Hà Nội cấm công chức nói tục, quát nạt

Ngôn ngữ trong giao tiếp với đồng nghiệp phải chuẩn mực, rõ ràng mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt...

Đó là một trong những nội dung tại Quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố Hà Nội được Chánh văn phòng Nguyễn Thịnh Thành ký ngày 29/5.

Ứng xử với nhân dân phải nhã nhặn

Theo Quy chế, trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, cán bộ công chức phải có tác phong chuyên nghiệp, hiện đại; có thái độ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng trong ứng xử, giao tiếp.

Trong giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực, thân thiện, hợp tác. Ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực rõ ràng; không nói tục, tiếng lóng, quát nạt, phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp...

Trong giao tiếp ứng xử với nhân viên, công chức văn phòng phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến công việc.

Khi giao tiếp qua điện thoại, cần trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột.

Trang phục của cán bộ công chức phải gọn gàng, lịch sự, nếu có đồng phục, trang phục riêng thì thực hiện theo quy định về đồng phục.

Trong các buổi lễ, cuộc họp trọng thể, tiếp khách (gọi là lễ phục), quy định nam mặc comple, áo sơ mi, cravat, đi giày hoặc dép có quai hậu; nữ mặc áo dài truyền thống, bộ comple nữ, đi giày hoặc dép có quai hậu.

Công chức Hà Nội không được hút thuốc lá trong phòng họp, nơi công cộng; sử dụng đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc tại công sở (trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao,...); không được đánh bạc, đánh cờ, chơi game... trong giờ làm việc.

Hà Nội cấm công chức nói tục, quát nạt - 1

Công chức không được quát nạt, nói tục nơi công sở. Ảnh minh họa

Cách xưng hô phải nghiêm túc

TS. Mai Anh (Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học xã hội nhân văn và Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội), người đang chủ trì đề án xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội, cho rằng cách xưng hô nơi công sở phải đảm bảo sự nghiêm túc, tôn trọng người đối diện và thể hiện sự cầu thị, tích cực.

Về cách xưng hô “chú chú – cháu cháu” khá phổ biến hiện nay trong công sở, có nhiều ý kiến cho rằng, điều này tác động không tốt đến đồng nghiệp trẻ.

TS Mai Anh cho rằng, người trẻ tuổi thường có tâm lý cần được tôn trọng, khẳng định bản thân, nhưng lại hay bị định kiến “còn trẻ”, “thiếu kinh nghiệm”. Khi đề xuất vấn đề gì đó, người trẻ thường e ngại, không đủ tự tin trước đồng nghiệp lớn tuổi “bậc cha chú”.

Nếu  thay đổi cách xưng hô đúng theo tác phong, quy định trong công sở, người trẻ tuổi sẽ có được nhiều lợi thế và quay trở lại chính mình, tự tin hơn.

Theo TS. Mai Anh, cách ứng xử thể hiện các mối quan hệ và ảnh hưởng tới kết quả chung trong công việc. Do vậy, xưng hô thiếu chuẩn mực có thể làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ, gây xung đột… từ đó ảnh hưởng đến kết quả chung.

TS. Mai anh cho rằng, trong công sở, nên xưng hô “anh – tôi”, “chị - tôi”, “xin thưa ông, xin mời bà”...  Đặc biệt, nên tránh những từ tục tĩu, ví dụ như thằng này, con nọ, con kia... Còn trong phạm vi riêng tư, quen biết, có thể xưng hô thân mật như “bác – cháu”, “cô – cháu”... Nhưng trong công sở phải có văn hóa xưng hô riêng đúng và phù hợp với môi trường công sở, khác với xưng hô gia đình. Nếu gia đình hóa cách xưng hô có thể sẽ ảnh hưởng đến công việc.

Do vậy, trong những cuộc họp chính thống, tiếp khách, làm việc chính thức... ngôn từ phải chuẩn mực, không nên “gia đình hóa”.

Tuy vậy, TS. Mai Anh cũng cho rằng, cách xưng hô chỉ là một phần thể hiện văn hóa ứng xử trong môi trường công sở, ngoài xưng hô còn có rất nhiều yếu tố mà một cán bộ trong cơ quan hành chính cần có.

Ví dụ như trách nhiệm với công việc, khả năng giải quyết công việc, ý thức xây dựng quan hệ với đồng nghệp, cấp trên,...

Ví dụ, xưng hô theo đúng quy định của cơ quan, nhưng công việc không làm, hoặc hứa nhưng để đó... thì có xưng hô đúng theo yêu cầu thì chất lượng của dịch vụ hành chính đó vẫn không thể đảm bảo. Hoặc trước mặt nhau thì nói đẹp, nói tốt, nhưng sau lưng thì nói xấu đồng nghiệp.

Kết quả cuộc điều tra thực trạng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nơi công cộng và khu dân cư ở Hà Nội, do Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Sở Văn hóa Hà Nội thực hiện mới đây cho thấy, 88% người được hỏi cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp; 95% cho rằng công chức, viên chức ứng xử không phù hợp.

Ngoài ra, số liệu cũng thể hiện công chức, viên chức ở các cơ quan hành chính còn dĩ hòa vi quý, bớt xén thời gian làm việc (đi muộn về sớm); có tâm lý sợ đấu tranh; ghen ghét, đố kỵ với người hơn mình; nịnh trên, nạt dưới; bè phái cục bộ; dối trá; nói không đi đôi với làm; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; ích kỷ, vụ lợi cá nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN