Hà Nội nhiều cây gãy đổ, một người chết
Chiều 6/9, do hoàn lưu trước bão, Hà Nội nổi cơn giông, mưa xối xả 30 phút khiến hơn 150 cây gãy đổ, đè lên phương tiện làm một người chết, sáu người bị thương.
Cơn mưa giông kéo dài nửa tiếng với lưu lượng mưa lớn khiến nhiều tuyến đường, phố như Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân) ngập gần nửa bánh xe máy. Mưa gần giờ tan tầm khiến dân công sở mất gấp 2-3 lần thời gian di chuyển về nhà. Dòng xe cộ gần như đứng im trên các phố Trần Kim Xuyến, Vũ Phạm Hàm, Cầu 361, Láng, Nguyễn Chí Thanh.
Vành đai 3 tắc cả trên cao và dưới thấp. Ảnh: Ngọc Thành
Thấy mưa xối xả, anh Trọng vội rời công sở trên phố Phạm Văn Bạch từ 15h30 để đi đón con trên phố Yên Hòa cách đó hơn hai km. Hai bố con vòng về phố Duy Tân để về nhà ở chân cầu Thăng Long. Nhưng sau hai tiếng, xe vẫn đang kẹt trên phố Duy Tân (Cầu Giấy).
Anh cho biết mọi ngả đường đều tắc, hỗn loạn, 30 phút nhích được 30 m, đường hai chiều thành một chiều. "Kiểm tra bản đồ thấy tất cả tuyến phố hướng ra vành đai 3 đều đỏ, tắc cứng", anh nói, dự tính "khuya mới về tới nhà".
Phía dưới vành đai 3 trên cao, ôtô, xe máy ken đặc, hỗn loạn. Ảnh: Ngọc Thành
Chị Lê Mai Thanh, nhà ở Vinsmart Phạm Hùng, đi đón con cùng giờ với anh Trọng nhưng gần 2 tiếng không thể di chuyển qua ngã 4 Keangnam. Không đón được con, tới 17h30 chị mới thoát được đám đông hỗn loạn để tìm đường về nhà.
Trên quốc lộ 32 từ ngã tư Nhổn (Nam Từ Liêm) đến cầu vượt Mai Dịch (Cầu Giấy), dòng xe cộ gần như đứng im cả hai chiều từ 16h đến 18h. Anh Lê Văn Thủy đi đón con ở trường THCS Nam Từ Liêm, mất 90 phút để đi 3 km về nhà ở Phú Diễn, trong khi ngày thường chỉ 15 phút. Nhiều người tan sở đã chọn đi tàu điện trên cao để tránh tắc đường.
Đường phố Hà Nội "đỏ quạch" trên ứng dụng Google Maps lúc 18h chiều 6/9. Ảnh: Google Maps
Ứng dụng Google Maps cho thấy các tuyến đường quanh khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân "đỏ thẫm" - dấu hiệu của ùn ứ, tắc đường. Bản đồ hiển thị "trở ngại" tại phần lớn tuyến đường, từ Phạm Hùng đến Trần Duy Hưng, Tố Hữu đến Phạm Văn Đồng, quốc lộ 32 tắc nghẽn từ 20 đến 40 phút.
Phố Hàng Cá giao Chả Cá (quận Hoàn Kiếm), cây si cổ thụ bật gốc làm sập tường công trình lâu đời trong cơn giông lốc. Thân cây chắn ngã tư, gạch vữa tung tóe. Lực lượng chức năng đã cắt tỉa cành, chăng barie cảnh báo người dân không đến gần.
Nhà gần ngã tư, anh Nguyễn Đức Tài, 28 tuổi, kể khoảng 15h30 lúc cơn giông ập xuống, cây cổ thụ bị bật gốc rồi đổ ra đường, trùm lên chiếc xe điện chở khách du lịch. Một người bị thương đã được đưa đi bệnh viện.
