Hà Nội nóng như chảo rang, nhiều người có nguy cơ đột quỵ vì say nắng
Theo ghi nhận của phóng viên, do nắng nóng nên nhiều người đã phải nhập viện, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Xếp hàng chờ khám bệnh vì nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo từ 3-5/6, nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục xảy ra ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Phú Yên) với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 41 độ C.
Tại Hà Nội hôm nay (4/6) được dự báo tiếp tục ở mức 40-41 độ C, có nơi gần chạm 42 độ C. Độ ẩm thấp dưới 50% khiến cảm giác nóng bức càng thêm dữ dội.
Theo ghi nhận của phóng viên, do nắng nóng nên nhiều người đã phải nhập viện, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, nắng nóng gay gắt khiến lượng bệnh nhi đến khám tại bệnh viện trong mấy ngày gần đây tăng từ 10-15% so với bình thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.200-3.500 bệnh nhi đến khám chủ yếu là các bệnh lý sốt vi rút, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…
Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, bệnh viện cũng đã tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho bệnh nhi và người nhà tại các khu chờ khám bệnh và tổ chức đón tiếp từ 5 giờ sáng. Các bác sĩ bắt đầu khám cho bệnh nhi từ 7 giờ sáng.
Tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thường cho biết, lượng bệnh nhi cũng tăng nhẹ từ 5-7%. Điều đáng lo ngại là có nhiều trẻ phải nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân là do trẻ được đưa ra, vào phòng điều hoà liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn.
Chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên đi ngoài đường vào lúc nắng nóng đỉnh điểm
Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, chỉ trong hai ngày nắng nóng gay gắt, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám cũng gia tăng, mỗi ngày, trung bình có khoảng 300 lượt bệnh nhân.
Tại khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, đến thời điểm này chưa tiếp nhận ca sốc nhiệt nào. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, nắng nóng còn kéo dài và lên cao trong những ngày tới. Nguy cơ sốc nhiệt rất dễ xảy ra với những người phải đi ngoài đường.
TS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốc nhiệt là tình trạng nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt. Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi nhưng người trẻ cũng dễ gặp.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết nắng nóng, người dân có thể mắc các bệnh cực kỳ nguy hiểm như: say nóng, say nắng, tim mạch, đột quỵ. Người dân đặc biệt cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10h-16h bởi đây là thời điểm nắng gắt.
Theo các bác sĩ, khi bị say nắng, say nóng, người dân nên làm mát ngay tức thì, đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm, lên xe mát hay nhà lạnh, hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng đặt đường truyền, thở ôxy, thông khí hỗ trợ nếu có chỉ định, chuyển ngay vào viện nếu nghi ngờ sốc, áp nước ấm trên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi...
Để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ cần phải uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng.
Sau hàng chục năm, nắng nóng tại thủ đô Hà Nội phá kỷ lục, lên mức 41,5 độ.