Hà Nội "chốt" 2 phương án xử lý khi Bắc Hà bỏ loạt tuyến buýt

Sự kiện: Tin nóng

Để không bị "xoá" loạt tuyến buýt số 41, 42, 43, 44, 45 sau ngày 1/8 tới đây, Sở GTVT Hà Nội vừa kiến nghị TP Hà Nội 2 phương án thay thế.

Buýt Bắc Hà đơn phương chấm dứt hợp đồng

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về việc Công ty TNHH Bắc Hà (Công ty Bắc Hà) đề nghị dừng khai thác hợp đồng đấu thầu đối với 5 tuyến buýt có trợ giá.

Các tuyến buýt của Công ty Bắc Hà đang hoạt động có lộ trình ở các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình và công viên Thống Nhất

Các tuyến buýt của Công ty Bắc Hà đang hoạt động có lộ trình ở các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình và công viên Thống Nhất

Văn bản số 628 do ông Đào Việt Long - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội ký ngày 8/7 nêu rõ: Trong 2 năm qua (2020, 2021) lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt gặp rất nhiều khó khăn.

Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Sở GTVT và Liên ngành đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị như: Triển khai các Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 128, giảm chi phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng và doanh thu năm 2020, 2021 theo số thực hiện, hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19... Hiện nay, các doanh nghiệp đã cơ bản ổn định

Văn bản của Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định việc Công ty Bắc Hà đề nghị dừng khai thác hợp đồng thầu đối với 5 tuyến buýt (số 41, 42, 43, 44, 45) là trường hợp chưa có tiền lệ.

Vì vậy cần phải có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, hợp đồng đã ký kết cũng như duy trì hoạt động của các tuyến buýt nhằm tránh xáo trộn và có giải pháp hài hòa ôn định cuộc sống cho khoảng 200 lao động có nguy cơ mất việc làm do Công ty Bắc Hà dừng thực hiện hợp đồng.

Theo đó, ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị của Công ty Bắc Hà Sở GTVT cho biết đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (đơn vị ký kết hợp đồng) làm việc trực tiếp của Công ty Bắc Hà để rà soát, làm rõ các vấn đề liên quan cũng như đề xuất giải pháp xử lý.

Biên bản làm việc ngày 5/7 vừa qua giữa Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Tramoc) và Công ty Bắc Hà cũng đã đi đến kết luận: Thống nhất việc thanh toán, tạm ứng của Tramoc (Bên A) cho Công ty Bắc Hà (Bên B) đối với 5 tuyến buýt đã được thực hiện tuân thủ theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Việc Công ty Bắc Hà dừng hoạt động 5 tuyến buýt là do doanh nghiệp không còn năng lực để tiếp tục triển khai thực hiện.

Bắc Hà đơn phương chấm dứt hợp đồng, trong khi thời gian hợp đồng còn hiệu lực là vi phạm hợp đồng đã ký. Việc ngừng này là chủ động từ phía bên B trong khi bên A đã thực hiện đầy đủ việc thanh toán, tạm ứng theo hợp đồng đã ký.

Đề xuất 2 phương án xử lý

Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất 2 phương án xử lý.

Phương án 1, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà và chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến buýt (giá trị phân khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đông trừ đi giá trị của phân khối lượng công việc đã thực hiện trước đó).

Phương án 2, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà, tạm dừng khai thác đối với 5 tuyến buýt để rà soát, tính toán lại dự toán, chi phí, thiết kế tuyến để hình thành gói thầu mới, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Cơ quan QLNN chuyên ngành GTVT của Hà Nội cũng cho biết cả 2 phương án trên (phương án 1 và phương án 2) đều phải tiến hành thủ tục trình UBND Thành phố cho phép chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà để xem xét phương án lựa chọn đơn vị thực hiện phân khối lượng còn lại.

Phương án 1 có ưu điểm là thay thế, lựa chọn ngay được nhà thầu để thực hiện khối lượng còn lại, duy trì liên tục hoạt động của các tuyến buýt, không gây xáo trộn về hoạt động đi lại của người dân, thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp nhận, kế thừa khoảng 200 người lao động có khả năng mất việc làm đối với đơn vị được chỉ định thay thế.

Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là nhà thầu được lựa chọn thay thế thực hiện có ít thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu về phương tiện, nhân lực thực hiện.

Phương án 2 có ưu điểm không bị áp lực về thời gian khi tổ chức lựa chọn nhà thầu. Hay nói cách khác nhà thầu có khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị phương tiện, nhân sự, các điều kiện để đáp ứng gói thầu.

Song, phương án này có nhiều nhược điểm lớn khi phải tạm dừng hoạt động các tuyến buýt trong khoảng thời gian nhất định để tổ chức lựa chọn nhà thầu khác (từ 6 - 9 tháng).

Việc vận hành tuyến không liên tục gây xáo trộn trong hoạt động đi lại của người dân, khó khăn cho việc kế thừa lao động, người lao động có nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội

Hành khách đi lại thường xuyên trên các tuyến cũ sẽ phải chuyển từ 2 - 3 chuyến, thời gian di chuyển sẽ phải kéo dài (có thể hành khách sẽ chuyển qua sử dụng phương tiện cá nhân).

Đồng thời, với phương án 2 cơ quan quản lý sẽ phải xây dựng phương án điều chỉnh các tuyến buýt khác hỗ trợ cho 5 tuyến buýt trong thời gian tạm ngừng hoạt động, việc điều chỉnh các tuyến buýt hỗ trợ cũng sẽ phát sinh thêm chi phí, gây xáo trộn luồng tuyến.

Tại văn bản này, ông Đào Việt Long - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Quan điểm của Sở khi đề xuất phương án là cố gắng duy trì hoạt động của 5 tuyến buýt, hạn chế tối đa các xáo trộn ảnh hưởng đến mạng lưới tuyến buýt, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật.

"Trên cơ sở nguyên tắc chung như đã nêu và phân tích ưu nhược điểm của từng phương án nêu trên, Sở nhận thấy phương án 1 là phương án có nhiều lợi thế, ưu điểm để triển khai thực hiện và nên xem xét, lựa chọn phương án này để phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Đối với phương án 1, hiện nay trên địa bàn thành phố đang có 10 đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Theo đó, với số lượng trên, việc xem xét lựa chọn một số đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng có đủ năng lực thực hiện phần công việc còn lại là rất thuận lợi và có tính khả thi cao", văn bản do ông Đào Việt Long ký nêu rõ.

Trợ giá cho 5 tuyến buýt đều thấp hơn giá trị thực tế Bắc Hà thực hiện

Theo Trung tâm Quản lý GTCC Hà Nội (Tramoc), 5 tuyến buýt số 41,42, 43, 44, 45 có hợp đồng gói thầu là 5 năm (60 tháng), thời gian thực hiện đến ngày 1/8/2022.

Tuyến số 41 bắt đầu thực hiện hợp đồng từ 1/4/2021, đến nay thực hiện 1 năm 4 tháng (16 tháng), thời gian còn lại 3 năm 8 tháng (44 tháng) đến hết ngày 31/3/2026.

Tuyến số 42 thực hiện từ 1/4/2020, thời gian còn lại 2 năm 8 tháng (32 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2025.

Tuyến số 43 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2019, 3 năm 4 tháng (40 tháng), thời gian còn lại 1 năm 8 tháng (20 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2024.

Tuyến số 44 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2021, đã thực hiện 1 năm 4 tháng (16 tháng), thời gian còn lại 3 năm 8 tháng (44 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2026.

Tuyến số 45 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2020, đã thực hiện được 2 năm 4 tháng (28 tháng), còn lại 2 năm 8 tháng (32 tháng), hợp đồng kết thúc ngày 31/5/2025.

Tổng giá trị đã giải ngân, thanh toán cho 5 tuyến buýt có trợ giá tương ứng với 5 hợp đồng đều thấp hơn giá trị thực tế mà Công ty Bắc Hà đã thực hiện. Tuy nhiên, việc tạm ứng, thanh toán đều được thực hiện theo đúng quy định của hợp đồng đã ký.

Cụ thể, về giá trị tổng 5 tuyến buýt trong 5 năm thực hiện theo hợp đồng có giá trị hơn 298 tỷ đồng.

Trong đó năm 2021 trị giá hơn 39 tỷ, 2022 trị giá hơn 59 tỷ. Từ năm 2019 - 2022, Tramoc đã thanh toán cho loạt tuyến buýt này hơn 105 tỷ, trong đó năm 2021 đã thanh toán gần 40 tỷ, năm 2022 tạm ứng hơn 26 tỷ, giá trị còn lại phải thanh toán trong năm 2021 là hơn 345 triệu. Giá trị hợp đồng đến hết ngày 31/7/2022, 5 tuyến buýt đạt doanh thu bán vé hơn 42 tỷ, chi phí vận hành hơn 172 tỷ, trợ giá hơn 130 tỷ.

Giá trị theo hợp đồng gói thầu còn lại của các gói thầu tính từ 1/8 tới đây khi Công ty Bắc Hà ngừng hoạt động cho thấy: Đối với giá trị theo hợp đồng gói thầu, doanh thu của 5 tuyến buýt là hơn 97 tỷ, trong đó chi phí vận hành hơn 395 tỷ đồng, trợ giá hơn 298 tỷ đồng. Giá trị còn lại tính từ 1/8: Doanh thu hơn 54 tỷ, chi phí vận hành 223 tỷ, trợ giá hơn 168 tỷ, tương đương giá trị hợp đồng còn lại là 56,4%.

Công ty Bắc Hà là doanh nghiệp được thành lập năm 1993 hoạt động tại số 2, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Đây cũng là một trong những DN tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo chủ trương của HĐND và UBND Thành phố Hà Nội từ năm 2005 đến nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ Bắc Hà bỏ loạt tuyến buýt: Hà Nội cam đoan ”có phương án thay thế ngay”

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cho biết, sẽ tìm một doanh nghiệp khác thay thế đảm bảo đi lại của hành khách không bị gián đoạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tươi ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN