Hà Nội nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố”: Cần cân nhắc kỹ
Hà Nội đang có ý tưởng về mô hình “thành phố trong thành phố” nhằm thúc đẩy phát triển khu vực phía Bắc và phía Tây, tạo ra cực tăng trưởng và bộ mặt mới trong phát triển đô thị…
Động lực tăng trưởng?
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc Hà Nội nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố”, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết, đây là ý tưởng đang được đưa ra xem xét nhằm tạo ra thêm cho Thủ đô những cực tăng trưởng, bộ mặt đô thị mới. Bên cạnh việc quy hoạch về đô thị, các cơ chế của thành phố mới sẽ thúc đẩy, tạo đà cho sự phát triển.
Cũng theo đại diện Sở QHKT, vấn đề đặt ra để nghiên cứu và còn phải qua nhiều bước như đấu thầu chọn tư vấn, thông qua chủ trương, đánh giá kết quả của tư vấn báo cáo, từ đó mới có căn cứ trình lên Thủ tướng và sau đó là Bộ Chính trị. “Đây mới là ý tưởng bước đầu, trên cơ sở phân tích đánh giá về kinh tế xã hội, mức độ đóng góp của mô hình mới, khi đó sẽ xem xét là có cần thiết áp dụng mô hình này hay không, chọn quận, huyện nào, khu vực nào để triển khai mô hình. Như chúng ta biết mô hình này đã được TPHCM áp dụng thành công”, vị đại diện nói.
Ông Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam ủng hộ việc nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố”, vì có nhiều ý nghĩa trong phát triển Thủ đô. Ông Hải phân tích: Đây là mô hình hiện đại, tiên tiến. Với Thủ đô, diện tích hơn 3000km2, có nhiều đô thị vệ tinh cần có cơ chế chính sách mới thúc đẩy các đô thị vệ tinh phát triển. TPHCM đã xây dựng thành phố Thủ Đức và đây là mô hình mà Hà Nội cần nghiên cứu.
“Tôi được biết có hai vị trí đề xuất là phía Bắc và phía Tây Hà Nội. Cá nhân tôi đề xuất làm trước thành phố phía Tây vì ở đây có nhiều điều kiện để phát triển, thu hút đầu tư rất lớn. Đây là khu vực có thể phát triển với tốc độ nhanh, nhiều doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào đây”, ông Hải đề nghị.
Cũng theo ông Hải, nhiều lãnh đạo Chính phủ trước đây mong muốn Thủ đô mở rộng về phía Tây để phát triển cân đối, nên đã đầu tư trục Láng - Hòa Lạc, Thăng Long - Ba Vì. Phía Tây có nền văn hóa xứ Đoài gốc, có lịch sử văn hoá riêng. Bản thân Sơn Tây đã là một đô thị song là khu vực lịch sử, nên kết hợp đô thị Hoà Lạc, Xuân Mai thành một cấu trúc thành phố mới sẽ rất rõ nét.
“Hà Nội đã có Luật Thủ đô là căn cứ rất quan trọng để phát triển. Hà Nội có cần thành phố như Thủ Đức không? Liệu Hà Nội có cần phải giống như thành phố Hồ Chí Minh không, theo tôi là điều chúng ta cần suy nghĩ rất kỹ”. Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng |
Để tránh xáo trộn, theo ông Hải, nên lấy các huyện phía Tây Hà Nội gồm 4 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây lập ra một thành phố ở phía Tây. Hòa Lạc nằm ở giữa, lấy vành đai nông nghiệp xanh là vùng đệm để ngăn cách đô thị lõi là Thủ đô Hà Nội. Thành phố mới là thành phố tri thức, công nghệ cao, sáng tạo, lịch sử gắn với văn hóa xứ Đoài, du lịch nghỉ dưỡng.
Cần phân tích kỹ
Ông Ngô Trung Hải cho rằng, điều quan trọng nhất để mô hình thành công, đó là phải xây dựng cho được cơ chế vận hành, hành lang pháp lý phù hợp và từ đó mới thực sự tạo ra được sự phát triển mới. Vấn đề cần giải quyết là thẩm quyền của người lãnh đạo chính quyền trong quyết định những vấn đề của thành phố mới như phê duyệt quy hoạch, dự án, về chính sách thuế, sử dụng ngân sách, cơ cấu bộ máy chính quyền… “Thành phố Thủ Đức theo tôi biết sau thành lập giờ vẫn còn lúng túng. Vấn đề cơ chế vận hành vô cùng quan trọng”, ông Hải nói.
Theo đại diện lãnh đạo Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, cần đánh giá cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học trong việc nghiên cứu mô hình mới. “Vì sao chúng ta đưa ra dự kiến đặt thành phố mới tại khu vực phía Bắc hay phía Tây? Chúng ta tận dụng được gì từ khu vực này? Đây là vấn đề cần được phân tích rất kỹ vì liên quan đến những yêu cầu, những tiêu chí về phát triển đô thị”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho hay.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, cần nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội trước, trên cơ sở đó sẽ có đánh giá đầy đủ hơn về việc thành lập “thành phố trong thành phố”. Hà Nội đang rà soát đánh giá việc thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi nội dung của luật này. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện phát triển Hà Nội.
Hà Nội định hướng điều chỉnh quy hoạch chung sẽ bao gồm hạn chế dân số nội đô, giảm dân số 4 quận nội thành. Đồng thời nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố”...
Nguồn: [Link nguồn]