Gửi osin biết đứng, xe biết chạy cho người cõi âm

Một thợ “cứng” nghề hàng mã giới thiệu sản phẩm do chính tay ông làm ra khiến khách hàng khó tính cũng cảm thấy hài lòng bởi nó... rất giống thật. Xe máy đồ mã dưới bàn tay ông có đủ moay-ơ, trục bánh xe, ghi-đông và có thể dắt đi dắt lại. Một đứa trẻ có thể ngồi lên chiếc xe hàng mã đẩy đi chơi được.

Gửi osin biết đứng, xe biết chạy cho người cõi âm - 1

Nhà lầu cho người âm. ảnh: H.P

Hàng độc có siêu lợi nhuận?

Hàng mã làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy) những ngày này bỗng trở nên đìu hiu khác lạ, không còn nhộn nhịp như nhiều năm trước. Con dâu được truyền nghề của cụ Cả Ngỗng, một nghệ nhân nổi danh về nghề hàng mã ở làng Cót, chị Bích cũng là một người thợ tài ba, buồn bã: “Nghề làm hàng mã ở làng Cót mai một dần rồi”. Ở làng chỉ một số ít người còn nhận làm các hàng đặt kỳ công. Chị Bích thổ lộ: "Người ta vẫn bảo đây là nghề siêu lợi nhuận vì bán đồ giấy lấy tiền thật, nhưng đâu phải vậy. Trừ những thứ làm theo mẫu sẵn hàng loạt như tiền, vàng, còn mỗi sản phẩm đặt thường phải làm thủ công, với biết bao chi tiết, từ đan khung, dán giấy... Và thường, với những thứ liên quan đến tâm linh, những người làm nghề thực sự sẽ không bao giờ dám bán điêu, nói thách. Nhiều người đổ xô vào buôn bán mặt hàng này nhưng không phải ai cũng làm được ra sản phẩm". Những đơn hàng khó với những chi tiết cầu kỳ, hầu hết những người làm ở làng Cót đều đặt ở những làng nghề ở Bắc Ninh.

Xu thế đốt đồ mã cho người âm với tư duy “trần sao âm vậy” để rồi những hàng mã “độc” được người làm nghĩ ra chiều theo ý khách bắt đầu từ những năm 2010.

Ngay từ tháng 6 nhuận, làng làm hàng mã Đạo Tú, Đông Hồ tỉnh Bắc Ninh nhộn nhịp như đã vào chính tháng ngâu vậy. Người làng Đông Hồ, nhắc tới cụ Nguyễn Văn Sỹ như một nghệ nhân nổi danh với những sản phẩm hàng mã độc đáo. Lúc sinh thời, cụ Sỹ đã làm một chiếc máy bay hàng mã y như thật. Đó là chiếc máy bay cho người âm độc đáo nhất làng Đông Hồ với chiều dài 4 mét, theo đơn đặt hàng của một người đàn ông Hải Phòng dành cho cậu con trai vốn là phi công bị tai nạn chết trẻ. Chiếc máy bay giống như thật, có đầy đủ cả khoang lái, ghế cho hành khách lẫn các tiếp viên.

Những ngày đầu tháng 7 Âm lịch này, theo ghi nhận, rất nhiều đầu mối bán lẻ thập phương đến các làng nghề ở Bắc Ninh để đặt hàng những chiếc máy bay giả để hóa cho người âm. Ngoài ra, thói quen mua sắm vàng mã đốt trong tháng “xá tội vong nhân” hay hướng theo xu hướng tiêu dùng chung, người thích mua vàng, kẻ tìm đồng đô-la bởi hiện đồng tiền của Mỹ đang rất có giá, hoặc nhiều đại gia sắm “máy bay riêng”.

"Cái gì người sống có thì người chết cũng có thể có, từ nhà cửa, máy bay, ôtô, điện thoại, xe ga, tủ lạnh, điều hòa... Bây giờ, nhiều người còn thích đặt osin biết đứng để hầu hạ cho người thân của họ dưới âm phủ", chị Hằng, một người làm hàng mã ở Đông Hồ cho biết.

Tất nhiên để làm được những món hàng này khách hàng phải chịu chi rất đẹp để có được nó cho người cõi âm. Dù khẳng định gia đình có thể làm được bất cứ đồ gì cho người âm, nhưng chị Hằng cũng thừa nhận, không phải đơn hàng nào mình cũng nhận. "Một phụ nữ tới đặt làm một ngôi nhà cao tầng cho ông chồng xấu số. Chị này mang theo một bản thiết kế như cho ngôi nhà thật, trong đó, chi tiết ngôi nhà mấy tầng, có cửa kính, cửa chớp, sơn màu thế nào, ở trong nội thất ra sao... Nhiều khách rất kỹ tính đặt ra nhiều yêu cầu phức tạp", chị Hằng nói.

Khách chịu chi đặt gì cũng làm

Theo tìm hiểu của PV, nếu muốn mua những đồ "độc", khách chỉ cần đặt trước khoảng vài ngày đến một tuần là có. Tuy nhiên, không dễ có hàng cho những yêu cầu của khách khi người làm hàng mã thủ công không còn nhiều. Thôn Đạo Tú với cái tên mới “phố Hàng Mã” hay “phố cõi âm”, mỗi gia đình lại chuyên một sản phẩm khác nhau. Có gia đình chỉ chuyên làm các sản phẩm như xe SH vàng mã, ô tô, iphone hay các sản phẩm đồ công nghệ hợp thời. Lại có nhà chuyên làm các loại ngựa, hình nhân, hay các loại quần áo, tiền cõi âm…

Ông Nguyễn Văn Cung, người làm nghề hàng mã kỳ cựu tiết lộ, sản phẩm của ông sản xuất khiến khách hàng nào cũng cảm thấy hài lòng bởi nó... rất giống thật. Vì là hàng đơn lẻ nên những sản phẩm của ông Cung khá kén khách. Có gia đình đặt ông Cung sản xuất riêng 1 chiếc xe ba bánh bởi người thân của họ bị khuyết tật lúc còn sống làm nghề chở hàng bằng xe ba bánh. Hay có nhà đặt làm một chiếc xe lăn giống y như thật. “Miễn là họ cho tôi thời gian và chịu chi phí sản xuất thì tôi đều đáp ứng”, ông Cung nói.

Hay để có thể in tiền mã chất lượng tốt, vợ chồng anh chị Lê Linh đã phải đi vay mượn tiền của rất nhiều người thân bạn bè để mua các loại máy in vàng mã từ Trung quốc. Chị cho hay sản xuất vàng mã có rất nhiều loại với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau, tất cả các nhu cầu của khách hàng chị đều có thể đáp ứng được. Máy in có sẵn khi hết chị lại in và cắt dán lại. Khi vào mùa làm ăn, cơ sở nhà anh chị đều phải thuê thêm hàng chục người làm mới có thể đáp ứng kịp được nhu cầu của khách.

Làm nghề nhưng không đốt mã nhiều

Chủ một xưởng sản xuất tiền vàng ở làng Đông Hồ cho biết: Dịp lễ Tết gia đình anh chỉ gửi vài tập tiền và mấy bộ quần áo cho người cõi âm chứ chẳng lỉnh kỉnh đủ đồ nghề, công nghệ số như anh vẫn thường tư vấn cho khách hàng. “Mình làm bán theo nhu cầu của người mua chứ bản thân mình cũng không tín lắm, có đốt cho các cụ gọi là chữ hiếu thôi…”- Chủ xưởng này nói.

”Xế hộp, iphone” ế ẩm, thời trang địa phủ thăng hoa tháng ”cô hồn”

Trung tâm buôn bán vàng mã lớn nhất miền Bắc – xã Song Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) những ngày đầu tháng 7 Âm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Gia đình Xã hội)
Muôn màu tế lễ ngày rằm tháng 7 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN