Hà Nội sẽ phát triển 8 huyện thành quận như thế nào?
Để phát triển thành quận vào năm 2025, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội yêu cầu 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng không được nợ tiêu chí, trước hết phải có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Hoài Đức là 1 trong 5 huyện của Hà Nội sẽ phát triển lên quận đến 2025
Quy hoạch phải đi trước một bước
Như đã đưa tin, ngày 20-4 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Quyết định số 949-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội”. Ban Chỉ đạo gồm 26 người, do Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh làm Trưởng ban.
Đây là một bước đi quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa kế hoạch phát triển 5 huyện thành quận của Hà Nội vào năm 2025 và xa hơn là phát triển 8 huyện thành quận đến 2030, theo nội dung Chương trình số 04-Ctr/TU của Thành ủy ban hành ngày 17-3-2021.
Vậy các nhiệm vụ cụ thể sẽ được triển khai như thế nào?
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, nội dung quan trọng hàng đầu của Chương trình số 04 nhấn mạnh đến việc rà soát để bổ sung, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bảo đảm phù hợp với quy hoạch và Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị.
“Trọng tâm là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng nông thôn mới theo hướng tiêu chí đô thị, nhất là 5 huyện sẽ phát triển lên quan vào giai đoạn 2021-2025 gồm Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng” – Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nêu rõ.
Cũng theo Chương trình này, Hà Nội sẽ phấn đấu có thêm 3 huyện phát triển lên quận vào giai đoạn 2026-2030, gồm: Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.
“Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xã, huyện nông thôn mới đảm bảo gắn kết giữa quy hoạch công nghiệp, dịch vụ và quy hoạch đô thị với nông thôn theo quy định pháp luật cũng như hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Đồng thời, các huyện phấn đấu phát triển lên quận sẽ phải hoàn thành kế hoạch triển khai các quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư, không gian sản xuất (cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề - phố nghề, cụm đổi mới…);
Ban hành và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc cho khu vực điểm dân cư nông thôn. Đặc biệt là quy hoạch hệ thống giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa cơ sở và diện tích đất cây xanh công cộng theo hướng tiêu chí đô thị.
Về một số chỉ tiêu cụ thể, Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 toàn bộ số xã của 5 huyện sẽ phát triển lên quận gồm Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Trong đó, huyện Gia Lâm phấn đấu có 10/ 20 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Thanh Trì có 10/ 15 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Đông Anh có 12/ 23 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Đan Phượng có toàn bộ 15/15 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Hoài Đức có 10/ 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy cuối tuần trước
Không được nợ tiêu chí
Là 1 trong 5 huyện sẽ phát triển lên quận trong giai đoạn 2020-2025, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với Đề án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì thành quận, đến nay huyện đã có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí và 14/15 xã cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
“Đối với các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, Thanh Trì đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng. Còn đối với các tiêu chí xã lên phường, đến nay, Thanh Trì có 8/18 tiêu chí đạt, 10 tiêu chí chưa đạt” – ông Cường cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện lên quận vào năm 2023, huyện Thanh Trì phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách huyện bình quân 12-14% và đến năm 2023, tỷ lệ cân đối thu chi ngân sách của huyện đạt 99,8%, cơ bản đáp ứng tiêu chí của quận.
Ngoài ra, quận đã xác định danh mục các dự án đầu tư về hạ tầng đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xã hội... với tổng nhu cầu kinh phí của huyện trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 11.214 tỷ đồng…
Về việc này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thông tin, Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội vừa được thành lập sẽ có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, phát triển 5 huyện đã đạt chuẩn NTM trở thành 5 quận (Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức) theo đúng lộ trình, kế hoạch.
Cụ thể, thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung rà lại quy hoạch và điều kiện để sớm triển khai các bước thực hiện đầu tư xây dựng 5 huyện trở thành quận.
Đáng chú ý, trong định hướng phát triển, thành phố sẽ xem xét đến việc xây dựng huyện Đông Anh trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô. Vấn đề này sẽ tiếp tục được Ban chỉ đạo của thành phố bàn thảo kỹ lưỡng trong thời gian tới.
Trước đó, trong buổi làm việc với Huyện ủy Thanh Trì vào tháng 3, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng đã đề nghị huyện này cần rà soát lại các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để tích hợp với các tiêu chí xây dựng xã thành phường, huyện thành quận và phải phấn đấu không được nợ tiêu chí.
Cùng đó, đồng chí đề nghị các ban, sở, ngành thành phố căn cứ vào những quy định hiện hành, áp dụng cơ chế linh hoạt để các huyện đang thực hiện chủ trương xây dựng thành Quận sớm hoàn thành đúng mục tiêu của thành phố...
Sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội vừa được thành lập có 26 thành viên. Ngoài Trưởng Ban là Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, Ban Chỉ đạo có 5 Phó trưởng Ban là lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, cùng sự tham gia của 10 lãnh đạo sở, ngành và bí thư, chủ tịch UBND các huyện nằm trong đề án lên quận, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì. Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, phát triển 5 huyện nói trên trở thành quận thuộc thành phố Hà Nội. Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo phân công trách nhiệm cụ thể các thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP phân công cơ quan thường trực, xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo… |
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, trong định hướng phát triển, thành phố sẽ xem xét đến...
Nguồn: [Link nguồn]