"Hà Nội nên di dời bớt cây hoa sữa"
Theo chuyên gia lâm nghiệp, Hà Nội nên có kế hoạch di dời bớt cây hoa sữa trên các tuyến đường trồng dày đặc sang khu trồng cây phòng hộ, vành đai xanh của thành phố.
Mới đây, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã ra quân chặt, tỉa gần 1.000 cây hoa sữa vì mùi hương của chúng ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Ước tính trong những năm qua, Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đã chặt, di dời khoảng 3.000 cây ra khỏi nội thành.
Còn tại Hà Nội, nơi hoa sữa được coi là một biểu tượng về mùa thu, cùng những ca khúc nổi tiếng. Người dân cũng khốn khổ vì mùi hương hoa...
Nhiều tuyến đường của Hà Nội trồng cây hoa sữa với mật độ dày đặc
Mỗi đường chỉ cần trồng 3 cây
Dọc các con phố mới của Hà Nội như: Duy Tân, Tôn Thất Thuyết, Mễ Trì, Lê Đức Thọ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… hoa sữa được trồng san sát nhau.
Theo TS Đặng Văn Hà, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch kiến trúc cảnh quan và nội thất, cây hoa sữa dễ trồng, sinh trưởng nhanh, tạo bóng mát tốt nhưng không thích hợp để trồng trên cả tuyến phố.
“Không gian thành phố chật hẹp, hoa sữa trồng san sát nhau gây nhiều phiền toái cho người dân vào mùa hoa nở. Mỗi đường phố chỉ nên trồng từ 2-3 cây cách xa nhau hoặc trồng ở các ngã tư, công viên rộng thoáng. Những con đường trồng toàn hoa sữa là hậu quả của quy hoạch cây đô thị chưa được tính toán kỹ. Tôi nghĩ, Hà Nội nên có kế hoạch di dời bớt cây hoa sữa trên các tuyến đường trồng dày đặc sang khu trồng cây phòng hộ, vành đai xanh của thành phố”, TS Hà nói.
Chuyên gia lâm nghiệp cho rằng, thay thế hoa sữa cần có một lộ trình, tránh chặt hàng loạt gây lãng phí như ở một số thành phố đã làm. Khi cây thay thế đã cho bóng mát mới chuyển hoa sữa đi để đảm đảm bảo tuyến đường lúc nào cũng có bóng cây. Thông thường, công việc này sẽ phải mất từ 5-7 năm.
Hoa sữa quá “nồng nàn” dễ gây viêm mũi
Bác sĩ Trần Công Hòa (BV Tai Mũi Họng TƯ) cho biết: “Mùi của hoa sữa cũng giống như dạ hương và một số loài hoa khác. Thoang thoảng thì không vấn đề gì, nhưng nếu hít phải thường xuyên với nồng độ đậm đặc sẽ khiến con người bị choáng váng, khó chịu, buồn nôn”.
Theo các bác sĩ, hoa sữa mùi quá nồng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người
Bác sĩ Hòa cho hay, trường hợp người mắc bệnh về mũi, ngưỡng chịu đựng thấp sẽ bị dị ứng hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, nước mắt. Những người này không nên tiếp xúc lâu với mùi hoa sữa.
Còn theo lương y Vũ Quốc Trung (thành viên Hội Đông y Việt Nam) mùi hoa sữa quá “nồng nàn” tác động tiêu cực tới sức khỏe của người dân sống gần đó.
“Bản thân mùi của hoa sữa không chứa chất độc hại. Tuy nhiên, nếu trồng san sát hoa cả dãy sẽ gây tác hại. Người quá mẫn cảm với mùi hoa sẽ xuất hiện mề đay, ho, thậm chí sốc phản xạ”.
Đặc biệt, ông Trung lưu ý người dân sống dân khu vực trồng nhiều hoa sữa tránh hít phải lông, hạt loại hoa này. Hạt hoa sữa nhẹ, nhiều lông tơ nhỏ, phát tán trong không khí dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh đường hô hấp. Trẻ nhỏ, người già hít phải phấn hoa sẽ gây viêm mũi dị ứng, viêm phế quản.
Cây hoa sữa có tên khoa học là Alstonia scholaris L, thuộc họ Trúc Đào-Apocynaceae. Là một loại cây vùng nhiệt đới thường mọc hoang hay được trồng ở nhiều nơi, đặc biệt tại Hà Nội. Cây to cao khoảng 10 - 20m, vỏ nứt nẻ màu xám. Cành mọc vòng, lá mọc vòng từ 5-8 cái, tập trung ở đầu cành, phiến lá dày hình bầu dục. Hoa nhỏ màu trắng lục mọc thành tản ở nách lá, mùi thơm hăng hắc nhất là về đêm. Quả gồm hai dại dài và hẹp chứa nhiều hạt. Hạt có mao lông ở hai đầu. Mùa hoa quả từ tháng 7 đến tháng 12. |
Năm 2011, ở thành phố Trà Vinh, người dân "kiện hoa sữa" bởi loài hoa này được trồng quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến không gian sống, đặc biệt là với sức khỏe người già trẻ em. Nhiều lần đưa ra chính quyền không được xử lý, các hộ dân đã đâm đơn kiện ban ngành đô thị tỉnh Trà Vinh vì trồng cây gây ô nhiễm môi trường. Thành phố Trà Vinh đã cho đốn hạ hàng trăm cây hoa sữa. Cùng năm đó, chính quyền Đà Nẵng cũng đã phải chặt bỏ hơn 1.000 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh vì phản ảnh của người dân. Phong trào trồng dày đặc, rồi chặt bỏ hoa sữa diễn ra ở nhiều thành phố như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Quảng Nam… |