Hà Nội: Đi thang máy... phải bò
Có tới ba trên bốn chiếc thang máy của tòa nhà bị hỏng, muốn đi bằng chiếc còn lại, các cư dân đơn nguyên I ("đơn nguyên" được hiểu nôm na là một lô nhà được sử dụng thang máy đó) phải leo ngược lên tầng kỹ thuật, khom người rồi bò sang đơn nguyên II để đi nhờ.
Tòa nhà G của khu tái định cư Đền Lừ với hai đơn nguyên, cao 11 tầng.
Hơn một tháng nay, hàng trăm hộ dân tại đơn nguyên I - tòa nhà G (khu tái định cư Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải sống trong cảnh có thang máy mà không dùng được, hoặc dùng được nhưng theo cách chẳng giống ai.
Theo phản ánh, hai đơn nguyên của tòa nhà có tổng cộng bốn chiếc thang máy nhưng trong đó đã bị hỏng tới ba chiếc. Chiếc duy nhất còn lại đang phải “oằn mình” phục vụ việc đi lại hằng ngày của hơn 100 hộ dân.
Bà Lê Thị Dần, phòng 702, tổ trưởng tổ dân phố 83, cho biết tòa nhà G được xây dựng năm 2004 gồm hai đơn nguyên cao 11 tầng. Người dân đang sinh sống trong tòa nhà G này đa phần là thanh niên xung phong, thương binh từ nhiều nơi khác nhau.
Tổng cộng tòa nhà có 110 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, việc thang máy hỏng liên tục, hỏng với số lượng lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.
“Đơn nguyên I hỏng toàn bộ hai chiếc, các hộ tầng thấp còn đi bộ được, chứ các hộ trên tầng 10, 11 thì khổ vô cùng. Thử tưởng tượng một bà già ngoài 60 như tôi đây, leo được đến tầng 11 thì cũng không còn sức để mà xuống. Thành ra các hộ trên tầng cao phải đi nhờ thang máy bên đơn nguyên II, nhưng muốn đi được thì phải trèo ngược lên tầng kỹ thuật trên cùng, cúi người rồi bò dưới hầm mới sang bên kia được”, bà Dân cho hay.
Ghi nhận thực tế, quả thực việc đi lại của các hộ dân tại đây chẳng giống với bất cứ nơi đâu. Do hai đơn nguyên không thông với nhau, để được đi thang máy, các hộ dân của đơn nguyên I phải chui phía dưới các hộp kỹ thuật, khoảng cách từ mặt đất đến trần chỉ khoảng 1m nên người dân phải cúi gập người rồi… trườn dần sang phía đơn nguyên II.
Người dân đơn nguyên I phải khom lưng, chui dưới hầm kỹ thuật mới sang được đơn nguyên II đi nhờ thang máy.
Việc di chuyển như vậy không những khó khăn mà còn rất nguy hiểm. Theo quan sát, mặt trần của các hộp kỹ thuật có rất nhiều các rãnh mấu bê tông sắc, nhọn; nếu cộc đầu vào những mấu này rất dễ gây ra chấn thương.
“Đau lưng lắm! Toàn người già nên cúi vậy tôi thấy nhọc lắm, không khác gì thời chiến! Ban ngày còn đỡ vì có ánh sáng, chứ ban đêm thì tối om, phải mò đường, men theo tường mà đi. Cộc đầu ở đây như cơm bữa, nhất là mấy ông bà già. Khổ vậy nhưng không biết phải làm thế nào”, bà Dần than thở.
Sau khi vượt qua “trận địa” trên tầng kỹ thuật, cư dân đi ngược xuống tầng 11 để sử dụng thang máy.
Không chỉ hỏng hóc liên tục, thang máy của tòa nhà cũng hoạt động trong tình trạng “què quặt”. Mới đây nhất, chiếc thang bên đơn nguyên I bị sập nóc, rơi tự do khiến năm người dân được một phen hoảng hồn.
Ông Chu Văn Huấn, phòng 1109, một trong năm nạn nhân bàng hoàng nhớ lại: “Hôm đó thang bên đơn nguyên II hỏng nên tôi sang bên đơn nguyên I đi nhờ, trong thang lúc đó có tôi và bốn người nữa gồm trẻ em và bà bầu đi từ tầng 11 xuống. Đến tầng 5 thì đột nhiên thang máy lắc lư, sau đó trôi tự do xuống tầng 1. Mọi người vô cùng hoảng hốt, tôi phải gọi điện cầu cứu người bên ngoài. Đây đúng là lần đi thang máy để đời”.
Rất nhiều các rãnh mấu bê tông trồi ra, sắc và nhọn, gây nguy hiểm
Người dân dán chữ “Nam mô a di đà phật” để cầu mong thang máy không trục trặc
Việc chỉ có duy nhất một chiếc thang máy phục vụ cho hàng trăm hộ dân khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Vào những giờ đi làm hoặc tan tầm về, lượng người lên xuống lớn, các cư dân phải bố trí, nhường nhau thang máy. Theo đó, trai tráng, thanh niên chịu khó đi bộ; người già yếu, trẻ em hoặc bà bầu sẽ được ưu tiên.