GS Lân Dũng: Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT

“Chúng ta nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để đánh giá học sinh có đủ điều kiện để cấp bằng hay không”, GS.TS Nguyễn Lân Dũng nói.

Bỏ kỳ thi nhưng xét học bạ cấp bằng THPT

Nhiều năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở nhiều tỉnh thành trên cả nước xấp xỉ từ 98 đến 99%. Năm 2013, một số tỉnh kinh tế khó khăn ở khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ còn có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tới 99,91%. Đặc biệt, một số tỉnh vùng núi như Bắc Cạn, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tới 98,7%; Tuyên Quang 94,84%...

Nhiều người đặt câu hỏi, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như vậy liệu có đúng với thực chất đào tạo của các trường? Một số ý kiến khác cho rằng, nếu tỷ lệ tốt nghiệp cao như vậy thì tại sao chúng ta không hướng tới việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, tránh tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh khi học hết cấp.

GS Lân Dũng: Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT - 1

GS.TS Nguyễn Lân Dũng

Chia sẻ vấn đề trên, GS.TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh. Bằng tốt nghiệp do hội đồng thi các trường xem xét và đề nghị giám đốc các sở GD-ĐT quyết định, ký bằng. Để làm được điều này, sở giáo dục phải có trách nhiệm thẩm tra danh sách hội đồng thi gửi lên xem có đúng với thực chất từng trường hay không. Quan trọng hơn là tinh thần trách nhiệm của từng giáo viên và hội đồng giáo viên của từng trường THPT. Khi học sinh chưa đủ điều kiện thì phải cho học lại và không được xét tốt nghiệp.

“Muốn vậy, các trường phải thường xuyên có bài kiểm tra dành cho học sinh trong suốt học kỳ. Điểm kiểm tra các môn cần ghi đầy đủ vào học bạ. Kết thúc ba năm học, học sinh đủ điều kiện sẽ được đề nghị cấp bằng tốt nghiệp. Học sinh từng lớp không đủ điều kiện không được lên lớp và phải học lại, trước đây vẫn thế, gọi là lưu ban”, GS Lân Dũng nói.

Theo GS Lân Dũng, có một thực tế là nếu môn học nào mà học sinh không thi tốt nghiệp hoặc không thi đại học thì các em sẽ không chịu học. Kiến thức sẽ hụt hẫng và giáo viên sẽ không còn hứng thú để giảng dạy các môn học ấy. Do vậy, giáo viên cần đánh giá học lực thật của học sinh qua học bạ để xét lên lớp và để xem xét việc cấp bằng tốt nghiệp. Làm được như vậy mới có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp.

Khi xét tốt nghiệp, nhà trường sẽ căn cứ vào cả quá trình học tập của học sinh. Các sở giáo dục không đánh giá chất lượng trường dựa vào số lượng học sinh tốt nghiệp nhiều hay ít mà phải dựa vào sự nỗ lực và sự cố gắng học tập của từng học sinh. Sẽ có trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhưng lại có điểm thi đua cao vì đã nghiêm túc trong giảng dạy và đánh giá học sinh. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các trường học đều phải nghiêm túc trong giảng dạy và đánh giá học sinh. Làm sao để sau khi tốt nghiệp THPT, các em có nó đủ năng lực học tiếp lên đại học hay bước vào đời.
 
“Chất lượng học tập của học sinh được quyết định bởi năng lực và tinh thần trách nhiệm của từng giáo viên, ý thức của học sinh và phụ huynh học sinh. Nhà trường không nên đánh giá giáo viên ở việc học sinh được lên lớp nhiều hay ít mà phải đánh giá giáo viên ở chất lượng giảng dạy và sự tận tâm với học sinh. Giáo viên phải có tinh thần trách nhiệm cao trong việc đánh giá học sinh nào cần lưu ban, học sinh nào đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp", GS Lân Dũng nói.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay cao, đó chưa hẳn là con số phản ảnh thực tế chất lượng giảng dạy ở các trường. Hà Nội tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2103, đã phải huy động tới 1.500 giáo viên chấm thi, rồi còn cần đến việc hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở cho các giáo viên…, thật sự khá tốn kém.

GS Lân Dũng: Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT - 2

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013

Cần phải đổi mới chương trình học

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, không thi tốt nghiệp nhưng phải có bằng tốt nghiệp cấp cho những học sinh xứng đáng nhận tấm bằng bằng này. Lãnh đạo nhà trường và giáo viên phải tránh bệnh thành tích, đánh giá đúng học lực học sinh ở qua từng năm học.

Theo cách này, nếu học sinh lưu ban với số lượng lớn sẽ mắc kẹt ngay về điều kiện cơ sở vật chất. Muốn học sinh không lưu ban nhiều thì nhà trường phải có chương trình học vừa nhẹ nhưng vẫn vừa sâu như ở các nước khác. Phải có đội ngũ giáo viên vừa giỏi chuyên môn, vừa yêu nghề, mến trẻ.

Điều này quyết định bởi việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa. “Tôi không đồng ý phải đợi đến năm 2015 mới bắt đầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Tôi nghĩ chuyện đó không quá khó”, GS Lân Dũng nói.

Ông Dũng kể: Bản thân tôi khi đi công tác nước ngoài đã mua hơn 70 cuốn sách giáo khoa về Sinh học. Tôi thật sự giật mình khi thấy chương trình Sinh học ở bậc phổ thông của chúng ta chả giống nước nào. Có thể nhận xét tổng quát trong bốn chữ: “Vừa nặng lại vừa thấp”. Điều đó nghe có vẻ vô lý nhưng lại là sự thật. Hầu như mọi môn học ở khoa Sinh tại các trường đại học sư phạm đều thu nhỏ lại và trút hết vào bậc phổ thông. Một nước có truyền thống phát triển giáo dục như nước Pháp mà ở bậc phổ thông không dạy Sinh học. Họ dạy khoa học về sự sống và về Trái đất. Mình bắt học sinh nhớ những cái không cần nhớ, học những cái không cần học, sau đó sẽ quên hết.

Theo tôi, việc đổi mới chương trình dạy học có thể làm ngay nếu biết dựa vào các hội khoa học chuyên ngành. Các hội này sẽ chọn các chuyên gia giỏi kết hợp với các thầy giáo phổ thông nhiều kinh nghiệm để soạn ra các chương trình sao cho không chênh lệch nhiều so với nội dung chương trình các nước có nền giáo dục tiên tiến mà vẫn phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Đó là những chương trình có thể sử dụng lâu năm và đủ sức hội nhập quốc tế.

Nhà nước chỉ cần cung cấp cho các hội khoa học chương trình của một số nước (xin các Đại sứ quán chắc cũng có thể có được). Bên cạnh các nước phát triển cũng cần tham khảo cả các nước nghèo. Tôi thấy ở Nepal, lớp 11 và 12 chỉ học theo 4 phân ban và mỗi phân ban chỉ học có 4 môn học. Tôi đã mua hai cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 11, 12 ở nước này, mỗi cuốn dày trên 700 trang. Học sách như vậy thì đâu còn có chuyện "học thêm dạy thêm tràn lan" như ở nước ta hiện nay.

Tôi cũng không đồng ý với phương án rút lại 10 năm bởi vì chương trình học 12 năm là cần thiết. Cơ hội của cả một đời người khi tiếp thu kiến thức cơ bản là ở thời học phổ thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN