Gửi xe ở đâu để vào phố đi bộ quanh Hồ Gươm?
Nhằm phục vụ người dân đến tham quan vui chơi phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, UBND TP Hà Nội đã thành lập 78 điểm trông giữ xe với diện tích 17.380m2 và sức chứa hàng ngàn phương tiện cùng một lúc.
Kể từ ngày 1/9, lần đầu tiên người dân Thủ đô được trải nghiệm không gian đi bộ trên các tuyến đường quanh hồ Hoàn Kiếm và các khu vực lân cận.
Băn khoăn chỗ gửi xe vào phố đi bộ
Theo dự kiến, kể từ ngày 1/9 tới đây, lần đầu tiên người dân Thủ đô được trải nghiệm không gian đi bộ trên các tuyến đường quanh hồ Hoàn Kiếm và các khu vực lân cận gồm các tuyến phố chính như: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng), Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa đường phía Hồ Hoàn Kiếm đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lò Sũ, Hàng Dầu (đoạn từ ngã tư Lò Sũ - Hàng Dầu đến Đinh Tiên Hoàng), khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đền Lý Thái Tổ), Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Bảo Khánh (đoạn từ ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ), Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Tràng Tiền). Các tuyến phố đi bộ sẽ được tổ chức từ 19 giờ ngày thứ Sáu đến 24 giờ Chủ nhật hàng tuần kể từ ngày 1/9.
Việc tổ chức tuyến phố đi bộ cũng đồng nghĩa với việc cấm hoàn toàn các phương tiện lưu thông vào trong các tuyến phố này.
Những tuyến phố đi bộ này sẽ cấm các phương tiện hoạt động. Mùa hè: Từ 19h30 tới 24h; mùa đông: Từ 18h30 tới 24h.
Phố Hàng Khay, một trong những tuyến phố đi bộ thí điểm ở Hà Nội.
Trước vấn đề này, nhiều người dân sinh sống tại các tuyến phố đi bộ và du khách tham quan lại tỏ ra khá lo ngại về việc bất tiện trong sinh hoạt cũng như vấn đề giá trông giữ xe chặt chém tại khu vực phố cổ hay tình trạng quá tải của các bãi trông giữ xe do lượng người đổ về đây vào dịp cuối tuần thường khá đông.
Anh Đại (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi nghe nói sắp tới TP Hà Nội sẽ mở rộng phố đi bộ để phục vụ du khách, đặc biệt lại tổ chức đúng dịp Quốc khánh nên rất háo hức muốn đưa cả gia đình đi chơi, thế nhưng dịp tết vừa rồi tôi phải gửi xe ô tô với giá 200.000 ở phố Trần Quang Khải và phải đi khá xa mới vào được bờ Hồ. Hi vọng thời gian tới chính quyền bố trí bãi trông giữ xe thuận tiện với giá cả hợp lý hơn để phục vụ người dân.”
Là người dân sinh sống trong khu phố cổ, chị Hà (phố Lương Văn Can, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại tỏ ra khá thích thú với việc tổ chức phố đi bộ dù việc giao thông đi lại bị hạn chế: “Nhà tôi nằm trong tuyến phố bị cấm lưu thông nhưng việc UBND Thành phố tổ chức tuyến phố đi bộ cũng là một dịp tốt để thu hút khách du lịch, người dân phố cổ cũng có cơ hội buôn bán kiếm thêm thu nhập. Nếu cơ quan chức năng bố trí các bãi gửi xe thuận tiện với giá cả hợp lý thì chúng tôi cũng vui vẻ chấp hành.”
Gần 100 điểm trông giữ xe phục vụ người dân
Để giải quyết vấn đề trông giữ xe phục vụ người dân, Sở Xây dựng Hà Nội đã lên phương án bố trí các điểm trông giữ phương tiện phục vụ du khách tham quan phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm với tổng số 78 điểm đỗ để trông giữ ô tô, xe đạp, xe máy có diện tích 17.380 m2 với sức chứa 87 xe du lịch, xe chở khách, hơn 600 xe ô tô con, hơn 2.700 xe đạp, xe máy.
Với xe du lịch, xe chở khách (trên 25 chỗ), dự kiến Sở Xây dựng bố trí 3 điểm trông giữ tại điểm đỗ xe Trần Khánh Dư (sát tường rào Bảo tàng lịch sử); điểm đỗ xe Trần Quang Khải (bãi đá), điểm đỗ xe Phùng Hưng cụt (Lê Văn Linh - Phan Đình Phùng).
Điểm đỗ xe Trần Khánh Dư (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sát tường rào Bảo tàng lịch sử dự kiến sẽ trở thành điểm trông giữ xe ô tô du lịch (trên 25 chỗ) để phục vụ tuyến phố đi bộ.
Với xe ô tô con bố trí 18 điểm đỗ xe, trong đó có 15 điểm dự kiến tại tuyến phố: Lý Thái Tổ (đoạn từ Lò Sũ đến Lê Lai); Ngô Quyền (từ số 16 đến 22 và từ Lê lai đến Lê Thạch); Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng (trước số 34-38), 6 Quang Trung (từ Hai Bà Trung đến Tràng Thi), Lê Phụng Hiểu (vườn hoa Diên Hồng), 8 Cổ Tân (vườn hoa Cổ Tân), Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật (bãi đỗ xe cao tầng), Phùng Hưng (vỉa hè và lòng đường), Bát Đàn, Nhà Thờ, Hàng Trống, trên hè tại số 5 Quang Trung…
Còn 3 điểm đang đề xuất tại Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Ngô Quyền – Tông Đản), Bà Triệu (đoạn từ Tràng Thi đến Trần Hưng Đạo), Tông Đản (đoạn từ Lý Đạo Thành đến Tràng Tiền).
Một điểm trông giữ phương tiện phục vụ phố đi bộ với bảng giá niêm yết phí trông giữ theo quy định.
Ngoài ra, có 57 điểm trông giữ xe đạp, xe máy trên các tuyến: Hai Bà Trưng 15 điểm; Lý Thái Tổ 5 điểm, Ngô Quyền 8 điểm, Quang Trung 4 điểm, Lê Phụng Hiểu 1 điểm; đồng thời Sở Xây dựng đề xuất thành phố bổ sung cấp mới 24 điểm gồm: Ngô Quyền 4 điểm, Lý Thái Tổ 4 điểm, Hai Bà Trưng 10 điểm, Bà Triệu 1 điểm, Quang Trung 1 điểm, Hàng Bài 2 điểm, Hàng Gai 2 điểm.
Hiện tại, Sở Xây dựng và các đơn vị đã trang bị đầy đủ hệ thống biển báo di động “Nơi trông giữ (xe đạp, xe máy, ô tô) phục vụ các tuyến phố đi bộ”. Có bảng niêm yết phí trông giữ theo quy định.