Ảnh: Anh Sơn
Ảnh: Anh Sơn
Lực lượng cứu hộ khẩn trương dọn dẹp hiện trường. Ảnh: Anh Sơn
Lực lượng chức năng đặt barie, chăng dây cảnh báo. Ảnh: Lê Thanh Hằng
Ảnh: Lê Thanh Hằng
Cơn giông kéo dài hơn nửa tiếng với lưu lượng mưa lớn khiến nhiều tuyến đường, phố như Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân) ngập gần nửa bánh xe máy. Mưa gần giờ tan tầm khiến dân công sở mất gấp 2-3 lần thời gian di chuyển về nhà. Dòng xe cộ gần như đứng im trên các phố Trần Kim Xuyến, Vũ Phạm Hàm, Cầu 361, Láng, Nguyễn Chí Thanh.
Nước ngập đường Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân) chiều 6/9. Ảnh: Phạm Duy
Cây xà cừ bật gốc, đè bẹp ôtô ở trước tòa VP5 bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai chiều 6/9.
Hiện trường vụ cây đổ. Video: Huy Mạnh
Cơn bão với sức gió lên tới hơn 234 km/h đã đổ bộ vào bờ biển thị trấn Ông Điền ở TP Văn Xương, tỉnh Hải Nam, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua đưa tin. Để ứng phó cơn bão, Hải Nam đã sơ tán hơn 400.000 người tính đến trưa 6/9. Tỉnh đã nâng mức cảnh báo bão lên mức cao nhất từ 5/9.
Chính quyền Hải Nam yêu cầu người dân không rời khỏi nhà và ra lệnh đóng cửa tất cả doanh nghiệp, chợ, phương tiện giao thông công cộng, điểm tham quan du lịch, trường học. Sân bay lớn nhất tại Hải Nam hủy toàn bộ chuyến bay hôm nay. Toàn bộ tàu đánh cá ngoài khơi đã quay về cảng neo đậu tránh bão.
Cây đổ trên đường gom đại lộ Thăng Long. Video: Văn Ngọc
Trên đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, cây phượng bật gốc đè trúng hai người đi chung xe máy. Người phụ nữ ngồi sau tử vong tại chỗ, người đàn ông bị thương nặng vùng đầu được người dân đưa đi cấp cứu.
Người dân và lực lượng chức năng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Ảnh: Hoàng Phong
Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, cắt tỉa cành cây tránh ùn tắc giao thông. Cơ quan chức năng đang tìm người thân nạn nhân.
Cây phượng bật gốc, đè chết người. Video: Bá Chiến
Trước giờ tan tầm một tiếng, nhiều người vội vã xin về sớm đón con, mua thêm thực phẩm, tránh tắc đường. Song các ngả đường bắt đầu tắc, xe ôm công nghệ đồng loạt hủy chuyến khiến nhiều nhân viên văn phòng đành quay lại công sở.
Xe cộ dàn hàng trên phố Tôn Thất Thuyết hướng đi về Bến xe Mỹ Đình, lúc 16h chiều 6/9. Ảnh: Ngọc Thành
Trên phố Tôn Thất Thuyết (Dịch Vọng, Cầu Giấy) ô tô, xe máy rà phanh đỏ đèn "chôn chân" thành hàng dài khoảng 1,5 km từ vòng xuyến Phạm Văn Bạch - Trần Thái Tông đến bến xe Mỹ Đình. Khu vực này kết nối đến đường vành đai 3, có nhiều văn phòng, công sở, lưu lượng phương tiện lớn giờ cao điểm.
Xe cộ di chuyển khó khăn trong mưa. Video: Ngọc Thành
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 15h, tâm bão áp sát đảo Hải Nam của Trung Quốc, cách Quảng Ninh khoảng 450 km. Sức gió mạnh nhất 201 km/h, cấp 16 siêu bão, giật trên cấp 17 và đang theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/h.
Đêm nay, bão vượt qua đảo Hải Nam, đi vào vịnh Bắc Bộ và đến 1h sáng mai cách Quảng Ninh khoảng 230 km với sức gió mạnh nhất cấp 14, tức 166 km/h, giật cấp 17. Khoảng trưa mai, tâm bão đổ bộ các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15.
Bão sau đó giữ hướng tây tây bắc, tốc độ 15-20 km/h, đi sâu vào các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình...
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chiều nay thị sát công tác chuẩn bị ứng phó bão tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Đến huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), ông Hà kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại thị trấn Cái Rồng. Nơi đây có sức chứa 1.000 phương tiện.
Phó thủ tướng nói phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết, càng kỹ, càng cụ thể với nhiều phương án chủ động ứng phó sẽ càng giảm tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân. "Tuyệt đối không được có tư tưởng chủ quan", ông Hà chỉ đạo và yêu cầu tỉnh Quảng Ninh huy động mọi lực lượng "chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ, dù trong tình huống nghiêm trọng nhất".
Quảng Ninh "trời yên biển lặng" trước ngày bão đổ bộ, chiều 6/9. Ảnh: Phạm Dự
Báo cáo Phó thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết đã lập các đoàn ứng phó bão Yagi và hoãn cuộc họp không cấp bách. Người đứng đầu các sở ngành, địa phương chịu trách nhiệm nếu chậm ứng phó bão lũ, gây thiệt hại về người và tài sản.
Từ 11h sáng nay, Quảng Ninh đã ngừng cấp phép các phương tiện đường thủy ra khơi. Gần 5.600 tàu cá nhận được thông tin về bão để tìm nơi trú an toàn. Hơn 2.800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển được gia cố, chằng chống.
Địa phương và lực lượng vũ trang tại Quảng Ninh huy động 2.660 người, 68 ôtô, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng ứng trực chống bão. Hàng loạt vật tư khác như vải bạt chống sóng, đá hộc, bao tải, rọ thép, dây thép, vải lọc... được chuẩn bị để gia cố vị trí xung yếu các tuyến đê.
Giông lớn kéo dài khoảng 30 phút khiến hàng loạt cây cối trên các tuyến phố Ngọc Khánh (Ba Đình), Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) gãy đổ, đè bẹp xe máy, ôtô.
Cây đổ đè bẹp xe đạp trên phố Ngọc Khánh. Ảnh: Võ Hải
Ảnh: Võ Hải
Cây đổ trên phố Trần Hưng Đạo. Ảnh: Linh Cẩm
Cây trên phố Đoàn Thị Điểm, quận Đống Đa chắn ngang đường, đè lên taxi. Ảnh: Anh Sơn
Gió lớn khiến người đi đường di chuyển khó khăn. Video: Ngọc Thành
Mưa giông ở phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội, lúc 15h. Ảnh: Ngọc Thành
Xe cộ lưu thông trên phố Phạm Văn Bạch trong mưa lớn, chiều 6/9. Ảnh: Hoàng Phương
Gần 15h, mây ùn ùn kéo đến trước khi đổ mưa lớn, trong khi hai tiếng trước đó trời còn nắng nóng. Trên các tuyến phố như Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), gió quật gãy nhiều nhành cây lớn; xe cộ di chuyển khó khăn trên phố Phạm Văn Bạch, Trần Thái Tông (Cầu Giấy) do nhiều nhà cao tầng hút gió. Chị Đỗ Cẩm Linh, nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, cảm nhận "sức gió khủng khiếp, mưa dường như sớm hơn so với dự báo".
Bầu trời Hà Nội mịt mùng mưa gió chiều 6/9. Video: Ngọc Thành
Đêm nay 6-9, siêu bão Yagi (bão số 3) mạnh cấp 14, giật cấp 17 sẽ ở trên vùng biển phía Đông của khu vực vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 230 km về phía Đông Đông Nam, sóng biển cao 10-12 m, biển động dữ dội
Nguồn: [Link nguồn]