Hà Nội có tới hơn 300 điểm ùn tắc những hôm trời mưa
Cho ý kiến về tình trạng giao thông trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá, hạ tầng và quỹ đất dành cho giao thông đang phát triển mất cân đối với phát triển đô thị và gia tăng phương tiện, dẫn đến các điểm ùn tắc giao thông gia tăng.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm và triển khai nhiệm vụ năm 2024 tại Sở GTVT Hà Nội ngày 17/1, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, năm 2023 phát triển hạ tầng và tổ chức giao thông trên địa bàn Hà Nội đã đạt được các chuyển biến tốt, trong đó số điểm ùn tắc đã giải quyết được hơn 40% - cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nêu thực tế, do sự mất cân đối giữa phát triển hạ tầng dành cho giao thông với sự phát triển đô thị, trong đó có tăng phương tiện cá nhân dẫn đến các kết quả trên chưa bền vững, có tình trạng ùn tắc xử lý được chỗ này nhưng lại phát sinh ở chỗ khác.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại Sở GTVT Hà Nội ngày 17/1.
Cụ thể, ông Tuấn dẫn chứng, hiện nay mỗi năm tốc độ tăng trưởng phương tiện tại Hà Nội là từ 4-5%, chỉ riêng ô tô mỗi ngày thành phố có hàng nghìn ô tô được đăng ký mới, trong khi đó quỹ đất dành cho giao thông mỗi năm phát triển dưới 1%. Còn theo quy hoạch đến nay quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn Hà Nội phải là 26% nhưng thực tế hiện nay chỉ có 12-13%... Điều này dẫn đến mất cân đối trong công tác điều tiết, quản lý lĩnh vực giao thông vận tải.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, thực tế trên đã làm cho tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể, tuy năm 2023 Sở GTVT xử lý được 15/37 điểm ùn tắc (chiếm hơn 40%), nhưng cũng trong năm 2023 số điểm ùn tắc phát sinh lại tăng 11 điểm, dẫn đến toàn thành phố vẫn đang tồn tại 33 điểm ùn tắc.
“33 điểm ùn tắc này là các điểm thường xuyên và được cơ quan quản lý, theo dõi thống kê, lên danh sách; còn thực tế vào những hôm trời mưa hay cao điểm về đi lại, thành phố có rất nhiều điểm ùn tắc khác, có thể lên đến 330 điểm chứ không phải là 33 điểm”, ông Tuấn ví von.
Với giao thông tĩnh, ông Tuấn cho biết đang mất cân đối hơn nữa. Toàn thành phố đang có số lượng phương tiện rất lớn (hơn 7,7 triệu ô tô, xe máy) nhưng đến nay các điểm đỗ của thành phố mới đáp ứng được khoảng 20%, còn lại là hiện đang phải đỗ ở lòng đường, vỉa hè… Theo quy hoạch, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh tại Hà Nội hiện nay phải từ 3-4% nhưng thực tế con số này mới khoảng 1%.
Ông Tuấn cho rằng, giao thông tĩnh rất quan trọng trong phát triển đô thị, nếu chưa tổ chức được giao thông tĩnh thì còn tình trạng xe đỗ xe ở vỉa hè, lòng đường, kèm theo đó là dịch vụ bán hàng rong, dịch vụ “ăn theo” vỉa hè phát triển theo. “Ngoài mất trật tự đô thị, tình trạng này còn gây ùn tắc giao thông tại các tuyến phố có xe đỗ lộn xộn”, ông Tuấn đánh giá.
Ùn tắc giao thông ở Hà Nội gây nhức nhối (ảnh: Duy Phạm).
Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu Sở GTVT và các đơn vị có liên quan nhanh chóng hoàn thành hệ thống quy hoạch bãi xe thành phố đã có chủ trương xây dựng, trong đó ưu tiên xây dựng, phát triển các bãi xe ngầm; rà soát, hoàn thiện hệ thống đường hướng tâm, đường vành đai và đường kết nối ngang để tăng khả năng lưu thoát cho phương tiện, tránh ùn tắc kéo dài và ùn tắc cục bộ.
Kết quả công tác năm 2023 được lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội sở đã hoàn thành 1.129 tương đương 97,6% nhiệm vụ, còn 36 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện. Đã tiếp nhận hơn 374 nghìn hồ sơ của công dân và đã giải quyết đúng hạn hơn 373 nghìn hồ sơ đạt 99,9%, các hồ sơ còn lại đang tiếp tục được xem xét và giải quyết; đã xây dựng, tham mưu và báo cáo thành phố 8 chuyên đề lớn, mang tính chiến lược, định hướng phát triển GTVT lâu dài. Đến hết tháng 12, đã xử lý được 15/37 điểm ùn tắc - tương đương 40,5%.
Các lực lượng liên ngành Hà Nội đang triển khai nhiều hoạt động về đảm bảo an toàn giao thông dịp cuối năm, trong đó chủ trương không để ùn tắc xảy ra quá 30 phút. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến đường có nhiều công trường đang thi công phải quây hàng rào, ùn tắc kéo dài vẫn diễn ra.
Nguồn: [Link nguồn]