Hà Nội cấm sạc xe điện qua đêm tại chung cư mini
UBND TP Hà Nội yêu cầu tăng cường thực hiện quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát an toàn nhà chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ
Theo Công văn số 3690/UBND-SXD, UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát an toàn nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ. Các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai ngay các giải pháp để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn đối với các công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở.
Đối với diện tích đỗ xe tại công trình nhà ở, yêu cầu chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình phải bố trí đủ diện tích đỗ xe hai bánh: Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình có trách nhiệm rà soát về diện tích đỗ xe của công trình; tham khảo, áp dụng thiết kế khu vực đỗ xe của loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở như quy định đối với Nhà chung cư.
Theo QCVN 04:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (mục 2-2-17) quy định chỗ để xe của nhà chung cư phải tính toán đảm bảo tối thiểu 6 m2 chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ chung cư (nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thu nhập thấp cũng phải tuân thủ quy định trên); diện tích khu để xe bao gồm cả đường nội bộ khu để xe. Các công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ phải thực hiện rà soát và bố cục lại toàn bộ khu vực để xe đảm bảo diện tích tối thiểu 6 m2 chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ.
Đảm bảo diện tích tối thiểu 6 m2 chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ. Ảnh: Hữu Hưng
Trong trường hợp không đảm bảo diện tích để xe theo số lượng căn hộ/cư dân tại tòa nhà thì phải có phương án gửi xe bên ngoài công trình để đảm bảo quy chuẩn quy định. Đồng thời, đảm bảo khoảng cách giữa các xe, giải pháp ngăn cháy; ngăn cách khu vực để xe với sảnh căn hộ, cầu thang bộ. Có quy định về việc sử dụng phương tiện giao thông của tòa nhà.
Khu vực sạc điện cho xe sử dụng điện (nếu có) phải được bố trí riêng đảm bảo khoảng cách an toàn với các phương tiện xung quanh; không được sạc pin qua đêm; bộ sạc phải phù hợp hệ thống pin xe; quá trình sạc pin phải được theo dõi an toàn; bổ sung thiết bị chữa cháy chuyên dụng phù hợp để xử lý sự cố cháy nổ pin xe điện.
Đối với công trình đã đưa vào sử dụng, nghiên cứu thực hiện ngay các giải pháp đã được đề xuất như trên. Tổ chức rà soát, xây dựng phương án thoát nạn để đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố, vận động tháo bỏ/cắt các chuồng cọp, tạo lối thoát nạn trong trường hợp phát sinh mất an toàn phòng chống cháy nổ tại mỗi công trình. Thực hiện ngay giải pháp ngăn cách khu vực để xe với khu vực ở. Rà soát về điều kiện thang thoát hiểm, lối thoát nạn, bổ sung lối thoát nạn đảm bảo các quy định về phòng cháy hiện hành.
Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình phải xây dựng phương án quản lý vận hành và bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý vận hành tòa nhà; phối hợp, vận động các hộ gia đình mua các trang thiết bị PCCC cơ bản để đảm bảo an toàn về PCCC; thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở các hộ gia đình, cá nhân tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định về quản lý vận hành tòa nhà và phòng cháy, chữa cháy cứu nạn cứu hộ.
UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn phối hợp cơ quan công an, lực lượng PCCC khu vực: Thực hiện rà soát toàn bộ các công trình để phát hiện các vi phạm về PCCC; thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các chủ sở hữu đầu tư các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác PCCC như: Chuông báo cháy, biển báo, đèn tích điện…
Tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho các hộ gia đình về công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Đối với công trình xây dựng mới (nếu có), thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, PCCC, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý trật tự xây dựng theo quy định. Trong đó, đảm bảo việc kiểm soát việc thiết kế về khu vực đỗ xe, bố trí lối thoát nạn, hệ thống cấp điện; hệ thống PCCC công trình; các tổ chức, cá nhân thiết kế, thẩm tra thiết kế phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật.
Đối với nhà chung cư cũ, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai ngay các giải pháp để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn như: Tổ chức rà soát, xây dựng phương án thoát nạn để đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố, vận động tháo bỏ/cắt các chuồng cọp, tạo lối thoát nạn trong trường hợp phát sinh mất an toàn phòng, chống cháy nổ tại mỗi công trình.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành việc kiểm định các khu chung cư cũ, nhà chung cư cũ; đề xuất phương án đảm bảo an toàn đối với nhà chung cư cũ nói chung và các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D đã có khuyến cáo di dời người dân… không để xảy ra sự cố về công trình gây mất an toàn về người và tài sản.
Ngoài ra, yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc kịp thời tổng hợp, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP Hà Nội.
Nguồn: [Link nguồn]
Sáng 1/11, tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề cập đến công tác quản lý chung cư mini sau vụ cháy ở phố Khương Hạ vừa qua.