Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh, 7 bến xe mới
Việc xây dựng những tuyến buýt nhanh, bến xe mới nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm ùn tắc giao thông.
Theo quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh (Ảnh: Hồng Phú)
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2020, xe buýt vẫn chiếm phần lớn trong hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô.
Tùy thực tế giao thông của từng giai đoạn, Hà Nội có thể xem xét bố trí tuyến xe buýt nhanh trên một số tuyến đường có đủ điều kiện về hạ tầng.
Xe buýt nhanh được quy hoạch lâu dài trên 8 tuyến và 3 tuyến quá độ, khi có lưu lượng lớn sẽ chuyển thành đường sắt đô thị hoặc monorail (đường một ray).
Cụ thể 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT):
Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa, chiều dài khoảng 14 km.
Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo Quốc lộ 1 cũ), chiều dài khoảng 27 km.
Sơn Đồng - Ba Vì, chiều dài khoảng 20 km.
Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên, chiều dài khoảng 15 km.
Gia Lâm - Mê Linh (Vành đai 3), chiều dài khoảng 30 km.
Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - Quốc Lộ 5 - Lạc Đạo (Vành đai 4), chiều dài khoảng 53 km.
Ba La - Ứng Hòa chiều dài khoảng 29 km.
Ứng Hòa - Phú Xuyên, chiều dài khoảng 17 km.
Một số tuyến đường sắt đô thị khi chưa xây dựng có thể sử dụng hình thức xe buýt nhanh: Tuyến số 4, số 8, và tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.
Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến ban đầu sẽ khai thác vào quý 2/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm, một số nhà chờ đã bị hoen gỉ, bong tróc mái.
Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.
Với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h, các xe đều có hệ thống GPS kết nối Trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút.
Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
Xây dựng 7 bến xe khách khu đô thị trung tâm
Cũng theo quy hoạch, nâng cấp, cải tạo các bến xe hiện có, gồm: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm, Thường Tín; xây dựng mới bến xe khách Xuân Mai thành bến xe cấp 3 kết hợp điểm trung chuyển xe buýt.
Xây dựng một số bến xe khách trong giai đoạn trung hạn tại các khu vực: Phía Nam (Nam Vành đai 3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, diện tích khoảng 3,4 ha); phía Tây (khu vực Nam Quốc lộ 32, Xuân Phương, huyện Từ Liêm, diện tích khoảng 3 - 5 ha); phía Bắc (khu vực Vân Trì và Hải Bối, huyện Đông Anh diện tích khoảng 3 - 5 ha).
Xây dựng mới các bến xe khách liên tỉnh kết hợp các điểm đầu cuối xe buýt tại mỗi khu vực, cụ thể:
Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) diện tích khoảng 7 ha.
Bến xe phía Đông Bắc (Cổ Bi, huyện Gia Lâm) diện tích khoảng 8 - 10 ha.
Bến xe phía Nam (Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) diện tích khoảng 11 ha.
Bến xe Đông Anh diện tích khoảng 5,3 ha.
Bến xe Phùng (huyện Đan Phượng) diện tích khoảng 8 - 10 ha.
Bến xe phía Tây (huyện Quốc Oai) diện tích khoảng 5 - 7 ha.
Bến xe phía Bắc (Nội Bài) diện tích khoảng 5 - 7 ha.
Khu đô thị vệ tinh gồm: Bến xe Phú Xuyên diện tích khoảng 5 ha. ến xe Xuân Mai diện tích khoảng 5 ha; bến xe Nam Hòa Lạc diện tích khoảng 5 ha; bến xe Bắc Hòa Lạc diện tích khoảng 5 ha; bến xe Sơn Tây 2 diện tích khoảng 5 ha; bến xe Nam Sóc Sơn diện tích khoảng 5 ha; bến xe Bắc Sóc Sơn diện tích khoảng 5 ha.