893/UBND-KTBT (ngày 1-9-2021) về tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 và các tháng cuối năm 2021.
Từ những kết quả đạt được trong tháng 8 và tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, UBND thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 và các tháng cuối năm 2021.
Tập trung dập tắt nhanh nhất các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới
UBND thành phố xác định rõ, ưu tiên hàng đầu là tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhằm dập tắt nhanh nhất các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn thành phố. Theo đó, các quận, huyện, thị ủy, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thường xuyên chủ trì họp giao ban đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được của đơn vị; nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố và tại các đơn vị; trọng tâm là rà soát, khắc phục ngay hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường tại thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 1-9-2021, Thông báo số 480-TB/BTV ngày 1-9-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Cùng với việc phân công nhiệm vụ các Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố, Phó Chỉ huy trưởng thành phố, Tổ trưởng các tổ công tác chuyên trách thuộc Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, UBND thành phố giao Sở Y tế Hà Nội (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thành phố) chủ trì cùng các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tham mưu Ban Chỉ đạo thành phố phương án, kịch bản phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ ba trên địa bàn thành phố theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”. Đối với khu vực “vùng xanh”, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Trên cơ sở phương án được phê duyệt, tham mưu, đề xuất văn bản chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo thành phố yêu cầu các cấp, các ngành từ thành phố đến UBND quận, huyện, thị xã xây dựng ngay kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể tại địa phương, nhất là tại các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh... để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động, không để lúng túng, bị động; đồng thời, có phương án tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa, an sinh xã hội, sinh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng vùng; tập trung tổ chức cách ly, phong tỏa triệt để “vùng đỏ”, bảo đảm chặt chẽ từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
Hà Nội tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực các dây chuyền tiêm vắc xin phòng Covid-19 với sự tham gia của các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện của các bộ, ngành, y tế tư nhân, y tế cơ sở.
Cùng với tiếp tục xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch trên toàn thành phố; tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực các dây chuyền tiêm với sự tham gia của các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện của các bộ, ngành, y tế tư nhân, y tế cơ sở; sẵn sàng tổ chức tiêm quy mô lớn, bảo đảm an toàn, đúng quy định khi tiếp nhận thêm vắc xin, UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế tham mưu đề xuất Tổ công tác, Sở Chỉ huy thành phố chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; bảo đảm đủ ô xy, trang thiết bị, vật tư, thuốc điều trị và nhân lực y tế cho các cơ sở y tế tại tất cả các tầng; nâng cao năng lực điều trị người nhiễm Covid-19 ngay từ tầng 1 để giảm tải cho tầng 2, tầng 3; đồng thời, tiếp tục bảo đảm việc tiếp nhận, điều trị các bệnh khác kịp thời, hiệu quả…
Sở Y tế chủ trì phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố thực hiện Công điện số 1105/CĐ-TTg ngày 27-8-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thu dung, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người lang thang, cơ nhỡ để xét nghiệm, phân loại, đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội để thực hiện chính sách an sinh xã hội, phòng, chống dịch Covid-19.
UBND thành phố giao Công an thành phố kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân trong dịp lễ Quốc khánh 2-9 và thời gian giãn cách xã hội, đồng thời, phân luồng, tổ chức tốt giao thông, không để tập trung đông người tại các chốt kiểm soát; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp giả mạo giấy đi đường; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội siết chặt kiểm soát tại 23 chốt ra - vào thành phố, bao gồm xe công vụ, xe cứu thương, xe “luồng xanh”; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng xe ưu tiên để đưa người vào thành phố không đúng quy định.
Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; tổ chức quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với 23 chốt kiểm soát ra - vào thành phố và các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu thì ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì và đôn đốc các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu cách ly tập trung; triển khai ngay phần mềm quản lý F1. Chủ động kích hoạt các khu cách ly tập trung bảo đảm trên 100.000 chỗ cho các đối tượng F1 và kiểm tra, rà soát sẵn sàng tăng công suất cách ly để đáp ứng yêu cầu thực tế. Đối với các khu vực phong tỏa chật hẹp, đông dân cư, căn cứ tình hình thực tiễn, Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo các địa phương tổ chức đưa người dân đi cách ly tập trung để giãn mật độ dân cư trong khu vực phong tỏa, tránh lây nhiễm...
Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã bảo đảm cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động đầy đủ nguồn hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế và nhân dân trên địa bàn. Thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đầu cơ găm hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng. Rà soát, có kế hoạch thu gọn vùng hoạt động của các chợ dân sinh trên địa bàn; có phương án yêu cầu tạm dừng hoạt động các chợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch; chợ có mật độ dân cư đông, tiếp xúc dày khi giao thương, mua bán hàng hóa, thực phẩm.
Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo các đơn vị kinh doanh nước sạch, vệ sinh môi trường bảo đảm hoạt động hiệu quả phục vụ các bệnh viện, cơ sở cách ly, nhân dân trên địa bàn, người dân tại các khu vực phong tỏa trên địa bàn thành phố. Bảo đảm cơ sở hạ tầng tại một số khu nhà ở, dự án nhà ở thương mại phục vụ thành phố kích hoạt các giường bệnh điều trị Covid-19…
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, duy trì hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại 1022 phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân nâng cao ý thức tự giác, chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội và các quy định phòng dịch...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân tích cực tham gia hỗ trợ các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách của trung ương, thành phố về an sinh xã hội, không để chậm trễ…
Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở
Song song đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể tại xã, phường, thị trấn cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống dịch, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị ủy, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là trong dịp cao điểm nghỉ lễ Quốc khánh 2-9.
Các quận, huyện, thị ủy, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục coi hiệu quả phòng, chống dịch làm thước đo năng lực, uy tín cá nhân cán bộ; năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tuyên truyền, quán triệt các cấp ủy, tổ chức Đảng về vị trí, vai trò của chi bộ, hạt nhân chính trị ở cơ sở; vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 190-CV/TU, ngày 30-8-2021, về tăng cường phân công cán bộ, đảng viên tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; đồng thời, huy động đội ngũ công chức, viên chức, sinh viên, người lao động tự do trên địa bàn cùng tham gia phòng, chống dịch.
UBND thành phố lưu ý, tập trung chỉ đạo xây dựng các “pháo đài” phòng, chống dịch là các xã, phường, thị trấn trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1022/CĐ-TTg ngày 23-8-2021. Đặc biệt, quán triệt và thực hiện nghiêm, hiệu quả nguyên tắc “người dân là trung tâm, là chủ thể” để phục vụ người dân, động viên, hướng dẫn, đề nghị người dân thực hiện và có cơ chế, biện pháp trực tiếp giải quyết các vấn đề của người dân ngay tại xã, phường, thị trấn; làm cho người dân thấy được việc thực hiện giãn cách xã hội và phòng, chống dịch là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để phát triển kinh tế
UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành tập trung quản lý, điều hành hiệu quả ngân sách. Quản lý và khai thác tốt các nguồn thu bảo đảm thực hiện dự toán ngân sách nhà nước thành phố giao năm 2021, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Tăng cường phối hợp xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của các dự án. Tập trung tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi bảo đảm công tác phòng, chống dịch...
UBND thành phố yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát, có kế hoạch phân bổ kinh phí hợp lý trên tinh thần cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 của ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương; tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đầu tư phát triển, các nhiệm vụ an ninh - quốc phòng và hoạt động quan trọng, cấp bách của thành phố.
Về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của thành phố đang thấp hơn so cùng kỳ năm trước, mới đạt 31% kế hoạch trung ương giao và thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước. Vì vậy, UBND thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục coi trọng công tác giải ngân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện thanh, quyết toán các thủ tục, hồ sơ, dự án theo quy định; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công của thành phố; trong đó, tập trung giải ngân hết vốn kế hoạch giao năm 2020 kéo dài mới giải ngân vốn kế hoạch giao năm 2021. Xác định việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố trong các tháng cuối năm 2021.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; xây dựng 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) thành quận; triển khai Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28-8-2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện sau khi có hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Công Thương; tập trung chỉ đạo, chăm sóc cây trồng vụ mùa, chuẩn bị kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2021 theo kế hoạch; tổ chức tốt lễ khai giảng năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến…
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau: Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play. Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên. Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã biểu quyết 100% thống nhất chủ trương sau đợt giãn cách thứ 3 theo hướng giãn cao hơn...