Hà Nội lại lo nước nhiễm asen

Trước những lo ngại của người dân về tình trạng nhiễm asen trong nước ngầm ở Hà Nội, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và đang tìm biện pháp kiểm soát.

Nguy cơ nước nhiễm asen

Việc thời gian vừa qua, hàng trăm hộ dân thuộc cụm dân cư khu nhà ở N01, N02, N03, N04, N05 thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) lo lắng khi phát hiện ra nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm asen.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy không phải đến bây giờ việc nước ngầm ở Hà Nội nhiễm asen mới được phát hiện.

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay tại Hà Nội việc cung cấp nước cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất được lấy từ hai nguồn nước là nước mặt và nước ngầm, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước chính khoảng 900.000 m3/ngày đêm, trong đó số người sử dụng nước ngầm chiếm khoảng 73%.

Tuy nhiên, về chất lượng, thì nguồn nước ngầm đang sử dụng để cấp nước cho Hà Nội khai thác có đặc tính: Nguồn nước ở phía Nam nội thành Hà Nội có hàm lượng sắt, amoniac rất cao.

Tại các bãi giếng của nhà máy nước như Pháp Vân, Tương Mai, Hạ Đình, hàm lượng Fe trung bình vào khoảng 8,1- 11,2 mg/l, còn hàm lượng NH4+ trung bình lên tới 10,4 - 19,7 mg/l, đồng thời nguồn nước có dấu hiệu bị nhiễm bẩn hữu cơ ở mức độ thấp.

Nguồn nước ngầm của các bãi giếng ở khu vực phía Bắc nội thành Hà Nội lại có hàm lượng mangan cao hơn các bãi giếng phía Nam.

Hà Nội lại lo nước nhiễm asen - 1

Tại một khu chung cư ở Hà Nội, nơi người dân phát hiện nước nhiễm asen. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Trong khi đó hàm lượng sắt và amoniac tại khu vực này lại rất thấp. Các khu vực như Gia Lâm, Sài Đồng, Cáo Đỉnh thường xuất hiện nguồn nước có sắt và mangan tồn tại ở dạng keo của axit humic và keo silic.

Dù các chỉ tiêu chất lượng vẫn nằm trong phạm vi cho phép của tiêu chuẩn vệ sinh quy định, nhưng theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nếu sử dụng nước thô (chưa xử lý), để cấp nước trực tiếp cho sinh hoạt và ăn uống thì việc nước nhiễm asen có thể sẽ xảy ra.

“Báo cáo dự án điều tra hiện trạng ô nhiễm asen trong các hệ thống cấp nước tập trung thuộc khu vực đô thị và khu công nghiệp do Cty CP Nước và Môi trường Việt Nam lập năm 2009 cho thấy, hiện trạng asen trong nước thô và nước sau xử lý tại các nhà máy nước của Hà Nội là: Chất lượng nước khai thác từ giếng khoan chưa xử lý có hàm lượng asen dao động 0,002 mg/l - 0,038 mg/l.

Khu vực có hàm lượng asen tương đối cao từ 0,016- 0,018 mg/l tại các giếng khoan của các nhà máy nước ngầm Pháp Vân, Ngô Sỹ Liên, Kim Liên.

Nhưng chất lượng nước sau xử lý có hàm lượng asen dao động từ 0,002 mg/l- 0,009 mg/l và đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống (quy định hàm lượng asen cho phép là 0,01 mg/l với mức độ giám sát B)”- đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Thay thế nguồn nước ở khu nhiễm asen

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, trước phản ánh của người dân xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) về hàm lượng asen trong nước ở đây vượt quá tiêu chuẩn cho phép khoảng 37- 41 lần, Bộ đã phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra và bước đầu cho thấy nguồn nước thô từ giếng khoan tại khu dân cư xã Mỹ Đình có nhiễm asen.

Chủ đầu tư tại khu chung cư cao tầng ở khu vực này, đang tự cung cấp nước sạch thông qua các trạm cấp nước nhỏ, lẻ nên chưa kịp thời phát hiện tình hình ô nhiễm cũng như chưa có các giải pháp xử lý vi phạm.

“Từ thực trạng nhiễm asen trong nước ngầm tại Hà Nội, Bộ Xây dựng cũng đã có một số kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, yêu cầu Hà Nội phải tổ chức điều tra, khảo sát về chất lượng nước ngầm, có đánh giá về mức độ ô nhiễm nguồn nước, trong đó có nhiễm asen để phục vụ cho việc quy hoạch, khai thác sử dụng nước ngầm đúng mục đích và hiệu quả. Đồng thời phải tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước ngầm cung cấp cho các hộ dân cư trên địa bàn và đối với các dự án nhà ở, chung cư, tái định cư, khu đô thị mới... đang tự cung cấp nước để có những biện pháp xử lý” - lãnh đạo Bộ Xây dựng nói.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, để khắc phục tình trạng nước ngầm bị nhiễm asen trong điều kiện hiện nay thì ở mỗi nhà máy nước cần cải tiến công nghệ lọc nước, có thêm công đoạn xử lý mangan và asen ngay tại nguồn cấp nước.

Chưa có thuốc chữa nhiễm độc asen mãn tính

TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, nguồn nước ngầm của Hà Nội cũng như vùng đồng bằng sông Hồng đều có asen.

Cơ sở tư nhân tự khai thác nước ngầm hiện không thể kiểm soát được lượng asen trong nước sinh hoạt. Sử dụng nước bị nhiễm asen quá mức cho phép trong một thời gian dài (từ 3 đến 20 năm) thì cơ thể bị phơi nhiễm asen mãn tính.

TS. Trần Hồng Côn cho biết thêm, khi cơ thể nhiễm asen mãn tính rất dễ bị mắc bệnh ung thư da. Khi đó trên da xuất hiện các vảy sừng, đốm chấm khác màu da ở vùng trên lưng và tay.

Thậm chí những đám vảy sừng xuất hiện trên chân gây chết dần vùng da và da sạm đen. Nặng hơn những tế bào ung thư phát triển trong cơ thể gây lở loét da với biểu hiện như bông súp lơ. Người nhiễm asen lâu ngày còn có thể bị ung thư gan, phổi, bàng quang, thận.

Đến nay chưa có thuốc nào chữa được bệnh nhiễm asen mãn tính. Vì vậy khi bệnh nhân nhiễm asen, uống vitamin để cơ thể tự đào thải độc tố ra ngoài.

Thái Hà

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tú (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN