Hà Nội: Dịch đau mắt đỏ xuất hiện sớm, lây lan nhanh

Đến thời điểm này, tại Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Mắt Hà Nội, số bệnh nhân đến khám và đau mắt đỏ tăng rất nhanh. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám.

Bác sĩ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương nhận định, dịch đau mắt đỏ ở Hà Nội nhìn chung mới chỉ lây lan trong phạm vi gia đình nhưng lây lan với tốc độ rất mạnh.

“Dịch đau mắt đỏ ở khu vực Hà Nội năm nay bùng phát sớm hơn do mùa này không khí ngột ngạt, virus, nấm mốc gây bệnh sinh sôi nhanh”, bác sĩ Cương nói.

Hà Nội: Dịch đau mắt đỏ xuất hiện sớm, lây lan nhanh - 1

 Một trường hợp khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Bác sĩ cũng lo ngại khi vào đỉnh dịch (thường ở tháng 7 - tháng 8) mọi người chủ quan tự chữa vì nhiều người bị đau mắt đỏ. Mùa dịch mọi năm, không ít người vì tra đủ thứ thuốc không đúng chỉ định, đặc biệt là lạm dụng kháng sinh khiến người bệnh bị biến chứng viêm kết mạc rất lâu khỏi.

Viêm giác mạc khiến người bệnh bị khô mắt, tổn hại bề mặt giác mạc, gây khó chịu cho người bệnh và phải điều trị dài ngày. Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp chữa đau mắt đỏ bằng xông lá trầu không khiến mi mắt bị phù nề, mắt chói cộm nhiều bởi bỏng giác mạc. Bệnh nhân khô mắt, khó chịu, kích thích, chảy nước mắt, làm cho quá trình điều trị lâu hơn.

Theo bác sĩ Hoàng Cương, bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan do cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt...

Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng cũng là một trong những nguyên nhân lây bệnh. Trẻ em thường nhậy cảm với các loại virus nói chung, do vậy cũng dễ bị đau mắt đỏ. Ngược lại người già ít gặp đau mắt đỏ, có lẽ mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển.

Bác sĩ Cương cho biết, những biến chứng của đau mắt đỏ là viêm giác mạc các dạng: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu...có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa. Bên cạnh đó là viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mạc và khô mắt cũng gây vô số phiền toái cho bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo khi không có dịch, người dân thường xuyên đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt; giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày; đặc biệt không dùng tay dụi mắt.

Khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ, cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc; không tự ý mua thuốc nhỏ mắt; không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.

Đặc biệt, không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu... Bệnh nhân khi đau mắt đỏ nên đeo kính và khẩu trang; rửa tay với xà phòng thường xuyên sau khi tiếp xúc với dịch tiết ở mắt, không để dịch tiết của mắt phát tán ra ngoài.
 

Dấu hiệu nhận biết bệnh đau mắt đỏ

- Đỏ mắt, ra gỉ, không gây mờ mắt đó là 3 dấu hiệu chủ yếu của đau mắt đỏ
- Dấu hiệu báo trước: sốt nhẹ, gai rét, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai
- Bệnh toàn phát trong 5-7 ngày: đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng mắt nhưng không gây giảm thị lực trừ khi có biến chứng, bệnh nhanh chóng lan sang bên mắt lành
- Giai đoạn lui giảm trong 5 ngày: các triệu chứng dần biến mất, mắt trắng dần ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh đau mắt đỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN