Hà Nội: Tái hiện thảm họa sóng thần ở Nhật
Triển lãm ảnh phóng sự động đất Đông Nhật Bản tại Hà Nội giúp người xem hồi tưởng thảm họa kinh hoàng đã xảy ra cũng như nghị lực phi thường của người dân xứ sở mặt trời mọc.
2 năm sau ngày xảy ra trận động đất, sóng thần kinh hoàng khiến ít nhất 16.000 người thiệt mạng, người dân Nhật Bản vẫn chưa nguôi nỗi đau nhưng vẫn giữ vững hy vọng. Thiên nhiên nuôi dưỡng con người, nhưng con người luôn phải chuẩn bị để đối phó với thảm họa bất ngờ của thiên nhiên.
Đây là thông điệp được chuyển tải trong cuộc Triển lãm ảnh phóng sự động đất Đông Nhật Bản được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 27/2 đến 11/3/2013 nhân kỷ niệm 2 năm xảy ra thảm họa 11/3/2011.
Ông Tatsuya Fujii, Chủ tịch kiêm Giám đốc kế hoạch báo Asahi Shimbun, đơn vị tổ chức triển lãm, nói rằng buổi triển lãm “là cơ hội để chúng ta nhớ về sự kiện đau thương của 2 năm trước, khuyến khích chúng ta một lần nữa hướng về Tohuku, đồng thời bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với sự giúp đỡ của bạn bè khắp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng” đã giúp người dân Nhật Bản vươn lên từ đổ nát.
Đại diện báo Nhật Bản còn cho biết, người dân Nhật Bản rất cảm ơn bạn bè Việt Nam vì sự giúp đỡ không chỉ bằng tiền, bằng ngày lương, mà còn bởi những món quà tinh thần ý nghĩa như gửi email, gửi 10.000 con hạc giấy để nhắn nhủ bạn bè Nhật Bản đừng thôi hy vọng.
Theo đại diện của báo Asahi Shimbun, những lời động viên chia sẻ và hỗ trợ thiết thực từ bạn bè năm châu đã góp phần tích cực vào việc vực dậy những vùng đất bị tàn phá nặng nề, và giờ đây những vùng đất này vẫn đang hồi sinh và phát triển nhờ tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng thế giới.
Triển lãm được đồng tổ chức bởi báo Asahi Shimbun và hãng Mitsubishi đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi triển lãm:
Bé gái đứng trước một công trường ngổn ngang nơi từng là nhà của bé. Bé vừa khóc vừa chơi kèn trumpet, một món quà của người bà quá cố. Đợt sóng thần vừa qua đã cướp đi mạng sống của ông bà và mẹ bé. Ảnh chụp ngày 11/4/2011 tại TP.Rikyzentakata, tỉnh Iwate.
Người phụ nữ ngồi bên vệ đường khóc nức nở trước cảnh hoang tàn do sóng thần càn quét của huyện Yuriage, thành phố Natori, tỉnh Miyagi, Ảnh chụp 13/3 2011 do BTC cung cấp
Cây thông kì diệu. Cây thông duy nhất còn sót lại sau đợt sóng thần dữ dội ngày 11.03.2011. Ảnh chụp ngày 12.09.2011 tại thành phố Rikuzentakata, quận Iwate.
Chỉ một cây thông duy nhất còn sót lại sau đợt sóng thần dữ dội. Ngọn thông giờ đứng trơ trọi một mình ở Takadamatsubara, một điểm du lịch nổi tiếng tại Rikuzentakata, quận Iwate. Ánh sáng trăng phủ nhẹ nhàng lên cây như một sự cảm thông. Ngọn thông vốn đang chết dần chết mòn nhưng người ta đã thu thập các nhánh ghép lấy từ ngọn thông này nhằm tiếp nối sự sống của cây đến các thế hệ sau. Ảnh chụp ngày 12/9/2012 tại thành phố Rikuzentakata, quận Iwate.
Hơn 3 tháng sau thảm họa, sự sống đã hồi sinh ở mảnh đất là tâm điểm của đợt tàn phá. Ảnh chụp 01/07/2011 tại TP. Ishinomaki, tỉnh Miyagi. Sau giờ tan học, trên đường về nhà các em học sinh đứng trên cầu nhảy xuống biển để lặn.
Các thành viên Lực lượng Phòng Vệ Mặt Đất đã nhận được nhiều thư cảm ơn từ các em nhỏ tại các nhà trẻ. Ảnh chụp ngày 20/07/2011 Tp. Rikuzentakata, tỉnh Iwate
Thông điệp của một khách tham quan treo lên cây hoa anh đào trong triển lãm để gửi tới những người bạn Nhật Bản
Lời động viên từ một khách tham quan
Nhiều thông điệp được khách tham quan triển lãm gửi lên cây hoa anh đào để chuyển tới người dân Nhật Bản
Thướng xót nạn nhân của thảm họa kép
Một khách tham quan triển lãm để lại lời nhắn
Triển lãm được tổ chức nhân dịp 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật
"Chúng tôi yêu các bạn"