Hà Nội đề xuất diện tích tối thiểu được đăng ký thường trú: Làm khó người dân?
Hà Nội đề xuất người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2; khu vực ngoại thành là 8 m2 (17 huyện và thị xã Sơn Tây). Các chuyên gia cho rằng, người lao động sẽ gặp khó.
Người dân kém mặn mà
Hơn 3 tháng sau khi xin lùi thời gian thông qua dự thảo lần một, Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến lần hai vào dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.
Theo dự thảo mới, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2, giảm 5 m2 so với dự thảo lần một; khu vực ngoại thành là 8 m2. Diện tích nhà ở tối thiểu tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Nhà trọ của công nhân làm việc tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) Ảnh: H.Q
Việc xây dựng dự thảo trên nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cư trú 2020, tạo cơ sở pháp lý để thành phố chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, trong đó có nội dung quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Luật Cư trú 2020 quy định đăng ký thường trú phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết về diện tích nhà ở tối thiểu đang được thành phố Hà Nội lấy ý kiến lại quy định: người đi thuê nhà muốn đăng ký thường trú trong nội thành phải có diện tích ở tối thiểu 15m2 và khu vực ngoại thành là 8m2. |
Chị Hiền, công nhân Cty TNHH Canon Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh) cho biết, Cty có chính sách hỗ trợ thuê trọ tại khu công nhân gần KCN. Tuy nhiên, do gia đình có 4 người (2 vợ chồng, 2 con) nên chị đã chuyển ra căn nhà trọ diện tích khoảng 22m2 ở đường Cổng Gỗ gần đó. Theo nữ công nhân này thì yêu cầu 8m2/người để đăng ký thường trú là khó thực hiện được. Bởi diện tích hiện nay giá thuê nhà đã là 1 triệu đồng/tháng cùng các chi phí sinh hoạt khác đang khá cao so với mức thu nhập của 2 vợ chồng. “Không chỉ tôi mà nhiều anh chị em khác đều chỉ đăng ký tạm trú với công an xã. Cũng chỉ cần đăng ký tạm trú là lớp 1 có thể học ở trường công”, chị Hiền chia sẻ.
Đại diện UBND xã Kim Chung cho biết thêm, đa số công nhân làm việc tại KCN Bắc Thăng Long trên địa bàn chỉ đăng ký tạm trú. Theo thống kê, địa bàn xã có khoảng 16.000 người đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, việc đăng ký thường trú hay tạm trú không ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em vì chỉ cần đăng ký tạm trú cũng được đăng ký học ở trường công. “Năm 2023 xã tiếp tục được đầu tư 3 trường mới, đảm bảo đủ điều kiện học tập cho con em công nhân trên địa bàn”, đại diện xã thông tin.
Quy định giúp giảm áp lực nội đô
Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự thảo quy định diện tích nhà ở tối thiểu ở nội đô Hà Nội là 15m2/người nhằm đảm bảo các điều kiện sống cần thiết của người dân. Ở một số tỉnh hoặc huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đang có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn. Số người đăng ký cư trú ở những khu vực này tăng nhanh và biến động nhiều ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ. Riêng đối với Hà Nội, Luật Thủ đô đã quy định cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù để hạn chế di dân tự phát vào nội thành, dự thảo quy định về diện tích tối thiểu cùng với các chính sách đồng bộ sẽ giúp giảm áp lực nội đô.
ThS Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, dưới góc độ pháp lý, việc đưa ra hạn mức tối thiểu là cần thiết đối với đô thị của Hà Nội. Tuy nhiên, ông này lưu ý, để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của chính sách, Hà Nội cần thực hiện đầy đủ quy trình của Luật Ban hành quy phạm pháp luật, gồm đánh giá đầy đủ tác động của chính sách đối với đối tượng chịu tác động. Cụ thể, cần có nghiên cứu, đánh giá dựa trên các số liệu thống kê, kiểm kê về hiện trạng những người nhập cư có diện tích trung bình là bao nhiêu mét vuông, mức thu nhập trung bình và khả năng chi trả cho việc thuê nhà, đồng thời đối chiếu với giá thuê nhà trung bình tại khu vực nội thành hiện tại để đi đến quy định diện tích nào thì người dân có thể đáp ứng được.
Theo ông Đỉnh, sau khi có đánh giá thực tiễn thì cần chọn một mức mét vuông sàn phù hợp, làm sao để không quá mặt bằng chung nhưng cũng vừa đủ để người dân phải cân nhắc, lựa chọn về quê hay tiếp tục chi trả mức thuê nhà cao hơn để làm việc tại Hà Nội. “Tất cả để đi đến giải bài toán tổng thể như mục tiêu của dự thảo đề ra, đây cũng là nghệ thuật của việc xây dựng chính sách”, vị chuyên gia nói.
“Theo quan điểm cá nhân tôi, mức quy định diện tích tối thiểu ở khu vực nội thành như vậy là quá cao”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của...
Nguồn: [Link nguồn]