Hà Nội nên bảo tồn ADN "cụ" rùa
PGS.TS Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị, Hà Nội nên nhanh chóng xác định "cụ" rùa giống đực hay cái, từ đó có phương án lưu giữ ADN để bảo tồn nòi giống.
"Cụ" rùa trong một lần lên cạn, bên cạnh là PGS-TS Hà Đình Đức.
PGS Cảnh cho biết, nếu "cụ" rùa là giống đực cần lưu giữ mẫu phân tử ADN của tinh trùng, bảo quản trong điều kiện đặt biệt để khi khoa học phát triển, có thể sử dụng phối giống. “Cách này cũng như nhiều nam giới hiện nay lưu giữ tinh trùng để thụ tinh”, PGS Cảnh nói. Nếu "cụ" rùa là giống cái có thể lưu giữ buồng trứng để bảo quản lâu dài nhưng khả năng thực hiện chức năng duy trì nòi giống sẽ khó hơn nhiều.
Theo TS Nguyễn Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Trưởng nhóm cứu chữa "cụ" rùa năm 2011, khi đưa "cụ" rùa lên bờ, vấn đề xác định giống đực hay cái không được thực hiện. Nhiều người bảo cụ rùa giống cái. Thực ra việc đưa ra nhận định cụ rùa có thể là giống cái chỉ dựa trên quan sát hình thái học nên tính chính xác không cao. Cụ rùa chết rồi, Hà Nội nên kiểm tra giới tính của cụ, TS Tề đề xuất.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, qua quá trình kiểm tra xác cụ rùa, khả năng cao cụ rùa là giống đực, trái với dư luận lâu nay nói cụ là giống cái. Theo PGS Lê Xuân Cảnh, nếu cụ là giống đực thì cần nhanh chóng bảo quản tinh trùng.
Đề xuất hai phương án bảo quản xác "cụ" rùa
Theo PGS Cảnh, việc bảo quản mẫu vật rùa trên thế giới khá phổ biến và không phức tạp. Tuy nhiên, "cụ" rùa ở Việt Nam có kích thước, trọng lượng lớn (dài 2,08m; rộng 1,08 mét, nặng 169kg – PV), chết tương đối lâu mới phát hiện nên cần nhanh chóng xử lý, nếu không các bộ phận bên trong có thể hư hại.
Về phương án xử lý, có thể áp dụng hai phương án mà thế giới thường làm là bảo quản ướt và bảo quản khô. Bảo quản ướt bằng cách xây dựng bể chứa, ngâm mẫu vật trong cồn. Ưu điểm của phương pháp này là mẫu vật được bảo quản nguyên trạng, nằm trong bể nên gần gũi với điều kiện ngoài tự nhiên, chi phí rẻ, yêu cầu kỹ thuật bảo quản không phức tạp. Mẫu vật được bảo quản lâu dài, có thể phục vụ để làm các nghiên cứu khác như phân tích gene, bảo tồn gene.
Phương án hai là bảo quản khô, làm tiêu bản, phương án này yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, chế tác phải đảm bảo, không làm hư hại, việc bảo quản phải đáp ứng một số điều kiện. PGS Cảnh cho rằng, phương án nào cũng được nhưng quan trọng là Hà Nội phải vào cuộc nhanh chóng, giao cho cơ quan khoa học có đủ chuyên môn thực hiện bảo quản sớm.
Làm tiêu bản rùa như nào?
Theo TS Vũ Ngọc Thành, người có kinh nghiệm làm tiêu bản rùa, trước khi đưa "cụ" rùa bảo quản lạnh phải đưa hết nội tạng ra vì dù bảo quản ở nhiệt độ thấp, nội tạng vẫn phân hủy, ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Nếu bảo quản ướt thì dùng cồn bơm vào các bộ phận nhiều cơ của "cụ" rùa, sau đó định hình cơ thể và ngâm vào trong cồn. Phương án này phải thay cồn thường xuyên. Khi ngâm mẫu vật trong cồn một số dịch, mùn có thể tiết ra nên phải rửa bể thường xuyên.
Tiêu bản rùa Hoàn Kiếm ở đền Ngọc Sơn.
Với phương án làm tiêu bản, đầu tiên phải lấy hết nội tạng, sau đó bơm thuốc chống thối vào chỗ có nhiều cơ, tiếp đó là sấy và bôi thuốc chống mốc. Trong quá trình sấy, diềm thịt ở mai dễ bị teo lại. Để tránh việc này người ta thường dùng vật liệu nhân tạo để làm giống miếng thịt đó và tạo màu hình khối”, tiến sĩ Thành nói. Thông thường các nhà khoa học sẽ không tạo hình bộ yếm mai của rùa mà chỉ tạo hình tay, chân, cổ, đuôi. Về mắt, Việt Nam chưa chế tạo nên phải nhập từ nước ngoài để thay thế.
Hiện nay, phương án xử lý xác "cụ" rùa vẫn chưa được Hà Nội quyết định. Theo ông Vũ Văn Liên, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, xác "cụ" rùa được bảo quản ở nhiệt độ âm 20 độ C, đang chờ phương án xử lý chính thức của thành phố.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, qua quá trình kiểm tra xác "cụ" rùa, khả năng cao "cụ" rùa là giống đực, trái với dư luận lâu nay nói cụ là giống cái. Theo PGS Lê Xuân Cảnh, nếu cụ là giống đực thì cần nhanh chóng bảo quản tinh trùng. |