Hà Nội: Nắng nóng kéo dài, hàng nghìn trẻ nhập viện
Nắng nóng khiến trẻ em không thích ứng kịp, trẻ ăn ít, sức đề kháng kém. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng nghìn trẻ nhập viện tại Hà Nội trong mấy ngày gần đây.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 27.5, số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương nhập viện ngày càng tăng.
Nắng nóng, các hàng ghế của bệnh viện không còn chỗ trống.
Ngoài bệnh viêm não xuất hiện tại các bệnh viện, bác sĩ cũng lưu ý diễn biến của bệnh đường hô hấp. Nhiều trẻ chỉ trong một ngày đã chuyển từ ho, sốt sang viêm phổi.
Đặc biệt, thời tiết nắng nóng cũng khiến người dân mắc các triệu chứng như say nắng, ngất xỉu, kiệt sức, chuột rút… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, ThS.BS Nguyễn Thành Nam - Trưởng khoa Nhi - cũng chia sẻ, do thời tiết nắng nóng, mỗi ngày khoa có hàng trăm trẻ đến khám và nhập viện, có thời gian cao điểm còn lên tới 150 trẻ. Tỉ lệ trẻ nhập viện tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tăng từ 20-30% so với thời điểm trước nắng nóng.
Chuyên gia y tế lý giải, lượng bệnh nhi tăng là do sự thay đổi thất thường của nhiệt độ. Nắng nóng khiến trẻ em không thích ứng kịp, trẻ ăn ít hơn nên sức đề kháng kém, dễ nhiễm virus hơn. Do chủ quan nên nhiều phụ huynh không đưa con đến bệnh viện ngay mà để ở nhà điều trị, vì thế có những trường hợp nhập viện đã trong tình trạng suy hô hấp nặng.
Để phòng ngừa bệnh cho trẻ trong thời tiết nắng nóng, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - khuyến cáo: Nếu nghi trẻ sốt, nhà không có nhiệt kế đo độ trẻ thì phụ huynh cần sờ trán trẻ. Bố mẹ thấy trán nóng nên lấy khăn nhúng nước ấm lau trán, háng, nách và cho trẻ mặc đồ thông thoáng để tránh tăng thân nhiệt, dẫn đến trẻ bị sốt cao, co giật. Nếu trẻ sốt thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt.
“Đặc biệt, bố mẹ nên cho trẻ nằm điều hòa trong phòng khoảng 28-29 độ, uống đủ nước (1-2 lít/ngày)”, PGS Dũng nói.
Nếu trẻ lên cơn co giật nên bình tĩnh, tiếp tục lau mát tích cực cho trẻ, tốt nhất là dùng thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn (thuốc được để trong tủ lạnh) cho trẻ. Khi trẻ co giật tuyệt đối không nên nhỏ giọt chanh, nước sả, vì trong lúc co giật trẻ uống sẽ bị sặc, ngưng thở. Sau khi trẻ được lau nước nóng, uống thuốc hạ sốt, phụ huynh sớm đưa trẻ vào cơ sở y tế gần nhất.
Các chuyên gia cũng lưu ý, phụ huynh không nên để trẻ vui chơi ở những nơi nắng nóng. Điều này làm trẻ dễ bị say nắng. Để tránh trẻ bị cảm, sau khi trẻ ra nắng, phụ huynh nên lau khô mồ hôi xong mới tắm cho trẻ. Khi trẻ đi chơi về đổ mồ hôi hay nằm ngủ mà để quạt trực tiếp vào người cũng rất dễ bị cảm lạnh.
Đối với những bé nhũ nhi, cần cho bé bú mẹ nhằm tạo nguồn kháng thể, tăng sức đề kháng để bé chống đỡ lại bệnh tật trong thời gian bé có sức đề kháng kém, đặc biệt là lúc thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Những hình ảnh trẻ đến khám và nhập viện do phóng viên ghi nhận ngày 27.5:
Quá mệt khỏi khi phải chờ đợi khám bệnh trong những ngày nắng nóng.
Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, cả người lớn và trẻ nhỏ đều mượn ghế đá, tán cây làm chỗ nghỉ chân.
Do nắng nóng, trẻ mới đẻ không thích nghi được với thời tiết cũng phải đến bệnh viện.
Nhiều người chờ đợi đến lượt khám.
ThS.BS Trương Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, để tránh bệnh do hô hấp, bố mẹ nên cho trẻ nằm điều hòa trong phòng khoảng 28-29 độ.
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])