Hà Nội đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư thu phí: Người dân được hưởng lợi gì?

Sự kiện: Thời sự

Người dân ở Hà Nội đang rất hoang mang chưa biết mình sẽ được hưởng quyền lợi gì từ việc chia sẻ dữ liệu dân cư.

Hà Nội đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư thu phí: Người dân được hưởng lợi gì? - 1

Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho TP Hà Nội thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu dân cư.

Theo đó, dữ liệu dân cư sẽ được chia sẻ cho một số lĩnh vực như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. Nếu được Chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm TP Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỉ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này.

Tuy nhiên, nhiều người dân lo ngại rằng, việc chia sẻ dữ liệu dân cư sẽ làm lộ thông tin của các cá nhân, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Vậy việc chia sẻ dư liệu dân cư thực sự có lợi hay có hại đối với người dân. Để làm rõ vấn đề này, ngày 4/7, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Trước tiên, xin ông cho biết cơ sở dữ liệu dân cư là gì?

Theo Luật căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản trong chứng minh nhân dân, hộ chiếu và thông tin trong hộ khẩu gồm khoảng bảy thông số gồm Họ, chữ đệm và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Nơi ở hiện tại… của tất cả công dân Việt Nam. Các thông tin cơ bản này đã được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Những thông tin cá nhân như số điện thoại, email không nằm trong cơ sở dữ liệu dân cư.

Việc Hà Nội đề xuất chia sẻ thông tin như vậy có vi phạm pháp luật hiện hành không?

Việc chia sẻ thông tin như trên hoàn toàn không vi phạm các quy định của pháp luật.

Tại Điều 10 Luật Căn cước công dân quy định rõ, CSDL về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. CSDL quốc gia về dân cư là CSDL dùng chung, do Bộ Công an quản lý.

Cơ quan quản lý CSDL chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Công dân được khai thác thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư; tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại các điểm trên có nhu cầu khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý CSDL về dân cư theo quy định của pháp luật.

Dữ liệu dân cư sẽ được chia sẻ cho một số lĩnh vực như ngân hàng, công chứng… Vậy việc chia sẻ như vậy có khiến thông tin cá nhân của người dân bị lộ, vi phạm quyền riêng tư và người dân có thực sự được lợi?

Thực tế, thông tin chia sẻ cho các đơn vịlà thông tin ghi trong trong chứng minh thư chứ không phải là toàn bộ thông tin cá nhân. Từ trước đến nay, thông tin chứng minh thư chỉ lưu trong phòng quản lý hành chính, nhưng tới đây sẽ lưu trữ thông tin vào trong một hệ thống.

Tại Nghị định 137/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân, điều 11 - Sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nêu rõ: Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân.

Như tôi đã phân tích, việc chia sẻ thông tin cá nhân nêu trên sẽ rất thuận lợi cho người dân khi đi làm các thủ tục vì không cần phải mang nhiều giấy tờ vẫn có thể thực hiện các giao dịch bình thường.

Đáng lẽ phải xuất trình chứng minh nhân dân thì người dân chỉ cần đọc mã số định danh là có thể thực hiện các giao dịch bình thường. 

Nếu thông tin cá nhân bị lộ, bị chia sẻ ra ngoài với mục đích trục lợi, người dân cần phải làm gì?

Mặc dù đây mới chỉ là đề xuất nhưng UBND TP Hà Nội đã làm xong cơ sở dữ liệu và Bộ Công an đến khoảng năm 2022 sẽ xây dựng xong dữ liệu dân cư.

Nếu đề xuất này được thực hiện, UBND cần thông báo đến người dân và cần thực hiện theo lộ trình ra sao cho phù hợp để bảo vệ quyền lợi của người dân

Trước tiên, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân về kế hoạch của mình. Khi mà người dân thực sự hiểu được lợi ích từ việc chia sẻ thông tin cơ  sở dữ liệu dân cự họ sẽ ủng hộ hoàn toàn.

Mặt khác Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội phải hoàn toàn kiểm soát được việc chia sẻ thông tin, tránh trường hợp thông tin chia sẻ bị kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến người dân.

Chủ tịch HN Nguyễn Đức Chung nói về đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư ”gây sóng” dư luận

Người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội cho rằng, dư luận đang có sự hiểu nhầm trước thông tin này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN