Hà Nội dự định thu hồi gần 13.000 ha đất để làm công trình, dự án
Hà Nội dự kiến thu hồi gần 13.000 ha đất để làm các công trình, dự án trong năm 2024, phần lớn diện tích đất phải thu hồi là những dự án chậm triển khai trong năm 2023.
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 trên địa bàn TP Hà Nội. Tờ trình này sẽ được kỳ họp 14 của HĐND TP Hà Nội (dự kiến khai mạc vào ngày 5-12) xem xét, thông qua.
Theo đó, UBND TP Hà Nội trình HĐND TP Hà Nội quyết nghị thông qua danh mục 2.836 công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 với tổng diện tích hơn 12.858 ha. Trong đó, số dự án thu hồi đất năm 2023 chuyển tiếp sang danh mục thu hồi đất năm 2024 là 2.306 dự án, với diện tích hơn 9.486 ha đất.
Một số công trình, dự án thu hồi đất năm 2023 vì chậm triển khai, phải chuyển sang năm 2024.
Hà Nội dự kiến thu hồi gần 13.000 ha đất trong năm 2024 để triển khai xây dựng các dự án, công trình. Ảnh: TP
Về nguyên nhân, UBND TP Hà Nội cho biết, một số địa phương đưa các dự án vào danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa còn thiếu tính thực tiễn nên kết quả chưa cao. Một số địa phương chưa thực sự có chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Nhiều địa phương chưa thực sự chuẩn bị tốt các điều kiện về giải phóng mặt bằng, về cơ sở pháp lý, về vốn, về quỹ tái định cư…
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cho hay, sau khi Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3-4-2023 của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án có sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện bổ sung các nội dung về nộp tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, đánh giá tác động môi trường. Điều này dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.
Mặt khác, chính sách, pháp luật đất đai thay đổi qua các thời kỳ. Quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bồi thường khi nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm đất và chuyển mục đích sử dụng đất khác nhau dẫn đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng cho biết, việc xác định giá bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay cũng đang gặp khó khăn do nhiều đơn vị tư vấn xác định giá đất không nhiệt tình tham gia xác định giá đất.
Trong khi thị trường quyền sử dụng đất còn hạn chế, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phản ánh đúng giá giao dịch, thông tin đầu vào để áp dụng phương pháp định giá đất thiếu tính chính xác, tin cậy. Cùng với đó, nhiều loại đất, khu vực không có thông tin về giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Nguồn: [Link nguồn]
Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tổng kho xăng dầu Đức Giang, Nhà máy Bia Hà Nội, Công ty thuốc lá Thăng Long... nằm trong danh sách 9 cơ sở nhà, đất phải di dời theo quyết định mới nhất...