Hà Nội dự kiến xây đô thị sau khi di dời các nhà máy Cao su Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long

Sự kiện: Thời sự

Một số phường thuộc quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) sau khi di dời nhà máy sẽ được xây các khu đô thị. Nhiều nhà máy lớn như Cao su Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội thuộc diện di dời.

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2025 được UBND TP Hà Nội trình Bộ Nội vụ mới đây, thành phố có 67 phường, xã đảm bảo yếu tố diện tích tự nhiên và quy mô dân số thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù. Do đó, UBND TP đề xuất các địa phương này không sáp nhập trong giai đoạn tới.

Cụ thể, Hà Nội điểm tên nhiều phường là địa phương trọng điểm về quốc phòng như: Phúc Xá, Điện Biên, Quán Thánh, Liễu Giai, Đội Cấn, Ngọc Hà (quận Ba Đình); Hàng Bột, Láng Hạ, Nam Đồng, Quang Trung (Đống Đa)...

Một số địa phương có nhiều di tích lịch sử, truyền thống văn hóa hoặc địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt gồm các phường: Vĩnh Phúc, Cống Vị, Giảng Võ, Ngọc Khánh (Ba Đình); Khương Mai, Phương Liệt, Khương Trung (quận Thanh Xuân)...

Nhà máy Thuốc lá Thăng Long sau khi di dời sẽ được xây dựng khu đô thị quy mô lớn

Nhà máy Thuốc lá Thăng Long sau khi di dời sẽ được xây dựng khu đô thị quy mô lớn

Đáng chú ý, tại quận Thanh Xuân, phường Thượng Đình có nhiều nhà máy lớn như Cao su Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội thuộc diện di dời. UBND TP Hà Nội cho biết sau khi di dời, các khu đô thị sẽ được xây dựng với quy mô dân số dự kiến 46.000 người, từ đó đạt 306,7% so với tiêu chuẩn.

Tại phường Thanh Xuân Trung, ngoài nhiều trường đại học và hơn 2.500 doanh nghiệp kinh doanh, địa phương còn có nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông và giày Thượng Đình thuộc diện di dời. Sau khi di dời sẽ xây dựng các khu đô thị, dự kiến quy mô dân số 48.000 người, đạt 320% so với tiêu chuẩn.

Nhiều yếu tố đặc thù khác cũng được Hà Nội đưa ra để lý giải nguyên nhân các phường không thuộc diện sắp xếp lại trong giai đoạn này, bao gồm: tình hình dân cư phức tạp, vị trí biệt lập, địa bàn nhiều ngõ ngách nhỏ, tập trung nhiều bệnh viện tuyến Trung ương hoặc trường đại học...

Theo UBND TP Hà Nội, UBND TP đã xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 bảo đảm các nguyên tắc, quy định của Trung ương. Trong đó đã xem xét, cân nhắc, đánh giá rất kỹ lưỡng nhiều mặt, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, tính tổng thể chung của Thành phố như: Quá trình thực hiện sắp xếp phải giữ được yếu tố truyền thống, lịch sử, bản sắc văn hóa tiêu biểu gắn với truyền thống hình thành, phát triển của Thủ đô; Quá trình thực hiện sắp xếp phải tính toán khoa học, hợp lý, phù hợp quy hoạch, thực tiễn hiện nay và xu hướng phát triển trong giai đoạn tới, nhất là phải phù hợp với định hướng và tốc độ phát triển đô thị, hạ tầng giao thông trong tương lai; tạo điều kiện thuận lợi trong lao động sản xuất, công tác và sinh hoạt của nhân dân; xem xét thận trọng các tiêu chí trọng điểm và trọng yếu về quốc phòng an ninh ở một số ĐVHC có ảnh hưởng lớn khi sắp xếp ĐVHC. Quá trình tổ chức thực hiện phải tạo được sự thống nhất, đồng thuận của người dân... Phương án tổng thể đã qua nhiều bước lấy ý kiến tại địa phương, cơ sở, được Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, Ban cán sự đảng UBND Thành phố thống nhất Phương án để trình các cơ quan Trung ương.

UBND TP Hà Nội khẳng định: Từ tình hình thực trạng phát triển, các yếu tố về lịch sử, văn hóa của các xã chưa đảm bảo theo quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; đối chiếu với quy định hiện hành, sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 là có đầy đủ cơ sở khoa học; số liệu đảm bảo chính xác, khách quan và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau khi những du thuyền bỏ hoang, cũ nát, rỉ sét đã hoàn tất di dời ra khỏi mặt nước, Hồ Tây đã lấy lại được vẻ đẹp tự nhiên, thơ mộng yên bình vốn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hoàng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN