Hà Nội phát hiện siêu thị điện máy đưa thực phẩm vào bày bán để tránh bị đóng cửa
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, một số đơn vị điện máy vì sợ phải đóng cửa nên đưa thêm một số hàng hóa thiết yếu vào bán chung với siêu thị điện máy để tránh bị đóng cửa.
Chiều 27/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội.
Báo cáo trong cuộc họp, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, từ ngày 25/3 đến nay, do cách hiểu của các quận huyện chưa có sự đồng nhất dẫn đến UBND một số phường đóng cửa cả những đơn vị kinh doanh thương mại, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp gửi thắc mắc cho Sở Công thương.
Nhiều người dân hoang mang một số đơn vị phân phối hàng hóa đóng cửa cho nên từ sáng 27/3, người dân đi siêu thị với lượng tăng gấp đôi so với ngày khác. Lượng người dân đi chợ tăng từ 20-30%.
Do đó, Sở Công thương đã phải thông tin đến các phường, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân không nên đi tích trữ mua hàng bởi các hệ thống phân phối luôn mở cửa và đủ hàng hóa cho người dân.
Một số đơn vị điện máy vì sợ phải đóng cửa nên đưa thêm một số hàng hóa thiết yếu vào bán chung với siêu thị điện máy. Hiện Sở Công thương đang phối hợp với các địa phương để xử lý tình hình này.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội.
Theo bà Lan, trên địa bàn TP có 26 trung tâm thương mại, trong đó có 25 trung tâm thương mại có siêu thị; trong 141 siêu thị có 103 siêu thị tổng hợp; 455 chợ; 495 cửa hàng xăng dầu; 674 cửa hàng gas. Đây là những nơi được xem xét để mở cửa bán hàng kinh doanh phục vụ nhu cầu của người dân.
Đối với các trung tâm thương mại chỉ mở cửa siêu thị tổng hợp, trừ các dịch vụ vui chơi giải trí, các dịch vụ cà phê hoặc làm đẹp. Bên cạnh đó, trên các tuyến phố sẽ mở cửa các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, cửa hàng bán hoa quả; các cửa hàng thuốc.
Đối với việc dự trữ hàng hóa, Sở đã xây dựng theo phương án 3 với 5 cấp độ để tổ chức thực hiện. Hiện nay còn 6 quận, huyện chưa xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, bao gồm: huyện Quốc Oai, quận Hai Bà Trưng, huyện Chương Mỹ, huyện Đan Phượng, huyện Hoài Đức, huyện Phú Xuyên. Đề nghị các đơn vị khẩn trương xây dựng phương án để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất xảy ra.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Thủ tướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ...
Nguồn: [Link nguồn]