Hà Giang: Ai cho phép cắm "gai bê tông" trên đỉnh Mã Pí Lèng?
Đỉnh Mã Pí Lèng (hay còn gọi là Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) từ lâu đã được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam. Cùng với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và hẻm vực sông Nho Quế, nơi đây là di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan. Thế nhưng, cảnh quan ấy đang bị phá vỡ bởi một số doanh nghiệp, cá nhân với danh nghĩa “làm du lịch”.
Vượt qua con đường Hạnh Phúc dài khoảng 20km, với một bên là vực sông Nho Quế, một bên là núi đá tai mèo trùng điệp, chìa những vách nhọn ra Quốc lộ 4C, PV Dân Việt đã tới được đỉnh Mã Pí Lèng.
Công trình xây dựng tại vị trí đắc địa, phá vỡ cảnh quan di tích, danh thắng cấp quốc gia Mã Pì Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý.
Không hổ danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam (bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin), cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với núi đá gai góc trùng điệp, tương phản với dòng sông Nho Quế xanh mướt, mềm mại bên dưới khiến du khách ngắm nhìn mà quên hết mệt mỏi, căng thẳng khi vừa qua con đường hiểm trở.
Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama sừng sững một khối bê tông lớn giữa đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: Nguyễn Quý.
Thế nhưng, hiện giờ đập vào mắt những du khách qua đây là tòa nhà 7 tầng xây dựng kiên cố, ngay hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng. Nhìn từ xa, tòa nhà là một khối bê tông lớn, choán giữa một khoảng rộng xanh rợp giữa đỉnh đèo, khiến cảnh quan thiên nhiên bị biến dạng. Cũng vì chiếm giữ vị trí đắc địa trên đỉnh Mã Pí Lèng, nên góc nhìn toàn cảnh từ khu vực này đã bị tòa nhà phá vỡ, như một cái gai trong mắt khách du lịch yêu phong cảnh thiên nhiên hùng tráng của cao nguyên đá Đồng Văn.
Các khu ban công được thiết kế, xây dựng bằng bê tông, thép vươn ra hẻm vực sông Nho Quế. Ảnh: Nguyễn Quý.
Trước cửa tòa nhà treo tấm biển lớn ghi: Mã Pì Lèng PANORAMA, Hostel – Restaurant – Coffe (Nhà nghỉ - Nhà hàng - Cà phê). Bước vào bên trong, ngay gần cửa là quầy bar, quầy thu ngân và khu vực pha chế đồ uống.
Tại quầy bar, một tấm bảng ghi giá phòng nghỉ với các mức giá khác nhau từ 250.000 đồng đến 750.000 đồng/đêm.
Bước qua quầy bar là cửa phụ đi ra khu vực ban công rộng, được thiết kế lắp đặt bằng thép và bê tông, tạo thành điểm chính để khách sử dụng dịch vụ ngắm toàn cảnh cao nguyên và sông Nho Quế.
Khu vực lối đi và tiểu cảnh là những khối bê tông lớn đổ xuống hẻm vực. Ảnh: Nguyễn Quý.
PV Dân Việt đã liên hệ với lãnh đạo tỉnh Hà Giang, trực tiếp làm việc với một số sở, ngành liên quan và huyện Mèo Vạc. Tại các cuộc làm việc này, lãnh đạo các sở và địa phương đã thừa nhận đây là công trình trái phép.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết chủ đầu tư công trình này đã tự thỏa thuận với dân để mua đất trồng cây lâu năm, sau đó xây dựng công trình mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
"Về trách nhiệm quản lý tại địa phương, chúng tôi đang tiến hành khắc phục" - ông Trưởng nói. Nhưng khi PV hỏi sẽ khắc phục như thế nào, tại sao biết công trình xây dựng trái phép nhưng vẫn để cho đơn vị ngang nhiên hoạt động kinh doanh, ông Trưởng chỉ nói "Đơn vị đang tiến hành làm các thủ tục từ đầu" (?).
Tuy nhiên, dù xây dựng và hoạt động đã lâu, nhưng tại sao đến bây giờ Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trên đỉnh Mã Pí Lèng vẫn ngang nhiên hoạt động? Phải chăng có sự bao che, tiếp tay cho cá nhân chiếm hữu di sản, di tích danh lam thắng cảnh quốc gia để kinh doanh trục lợi?
Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất". Đi trên đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống vực sâu, sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ. Ngày 16/11/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Việt Nam) đã quyết định xếp khu vực Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng bao gồm: đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam. |
UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa có báo cáo về công tác xử lý 68 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng phát...