Hà Nội ngấm ngầm thu hồi “sổ đỏ” cư dân ông Lê Thanh Thản cấp để tránh trách nhiệm?
Theo phản ánh của nhiều cư dân thuộc chung cư của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, việc thu hồi sổ đỏ đã được cấp của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) không được thông báo trực tiếp tới các hộ gia đình. Việc làm ngấm ngầm này của cơ quan quản lý khiến nhiều cư dân hoang mang. Câu hỏi đặt ra ai chịu trách nhiệm việc này?
Liên quan đến quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với các căn hộ (gọi tắt là sổ đỏ) nằm trong phần sai phạm tại 3 dự án chung cư của Tập đoàn Mường Thanh (dự án Bemes, dự án CT5A,B và dự án khu nhà ở Xa La), chiều ngày 18/7, Sở TN&MT Hà Nội đã có thông báo tạm dừng việc cấp sổ đỏ với các dự án có vi phạm để thanh kiểm tra từng trường hợp cụ thể.
Đồng thời, Sở TN&MT Hà Nội cũng đã thành lập hai tổ công tác để thanh tra kiểm tra, rà soát toàn bộ các căn hộ này. Sau đó sẽ có báo cáo và đề xuất các biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm đối với chủ đầu tư, nhằm hướng tới việc đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Các chuyên gia nhận định, việc thu hồi sổ đỏ đã cấp tại các chung cư trên địa bàn huyện Thanh Trì, quận Hà Đông là đúng pháp luật nhưng quy trình thủ tục chưa đúng và còn lúng túng. (ảnh Trần Kháng).
Tuy nhiên, trước đó, nhiều cư dân tại tòa nhà CT6A, CT6B thuộc chung cư CT6 Bemes, Kiến Hưng (Hà Đông) và CT5 xã Tân Triều (Thanh Trì) đều tỏ ra bức xúc và cho rằng chưa nhận được quyết định cụ thể về việc Sở TN&MT Hà Nội ra các thông báo và quyết định về việc thu hồi sổ đỏ đã cấp cho cư dân các toà nhà này. Chỉ riêng một số hộ gia đình có dùng sổ đỏ giao dịch với Ngân hàng mới nhận được thông tin cụ thể từ Ngân hàng và Văn phòng đăng ký đất đai của Sở về việc thu hồi.
Theo Nguyễn Thị Phương Thúy (hiện đang ở tầng 4 tòa CT6A) cho hay, gia đình chị được cấp sổ đỏ hồi tháng 10/2016 và đến đầu năm 2019, vợ chồng có ý định vay tiền ngân hàng để phục vụ kinh doanh trong gia đình. Tuy nhiên, khi mang các giấy tờ đi công chứng, anh chị "ngã ngửa" khi nhận được văn bản của Sở TN&MT Hà Nội về việc sổ đỏ của gia đình bị thu hồi và hủy. “Lý do được nêu là trong quá trình Sở thẩm định hồ sơ và cấp sổ đỏ có sai sót, không đúng quy định của pháp luật về đất đai”, chị Thuý nói.
Đồng thời, Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở TN&MT Hà Nội có văn bản trả lời về việc đề nghị đăng ký thế chấp của gia đình chị Thuý và cũng nêu rõ, ngày 15/01/2019, Sở TN&MT đã có quyết định thu hồi và hủy sổ đỏ của gia đình. Vì vậy, việc đăng ký thế chấp của gia đình tại Ngân hàng không đủ điều kiện giải quyết.
Cùng cảnh ngộ đó, chị Trần Quỳnh Anh, hiện đang cư trú tại tòa CT5B (chung cư CT5 xã Tân Triều) cho biết, chị mới mua lại căn hộ của chủ cũ từ ngày 11/6/2019 và sau khi hoàn tất thủ tục sang tên, cấp sổ đỏ mới, đi làm thủ tục thế chấp tại Ngân hàng mới phát hiện sổ đỏ vừa làm xong đã bị hủy, thu hồi.
Trao đổi về vấn đề thu hồi sổ đỏ đã cấp này, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc thu hồi không trái pháp luật. "Cơ quan có quyền phát hành thì cũng có quyền thu hồi nếu phát hiện sai phạm", ông Võ nói.
Ông Võ cho biết thêm, năm 2004, Nghị định 181 thi hành Luật Đất đai quy định trừ phi nhà nước thu hồi đất thì việc thu hồi chỉ được thực hiện theo phán quyết của tòa án. Thế nhưng 3 năm sau Bộ TN&MT lại quay lại thực hiện việc thu hồi. "Theo tôi, phải bắt các địa phương sai tự chịu trách nhiệm. Về luật là đúng nhưng rất lạc hậu", ông Võ nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, không cần thiết phải thu hồi lại "sổ đỏ" hay "sổ hồng". "Bộ Luật dân sự cũng đã có quy định riêng, chủ đầu tư bán là lỗi của chủ đầu tư chứ người dân không thể biết, về nguyên tắc pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người mua", ông nói thêm.
Theo ông Võ: "Nếu bỏ các căn hộ sai phạm đi thì tác động đến vài nghìn người dân, ai đền bù cho việc này. Theo tôi đấy mới là cách quản lý của người dám chịu trách nhiệm".
Ông Võ cho rằng, việc thu hồi mới đây là đúng pháp luật nhưng quy trình thủ tục chưa đúng. Chính quyền cần phải thông báo, sau đó nếu chủ đầu tư không xuất hiện mới công bố về mã sổ nào không được chấp nhận.
"Tôi cho rằng, chúng ta hãy chờ đợi quyết định cuối cùng đối với chủ đầu tư xem là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xử lý theo cách nào, hay tòa án tuyên như thế nào. Từ đó mới dẫn đến chuyện xử lý như thế nào với các giấy chứng nhận đã trao chứ không phải thu hồi để tránh tránh nhiệm, chứng minh rằng tôi không có khuyết điểm vì tôi đã thu hồi giấy chứng nhận… Tôi cho rằng như vậy có thể khuyết điểm lại tăng gấp đôi", ông Võ chốt lại.
Về việc này, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm cho rằng, việc cấp sổ đỏ rồi lại thu hồi của người dân trong trường hợp trên cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán của Sở TN&MT Hà Nội trong việc đánh giá nhìn nhận cũng như là khắc phục giải quyết hiện tượng bất cập này.
"Lẽ ra những sai phạm cần phải được xử lý ngay trong quá trình thực hiện dự án nhưng ở đây có sự làm ngơ để vi phạm xảy ra thậm chí là xảy ra trong thời gian dài sau đó mới đặt ra cái vấn đề giải quyết lại sai phạm đó, gây khó khăn cho người dân. Về lâu về dài, chúng ta không còn cách nào khác đó là buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch tại khu vực này để hợp thức hóa việc cấp sổ đỏ cho người dân", luật sư Tú nói.
Công ty của ông Lê Thanh Thản ký hợp đồng mua bán các sản phẩm bất động sản khi không đủ cơ sở pháp lý, không cung...