Hà Nội muốn bỏ tổ chức HĐND xã, phường
TP Hà Nội vừa đưa ra 2 phương án kiện toàn bộ máy chính quyền đô thị, trong đó phương án không tổ chức HĐND cấp xã, phường, thị trấn nhận được nhiều đồng thuận.
Sáng 1-10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị lần thứ 15, xem xét 4 vấn đề quan trọng, trong đó có nội dung thảo luận về dự thảo đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP.
Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, cho biết sau khi tiếp thu tối đa các ý kiến, đến thời điểm này, bản dự thảo mới nhất của đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội đề xuất 2 phương án tổ chức chính quyền đô thị.
Phương án 1: Xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); 1 cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn). Theo đó, ở cấp chính quyền TP và quận, huyện, thị xã cơ bản giữ nguyên như hiện nay, gồm có HĐND và UBND. Còn ở cấp xã, phường, thị trấn sẽ không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Phương án 2: Xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (TP), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn). Theo đó, tổ chức chính quyền TP Hà Nội cơ bản thực hiện như phương án 1. Ở quận, huyện, thị xã không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Ở cấp xã, phường, thị trấn cũng chỉ tổ chức cơ quan hành chính đại diện gọi là ban đại diện hành chính, không tổ chức HĐND.
Hình ảnh trụ sở HĐND - UBND xã, phường được đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra cho Hà Nội trong đề xuất "đồng phục hóa" các trụ sở này
Theo ông Bảo, cả 2 phương án đều được đề xuất trên cơ sở lý luận về tổ chức chính quyền đô thị, thực tiễn tổ chức chính quyền TP Hà Nội hiện nay, cũng như bối cảnh, vị trí, vai trò và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP đến năm 2030. Nội dung của 2 phương án không mâu thuẫn nhau, chỉ khác nhau về mức độ cải cách, đổi mới đối với chính quyền các cấp của TP Hà Nội từng bước, theo lộ trình, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.
Cũng theo ông Bảo, căn cứ ưu điểm, hạn chế của 2 phương án nêu trên, để phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ nhưng có bước đi thận trọng, tránh xáo trộn; đặc điểm, đối tượng quản lý và sự tương thích của hệ thống chính trị của TP Hà Nội theo lộ trình cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tổ soạn thảo đề án đề nghị trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội sẽ thực hiện theo phương án 1.
Hà Nội dự kiến tháng 12-2018, TP sẽ báo cáo đề án với Bộ Chính trị (thời gian cụ thể do Bộ Chính trị quyết định). Nếu được Bộ Chính trị thông qua đề án và ban hành nghị quyết về thí điểm đề án này, thì trong quý I/2019, Hà Nội sẽ báo cáo Chính phủ. Đến quý IV/2019 sẽ trình Quốc hội xây dựng và ban hành nghị quyết cho phép làm thí điểm. Nếu được Quốc hội thông qua, Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể.
Chủ tịch UBND thành phố khẳng định Hà Nội không “mặc áo” chung cho các trụ sở UBND xã, phường.