Hà Nội che giấu thông tin dùng chất cấm nuôi lợn?

Thông tin “80% doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi dùng chất cấm”, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Trưởng phòng thanh tra Bộ NN&PTNT cho rằng tin này không chính xác, song một số địa phương có tình trạng sử dụng chất cấm nhưng vẫn giấu giếm.

Mới đây một số cơ quan báo chí có đưa tin “80% doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm”, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Trong khi tại phiên chất vấn về vấn đề vệ sinh ATTP của HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt lại cho biết: "Thành phố có 64 cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và 400 cơ sở kinh doanh. Thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành các đợt kiểm tra với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm lấy trung bình hơn 1.000 mẫu thức ăn chăn nuôi, kết quả kiểm tra đều âm tính, chưa phát hiện dương tính đối với các chất cấm. Các đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp đã lấy 70 mẫu, cũng cho kết quả tương tự".

Hà Nội che giấu thông tin dùng chất cấm nuôi lợn? - 1

Như vậy ở đây có sự mâu thuẫn trong báo cáo kết quả kiểm tra? 

Trả lời câu hỏi này của PV báo điện tử Infonet, tại buổi họp báo nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 diễn ra ngày 7/12 do Bộ NN&PTNT tổ chức, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định thông tin “80% doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm” là không chính xác.

Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định "thực chất một số địa phương có tình trạng sử dụng chất cấm nhưng vẫn nói không".

Ông Dũng cũng cho biết thêm, tại Hà Nội lực lượng Thanh tra, mới bắt đầu vào cuộc, hiện nay chưa phát hiện ra công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm nhưng đã phát hiện hành vi đưa chất cấm qua khâu trung gian, để người chăn nuôi dùng trộn vào thức ăn.

“Nếu họ đã dã tâm như vậy mà cơ quan quản lý thờ ơ, khâu nghiệp vụ trinh sát không tốt thì không phát hiện và ngăn chặn được và người dân cũng sẽ không đồng tình”, ông Dũng nói.

Nguyên nhân một phần là thiếu nghiệp vụ và chưa có sự vào cuộc quyết liệt. Đáng lo ngại nhất là một số địa phương có tình trạng sử dụng chất cấm nhưng “bưng bít” thông tin.

“Sở dĩ họ không công bố vì có thể ngại, sợ mang tiếng rằng địa phương mình để xảy ra tình trạng như vậy. Nhưng chúng tôi đã làm rõ với các địa phương, để họ bỏ qua mặc cảm, bởi sức khỏe cộng đồng mới là điều quan trọng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông nhấn mạnh, chính quyền địa phương phải nắm bắt được các trang trại, số cơ sở sản xuất thức ăn, số đại lý buôn bán. Các cơ quan như Thú y, khuyến nông…Tất cả lực lượng phải vào cuộc, xắn tay áo vào, không thể cứ trông chờ vào lực lượng công an, rằng không có công an thì không làm được.

“Không thể phó mặc và thiếu trách nhiệm như vậy”,  Trưởng phòng Thanh tra Bộ NN&PTNT bức xúc.

Cũng theo lãnh đạo Phòng Thanh tra, việc vào cuộc của các cơ quan chức năng, địa phương vừa là trách nhiệm vừa là lương tâm vì trong số người tiêu dùng đó có cả người nhà mình, người thân của mình. Việc sử dụng chất cấm là tội ác, hủy diệt con người và cần phải xử lý hình sự.

“Tôi xin nói rằng thông tin 80% công ty thức ăn chăn nuôi dùng chất cấm là không chính xác. Nếu nói như vậy thì người tiêu dùng chúng ta bị đe dọa quá, thông tin hoang mang quá. Khi lấy 89 mẫu phân tích là thức ăn chăn nuôi của các Công ty nghi vấn, kết quả phân tích cho thấy có 23 mẫu là dương tính với chất cấm Salbutamol, tập trung vào 2 công ty vi phạm”, ông Dũng cho biết.

Để phát hiện heo có chất cấm, ông Dũng đưa ra một số khuyến nghị cho người tiêu dùng như: Không nên mua thịt heo có màu đỏ không bình thường, lớp mỡ cực mỏng, giữa da và thịt có dịch vàng chảy ra. Những con heo chứa chất cấm thường yếu, mệt mỏi, thở dốc, đứng không vững.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN