GS Nguyễn Lân Dũng: “6.700 cây bị chặt hạ là số quá lớn”

Ông Lân Dũng nói: Nếu sợ cây đổ, phải chặt bỏ thì quá vô lý. Không thể để mất đi vẻ đẹp Thủ đô dễ dàng như vậy.

Vừa qua, sự việc Hà Nội chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh trên tuyến phố gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều cơ quan thông tin đại chúng phản ánh, đăng thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND thành phố, nêu ý kiến trên một số trang mạng xã hội…

Ngày 19.3, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cũng trả lời trên VTV, bày tỏ quan điểm chưa hoàn toàn đồng tình với việc thay thế cây xanh bằng cây vàng tâm ở một số tuyến phố.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân Việt ngay sau đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: 6.700 cây chuẩn bị chặt hạ là con số rất lớn. Trong khi đó, Hà Nội là Thủ đô nên chuyện lớn của Thủ đô phải lấy ý kiến của Quốc hội, nhân dân cả nước. Không thể để mất đi vẻ đẹp Thủ đô dễ dàng như vậy.

GS Nguyễn Lân Dũng: “6.700 cây bị chặt hạ là số quá lớn” - 1
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chặt hạ 6.700 cây ở Thủ đô là con số lớn, cần phải lấy ý kiến nhân dân cả nước

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, chứng kiến việc chặt hạ cây xanh, rất nhiều người đã điện thoại, gửi thư, nói chuyện bày tỏ, mong ông lên tiếng đề nghị Hà Nội cân nhắc kỹ việc thay thế cây xanh.

Giáo sư cũng cho rằng, Hà Nội chỉ nên thay thế cây trong trường hợp “bất khả kháng” như héo, chết, không thể cứu vãn được nữa. Nếu hỏng cây nào, trồng cây thay thế. Không vì một hoặc vài cây hỏng mà chặt cây trên cả tuyến phố.  
 

Còn những cây tốt, khỏe nhưng cành lá dài có thể gây nguy hiểm đến giao thông, công trình xung quang... thì có thể cắt tỉa. Ông nói: “Nếu sợ cây đổ, phải chặt bỏ thì vô lý, vì cây đổ do không cắt tỉa”.

Dẫn chứng tại đường Quang Trung (Q. Đống Đa), nhiều gốc cây to bị chặt phẳng lì – chứng tỏ cây đang tốt, không bật gốc. Điều này làm nhiều người cảm thấy xót xa.

Theo ông Dũng, Hà Nội đẹp vì cây cối chứ không phải đẹp vì nhà cửa, đường sá. Ông đã đi qua khoảng 30 thủ đô trên thế giới, thấy mình may mắn vì có “Thủ đô đẹp quá bởi cây cối”.  

Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cũng cho rằng, trên địa bàn Hà Nội có nhiều hội như Hội Thực vật học, Hội Sinh thái học, Hội Môi trường... “Nếu được giao nghiên cứu xem trồng cây gì trên tuyến phố nào, chúng tôi đủ chuyên gia để có ý kiến nhưng tại sao chúng tôi không được hỏi bao giờ?”, ông Dũng nói.

“Các nhà khoa học giỏi đều tập trung ở Thủ đô nhưng những chuyện lớn thế này, chúng tôi không bao giờ được hỏi", GS Nguyễn Lân Dũng cho biết thêm.

GS Nguyễn Lân Dũng: “6.700 cây bị chặt hạ là số quá lớn” - 2
Một số đoạn trên đường Nguyễn Chí Thanh đã được thay thế bằng cây vàng tâm, sau khi một loạt cây keo bị chặt hạ

Cũng theo giáo sư, cây vàng tâm là cây quý, nhưng mọc rất chậm, và không nên trồng để làm cây bóng mát. Hơn nữa, kinh nghiệm từ trồng cây sưa cho thấy cây gỗ quý phải bọc tôn xung quanh để chống trộm. Hà Nội không cần những cây quý như vậy, thay vào đó phải là cây mọc nhanh, có bóng mát tốt.

Trước đó, ngày 18.3, trước nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, Hà Nội đã có ý kiến giải thích lý do chặt hạ, thay thế cây. Theo đại diện UBND Hà Nội. hiện nay, Hà Nội có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát. Hệ thống cây xanh đa dạng với khoảng 70 loài.

Qua rà soát, Hà Nội có khoảng 6.700 cây (tỷ lệ 5,58%) già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng giao thông, cây chết và gần chết, nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị. Vì vậy, các cây này cần được từng bước thay thế bằng các loài cây phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được phê duyệt.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã đề xuất thành phố cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015-2017), dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng.

Ngày 18.3, trao đổi với phóng viên, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, những việc cần phải xin ý kiến người dân thì có quy định cụ thể. Ví dụ như khi soạn thảo Hiến pháp, chính quyền phải xin ý kiến nhân dân để nhân dân góp ý.

“Thay thế cây xanh đúng chủng loại đô thị, không đảm bảo tiêu chuẩn, ảnh hưởng mỹ quan đô thị chưa đáng phải trưng cầu ý kiến dân”, ông Long nói.

Nội dung..

Chặt hạ và thay thế 6.700 cây ở Hà Nội
Sở Xây dựng Hà Nội đang đề xuất chặt hạ và thay thế khoảng 6.700 cây trên 190 tuyến phố tại 10 quận nội thành. Theo bạn:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dạ Yến ([Tên nguồn])
Chặt hạ và thay thế 6.700 cây ở Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN