Hà Nội mạnh tay “xử” cán bộ nhũng nhiễu

Lãnh đạo TP Hà Nội đang có những động thái quyết liệt nhằm xử lý những cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà, sách nhiễu và hành dân trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Chiều 27/4, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND quận Đống Đa - TP Hà Nội, cho biết đã điều chuyển ông Nguyễn Tiến Mậu, cán bộ tại bộ phận một cửa của quận này, về văn phòng UBND quận.

Phải tự trọng

“Hiện chúng tôi chưa bố trí việc gì cho anh Mậu làm, tạm thời rút về văn phòng ngồi đấy và chờ sau khi có kết luận của đoàn thanh tra công vụ sẽ có hướng xử lý cụ thể” - ông Hào nói.

Trước đó, một người dân đến bộ phận một cửa UBND quận Đống Đa để làm thủ tục nhà đất. Dù đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, hồ sơ theo quy định, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và có giấy hẹn đến ngày trả kết quả nhưng khi người này đến lấy thì bị trả lại hồ sơ mà không được giải thích lý do.

Tại cuộc họp báo chiều 23/4 do Thành ủy TP Hà Nội tổ chức, ông Hào cho biết ngay sau khi VTV1 đưa tin về trường hợp gây sách nhiễu người dân tại bộ phận một cửa nêu trên, lãnh đạo quận đã mời thanh tra công vụ đến điều tra sự việc.

Ông Hào nhấn mạnh: “Nếu cán bộ nào có tư tưởng gây sách nhiễu, phiền hà, phải tự trọng, xin ra khỏi vị trí tiếp xúc trực tiếp với dân để tránh cản trở công tác cải cách của quận. Quận sẽ xử lý nghiêm cán bộ sách nhiễu dân và yêu cầu cán bộ, nhất là người ở bộ phận một cửa, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ”.

Hà Nội mạnh tay “xử” cán bộ nhũng nhiễu - 1

Trụ sở bộ phận một cửa của UBND quận Đống Đa - Hà Nội, nơi ông Nguyễn Tiến Mậu được cho là đã sách nhiễu, gây phiền hà cho dân (Ảnh: Văn Duẩn)

“Giật mình” vì tụt hạng

Xử lý nêu trên được cho là mạnh tay với cán bộ bị “tố” sách nhiễu, hành dân diễn ra trong bối cảnh TP Hà Nội đã “mổ xẻ” các nguyên nhân TP tụt hạng sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2012.

Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị thừa nhận: “PCI của Hà Nội thể hiện sự không hài lòng của doanh nghiệp về sự điều hành của chính quyền. Rõ ràng doanh nghiệp, người dân đang chê chính quyền”. Ông Nghị cũng chỉ ra sự không hài lòng về cách điều hành của chính quyền nằm ở chỗ cán bộ thiếu năng động, dẫn đến sự chậm trễ. Nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội đã “giật mình” và sẽ kiên quyết hơn trong mục tiêu cải thiện PCI vốn đã được đề ra từ những năm trước nhưng thực hiện không triệt để.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng dù có kế hoạch nâng cao chỉ số PCI nhưng việc thực hiện ở các sở, ban, ngành còn chưa nghiêm túc, chưa thường xuyên hoặc xem nhẹ. Đó là nguyên nhân tụt hạng PCI của Hà Nội.

“Giật mình” trước nguyên nhân đánh tụt hạng PCI, Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra công vụ với 19 thành viên, do Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng làm trưởng đoàn. Đối tượng kiểm tra bao gồm cán bộ, công chức viên chức, người lao động làm việc trong các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn và các đơn vị sự nghiệp Nhà nước thuộc TP Hà Nội. Thời gian kiểm tra là thường xuyên vào các ngày, giờ làm việc trong năm 2013. “Chúng tôi sẽ kiểm tra đột xuất, không báo trước thời gian, địa điểm cho các tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra biết” - ông Sáng khẳng định.

Theo một vị đại diện thanh tra Sở Nội vụ TP Hà Nội, đối với những cán bộ bị phát hiện sai phạm đầu tiên là sẽ kiểm điểm, khi có kết luận sai phạm rõ ràng sẽ kỷ luật.

Luôn tụt hậu

Trong 9 năm VCCI thực hiện công bố báo cáo PCI, Hà Nội đều được xếp hạng quanh quẩn ở nhóm khá và trung bình. Từ vị trí thứ 14 trong năm đầu tiên có PCI, Hà Nội rớt xuống vị trí thứ 51 trong bảng xếp hạng gồm 63 tỉnh, thành năm 2012. Chỉ 2 lần Hà Nội thăng hạng là vào các năm 2007 và 2011 nhưng khi tụt hạng thì một mạch 24 bậc, từ vịt trí thứ 14 năm 2005 xuống thứ 38 năm 2006.

Đánh giá về phản ứng của TP Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI, nói việc TP này tụt hạng sâu là do những điểm yếu cố hữu như đất đai, chi phí không chính thức không được cải thiện, trong khi điểm mạnh là dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp lại được doanh nghiệp đánh giá khắt khe hơn. Với thế mạnh của một thủ đô là cơ sở hạ tầng phát triển, vị trí địa lý thuận lợi, có sân bay quốc tế…, sự tụt hạng của Hà Nội là điều đáng tiếc vì nhiều địa phương không có lợi thế như TP này nhưng đã thăng hạng ngoạn mục. Khi chạy số liệu cho kết quả 3 tỉnh dẫn đầu là Đồng Tháp, An Giang, Lào Cai, nhóm nghiên cứu đã nghi ngờ và phải họp để kiểm tra lại nhưng kết quả vẫn không thay đổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN