Hà Nội đề xuất khi có ca bệnh Covid-19 thì công bố ngay để dân bớt chủ quan

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 thì cập nhật và công bố luôn bởi nhân dân không thấy thông tin, không có ca bệnh sẽ dẫn đến chủ quan.

Sáng 13/4, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội tiếp tục họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Ông Chung nói, UBND thành phố đã hoãn một số cuộc họp để họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vào buổi sáng.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, ông Chung cho rằng, ngay từ khi phát hiện ca bệnh 256, 257 (ở Mê Linh, Hà Nội), thành phố đã chỉ đạo huyện Mê Linh, xã Mê Linh, các quận, huyện rà soát, xác định rõ về chợ hoa trên địa bàn thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh có liên quan các trường hợp nào.

Theo ông Chung, người dân Hạ Lôi trồng khoảng 100 hecta hoa cung cấp trong địa bàn thành phố. Trong đó, những người mua bán hoa (chủ yếu là bán lẻ) ở các chợ sẽ có nguy cơ lây nhiễm Covid -19. 

Hơn nữa, nhiều người trong thôn Hạ Lôi đi giao hàng trong thành phố, ngóc ngách đi đến tận từng cơ quan, đến các đại lý, từ các đại lý đến các cơ quan nhỏ, có thể lên tới tận UBND thành phố.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 sáng 13/4.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 sáng 13/4.

Từ việc xác định nguy cơ như vậy, ông Chung yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện có các nhà tang lễ trên địa bàn như quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy; các địa bàn có chợ hoa như Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Đông Anh… làm rõ các mối liên quan đến buôn bán hoa từ chợ hoa ở Mê Linh.

Chủ tịch TP.Hà Nội cho rằng, 2 tuần vừa qua là "sóng gió" đối với Hà Nội. Từ những ca đầu tiên được phát hiện ở Hà Nội ngày 6/3, đến nay đã 1 tháng 6 ngày, Hà Nội là địa bàn có số ca nhiễm nhiều nhất, số ca lây ngoài cộng đồng lớn nhất, ổ dịch lớn nhất là Bệnh viện Bạch Mai, tiềm tàng nguy cơ nhiều nhất.

Quan điểm của ông Chung, qua việc rà soát những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai mới ra bệnh nhân số 243 (Mê Linh, Hà Nội), và từ bệnh nhân này mới ra một loạt những người sau này.

Ông Chung cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, các chuyên gia cần phân tích kỹ và đưa ra các đúc kết logic, chọn xác suất nhiều hơn, đưa ra nhận định thống nhất, tránh "tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Ông Chung nhấn mạnh, công tác phòng, chống Covid-19 đều dựa trên chỉ đạo từ Trung ương. Nếu Hà Nội là tỉnh khác sẽ không được cơ quan chuyên môn y tế chú ý nhiều. Trên địa bàn Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương cũng họp liên tục, dựa trên chỉ đạo đó, Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt.

Ông Chung cho rằng, không có chuyện Hà Nội "tranh việc" để thông tin ca bệnh Covid-19, trong giai đoạn 1 của dịch Covid-19, Bộ Y tế cho phép Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm loại trừ; giai đoạn 2 cho phép xét nghiệm khẳng định. Việc Hà Nội đề xuất khi đã xét nghiệm với SARS-CoV-2 khẳng định thì cập nhật và công bố luôn bởi độ trễ của thông tin sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng dịch Covid-19.

Ông Chung cho ví dụ, ca bệnh Bộ Y tế công bố chiều 12/4, Hà Nội đã thông báo từ chiều 11/4. Đáng lẽ, trong sáng 12/4 Bộ Y tế cần công bố luôn nhưng lại để đến buổi chiều. Nhân dân không thấy thông tin, rồi báo chí đưa tin sáng không có ca bệnh... sẽ dẫn đến chủ quan, không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Từ thực tế này, ông Chung cho rằng, có việc không đồng bộ, không nhất quán, tạo sự phân tâm cho người dân. Vì thế, cần phải mổ xẻ, nhận định trong thời gian tới như thế nào, cái gì chỉ đạo chưa đúng thì phải mạnh dạn sửa ngay vì "dưới cơ sở làm trực tiếp, cứ chung chung rất khó làm".

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Kiến nghị kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần để chống dịch Covid-19

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội thêm 1 tuần để bảo vệ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN