Hà Nội: Người tham gia giao thông lúng túng đo nồng độ cồn
Khi bị cảnh sát giao thông yêu cầu đo nồng độ cồn, nhiều người tỏ ra lúng túng vì không thổi đúng cách.Thậm chí, một số người phải thổi máy đo nồng độ cồn đến lần thứ ba mới thành công.
Từ ngày 15.12, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Công an TP Hà Nội) bắt đầu mở đợt cao điểm xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Đặc biệt, trong dịp cao điểm cuối năm 2014 và Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015.
Ghi nhận của phóng viên ngày 16.12, tại chốt giao thông Láng Hạ - Thái Hà (Hà Nội), nhiều người điều khiển phương tiện khi bị kiểm tra có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Thậm chí, khi cảnh sát giao thông yêu cầu thổi máy đo nồng độ cồn, người dân tỏ ra lúng túng vì không thổi đúng cách. Nhiều người phải thổi máy đo nồng độ cồn đến lần thứ 3 mới thành công.
Cảnh sát giao thông yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn.
Máy đo nồng độ cồn lực lượng cảnh sát giao thông sử dụng.
Anh Trần Huy Tuấn (SN 1983, quê ở Bắc Giang), người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn cho biết, anh có nồng độ cồn ở mức 0,28mg/lít khí thở nên bị cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt. Anh Tuấn cũng phải thổi máy đo nồng độ cồn đến lần thứ 2 mới thành công.
“Trưa nay tôi có bạn ở quê ra Hà Nội chơi, nên anh em có đi ăn cơm cùng nhau và có làm mấy chén rượu. Tôi có biết việc sử dụng rượu bia khi lái xe là vi phạm, nhưng bạn bè lâu ngày mới gặp nhau nên tôi đành gật đầu uống. Giờ tôi nhận lỗi và chấp nhận nộp phạt”, anh Tuấn nói.
Anh Trần Huy Tuấn (SN 1983), quê ở Bắc Giang, người điều khiển phương tiện bị yêu cầu thổi máy đo nồng độ cồn.
Sau khi kiểm tra Anh Tuấn đã sử dụng nồng độ cồn ở mức 0,28mg/lít khí thở (vượt mức cho phép là 0,25mg/lít khí thở
Thượng úy Nguyễn Hoàng Hải, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 3, đứng chốt tại nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà cho biết, trong buổi trưa ngày 16.12, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt 2 trường hợp có nồng độ cồn vượt mức cho phép (mức cho phép 0,25mg/lít khí thở).
“Khi chúng tôi yêu cầu chủ phương tiện thổi máy đo nồng độ cồn, nhiều người không chịu hợp tác. Thậm chí một số người thổi máy đo nồng độ cồn theo kiểu hời hợt “chống đối” nên phải mất tới 3 lần thổi mới thành công”, thượng úy Hải chia sẻ.
Người điều khiển phương tiện thổi máy đo nồng độ cồn.
Nhiều người dân tỏ ra lúng túng khi thổi máy đo nồng độ cồn. Lực lượng cảnh sát giao thông đã phải hướng dẫn nhiều lần mới thực hiện thành công.
Theo kế hoạch, Phòng CSGT sẽ xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội. Đợt 1 từ ngày 15.12.2014 đến hết ngày 31.12.2014; đợt 2 từ ngày 15.01.2015 đến hết ngày 31.1.2015; đợt 3 từ ngày 15.2.2014 đến hết ngày 28.2.2015. Trong các đợt ra quân, tổ công tác 141 ngoài việc thực hiện nhiệm vụ sẽ tăng cường phát hiện, kiểm tra các hành vi vi phạm về các quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Trong cuộc họp báo mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, lái xe sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trước và khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Do vậy, từ nay đến hết dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi, cảnh sát giao thông ở các đội sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm; từng bước hình thành thói quen không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sau khi sử dụng rượu bia.
Theo ông Hùng, để đảm bảo kế hoạch được triển khai trên diện rộng khắp cả nước Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt sẽ phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông, Học viện Cảnh sát tổ chức tập huấn cho công an, cảnh sát giao thông địa phương về phương án tuần tra, kiểm soát sử dụng thiết bị mới. Hiện tại, 5 tỉnh đã được cấp 120 máy đo nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế (với giá 1.055 USD).
Những máy đo nồng độ cồn có khả năng phát hiện và đo chính xác nồng độ cồn chỉ trong một hơi thở sâu. Như vậy, sẽ rút ngắn thời gian kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện so với các thiết bị trước đó.