Hà Nội lý giải thế nào quy định “cấm ghi hình khi tiếp dân”?
Việc cấm ghi âm, ghi hình khi tiếp dân nếu không được cho phép nhằm tạo ra một môi trường chuyên nghiệp, nghiêm túc, ngăn chặn các trường hợp cực đoan.
Một buổi tiếp công dân của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký văn bản quyết định ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố, trong đó nêu rõ quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.
Quy định này đã làm dấy lên tranh cãi bởi nhiều quan điểm cho rằng nó đã làm xâm phạm đến quyền lợi của công dân.
Lý giải về Hà Nội việc đưa ra quy định này, một lãnh đạo của Ban Tiếp công dân TP Hà Nội nêu dẫn chứng tại điều 12 của luật Tiếp công dân quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh” và cho hay, căn cứ điều luật đó, Chủ tịch tỉnh sẽ ban hành nội quy phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Như vậy tức là quy định của Chủ tịch TP vừa ký không xâm phạm quyền lợi của người dân, cũng không hề ảnh hưởng đến người dân, vì luật Tiếp công dân có ghi là công dân có quyền như quyền được bảo đảm, được trình bày và nghĩa vụ là phải thực hiện hướng dẫn của người tiếp công dân, chấp hành nội quy của cơ quan đó.
Phân tích rõ hơn, vị lãnh đạo của Ban Tiếp công dân TP Hà Nội cho rằng, bản chất ban hành quy định nêu trên không xâm phạm quyền của công dân, mà chỉ nhằm tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc cho cả người tiếp dân và công dân được tiếp. Đặc biệt là ngăn chặn các trường hợp cực đoan khi một số người đến không phải vì thực hiện quyền của mình mà là để tuyên truyền ra bên ngoài, nói xấu, vu khống…
Từng nhiều năm làm việc tại Ban Tiếp công dân T.Ư, ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư (Thanh tra Chính phủ) cho biết quy chế này đã có từ lâu. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy định không được quay phim, chụp ảnh tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương khi chưa được sự đồng ý của người phụ trách trụ sở.
Ông cũng nêu thực trạng một số người đến đã quay video rồi đưa lên mạng xã hội với những lời lẽ bình luận sai sự thật, không đúng mực, tức là họ ghi âm, ghi hình không phải để giảm sát mà có động cơ khác.
Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư cũng nhấn mạnh, quy chế không cấm quay phim, chụp ảnh mà trước khi làm việc đó phải xin phép và được sự đồng ý từ người có thẩm quyền.
Theo ông Điệp, quan trọng nhất là thái độ của cán bộ, công chức khi làm việc với người dân. Nếu trong quá trình tiếp dân mà cán bộ công chức cư xử đúng chuẩn mực thì người dân cũng sẽ thấy không cần thiết phải ghi âm, ghi hình.
Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư cũng cho rằng, nếu người dân có nhu cầu và xin phép cán bộ tiếp dân được ghi âm, ghi hình thì cán bộ cũng sẽ đồng ý chứ không có vấn đề gì. Bản thân ông trong rất nhiều cuộc tiếp công dân, người dân đều ghi âm, ghi hình và ông cũng không ngại điều đó.
Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Uỷ Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng, việc Hà Nội ra một quy định căn cứ trên luật Tiếp công dân, luật Tổ chức chính quyền địa phương, nghị định hướng dẫn thi hành luật Tiếp công dân mà đặt ra những chế định không có trong luật là không phù hợp.
Vì hiện cả luật Tiếp công dân và Nghị định 64/2014 hướng dẫn luật này đều không có quy định cấm ghi âm, ghi hình ở trụ sở tiếp công dân.
Theo ông Xuyền, cán bộ tiếp dân cũng đang thực thi công vụ, chứ không phải tư cách cá nhân và không thuộc phạm vi bí mật đời tư.
Trong quá trình cảnh sát trật tự cơ động kiểm tra, xử lý về việc đỗ xe nơi biển cấm, tài xế đã bị một thanh niên...