Hà Nội: Khốn khổ vì rét đậm kéo dài

Nhiệt độ giảm xuống 10°C, giá rét kéo dài đã khiến cuộc sống của nhiều gia đình ở Hà Nội bị đảo lộn, bệnh tật gia tăng.

Dù đã được cảnh báo trước nhưng khi đặt chân đến Hà Nội dịp này, nhiều du khách phương Nam không khỏi bất ngờ với cái giá lạnh đến “cắt da cắt thịt” ở đây.

Làm đảo lộn cuộc sống

Anh Phạm Hùng Sơn, ngụ tại TPHCM, cho biết: “Ra Hà Nội lần này tôi rất háo hức vì chưa khi nào được “nếm” cái lạnh của phương Bắc. Thế nhưng, vừa đối mặt với rét đã thấy “thấm”. Cả đêm qua, tôi không ngủ được vì lạnh thấu xương. Sáng nay, dự họp xong, tôi đã phải đổi vé máy bay về sớm chứ không dám ở lại chơi thêm vài ngày như những lần trước”.

Rét kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người Hà Nội. Thay vì đi làm bằng xe máy vào mỗi sáng, nhiều người đã chuyển sang đi xe buýt hoặc taxi để tránh rét. Chị Lê Ngọc Anh, nhân viên một công ty kinh doanh hàng nội thất ở Hà Nội, từ nhà chị đến cơ quan hơn 10 km nên mấy hôm nay, chị đã phải chọn xe buýt để đến cơ quan. “Dù bất tiện một chút nhưng phải chấp nhận vì người “ních” đầy quần áo, bất tiện khi đi xe máy. Vả lại, lái xe trong khi tay bị cứng đờ do lạnh thì rất nguy hiểm” - chị Ngọc Anh nói.

Hà Nội: Khốn khổ vì rét đậm kéo dài - 1

Bệnh nhân trải chiếu, đắp chăn trong khuôn viên Viện Tim mạch quốc gia (Hà Nội)

Tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, số bệnh nhân nhập viện do viêm đường hô hấp, viêm phổi, cao huyết áp, tai biến mạch máu não… tăng nhiều. Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, số trẻ bị viêm phổi, viêm mũi họng, hen dị ứng trong 2 tuần qua tăng gấp đôi so với ngày thường. Theo TS Dũng, sức đề kháng của trẻ nhỏ vốn đã kém, nay lại phải chống chọi với giá lạnh kéo dài nên rất dễ bị bệnh.

Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều người già cũng đã trở thành nạn nhân của nền nhiệt độ xuống thấp đột ngột. Tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch nhập viện ngày một đông hơn. Trong đó, nhiều trường hợp do đi tiểu đêm, tập thể dục sớm trong tiết trời rét mướt đã dẫn đến đột quỵ.

Nháo nhào

Để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, trong những ngày qua tại Hà Nội, nhiều người phải nháo nhào tìm mua quạt sưởi, chăn sưởi… Trong khi đó, nhiều người kiếm sống trên phố phải đốt lửa để chống rét. Theo ghi nhận của phóng viên ngày 4/1, do nhu cầu tăng cao, giá thiết bị sưởi ấm các loại đã tăng khoảng 10% - 20% so với trước đó.

Hà Nội: Khốn khổ vì rét đậm kéo dài - 2

Người dân Hà Nội đổ xô đi mua quần áo chống rét đậm Ảnh: NGỌC DUNG

Chị Mai Hoàng, ngụ quận Cầu Giấy, cho biết cách đây 2 tháng, chị mua chiếc quạt sưởi Halogel của Samsung với giá 700.000 đồng. Chiều 3/1, chị mua thêm một chiếc tương tự nhưng giá đã vọt lên 900.000 đồng. “Khi tôi thắc mắc, người bán hàng dọa nếu cứ rét thế này, giá sẽ còn tăng tiếp, thậm chí không có hàng để bán” - chị Hoàng phàn nàn.

Theo chị Nguyễn Kiều Minh, nhân viên cửa hàng đồ gia dụng ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, khoảng 2-3 năm nay, hàng sưởi ấm khá phong phú. Ngoài quạt sưởi, máy sưởi, còn có bóng đèn sưởi lắp đặt trong phòng để đối phó với thời tiết lạnh giá.

Sôi động không kém là thị trường quần áo. Tại nhiều vỉa hè, mặt hàng áo phao, quần nỉ, mũ len, khăn len, găng tay chống rét được bày bán la liệt.

Giá ăn theo rét!

Tại nhiều chợ ở TP Hà Nội những ngày qua, nhiều loại thực phẩm cũng tăng giá theo thời tiết khắc nghiệt. Rau xanh là mặt hàng tăng giá mạnh nhất, tăng từ 15% - 30%. Rau muống cũng lên đến 9.000 đồng/mớ (bó nhỏ), tăng 3.000 đồng so với 2 tuần trước. Su hào, bắp cải cũng tăng lên 12.000 - 15.000 đồng/kg, cà chua từ 8.000 đồng/kg lên 10.000- 15.000 đồng/kg…

Giá thịt gà, heo, bò, tôm, cá… cũng tăng nhẹ do rét, khó vận chuyển. Chị Trần Thị Hoàn, một tiểu thương kinh doanh rau củ tại chợ đầu mối Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết trời mưa, rét đậm làm chậm quá trình phát triển của rau khiến mặt hàng này về chợ giảm hẳn, từ đó giá cũng tăng cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN