GS Hồ Ngọc Đại buồn vì "thảm họa giáo dục"

"Cá nhân tôi, qua đó càng nhận rõ lại những điều “rất không được” (nếu không muốn nói là thảm họa) của chương trình giáo dục năm 2000".

Đang trên đường đi công tác, GS Hồ Ngọc Đại - người sáng lập nên trường Thực nghiệm nói rằng, chỉ có thể chia sẻ vài ý kiến qua điện thoại với PV về “sự kiện” nhiều phụ huynh “đạp đổ tường rào” để đăng ký cho con vào học tại trường này.

GS Hồ Ngọc Đại buồn vì "thảm họa giáo dục" - 1

GS Hồ Ngọc Đại

Là tác giả của chương trình thực nghiệm, ông thấy thế nào khi chứng kiến sự tín nhiệm của phụ huynh đối với trường thực nghiệm như vậy?

Thực ra, nhiều phụ huynh mong muốn con được vào học trường thực nghiệm là họ chọn điều ÍT TỆ NHẤT TRONG NHỮNG ĐIỀU TỆ hiện nay về giáo dục tiểu học chứ không phải là chọn môi trường tối ưu cho con mình.

Tôi biết hai lãnh đạo giáo dục hiện nay là Phạm Vũ Luận và Nguyễn Vinh Hiển thực sự muốn đổi mới giáo dục nhưng có lẽ họ không thoát ra được “cái vòng kim cô” là Nghị quyết 40 của Quốc hội về giáo dục gắn với chương trình giáo dục năm 2000 (Điểm dở nhất của Nghị quyết này là độc quyền chương trình, độc quyền SGK...).

Từ hiện tượng “chen chân vào trường thực nghiệm” mà báo chí vừa phản ánh, cá nhân tôi, qua đó càng nhận rõ lại những điều “rất không được” (nếu không muốn nói là thảm họa) của chương trình giáo dục năm 2000.

Nhưng dư luận cho rằng, năm nay phụ huynh chen chân cho con vào trường thực nghiệm đông hơn - đến mức đạp đổ tường rào - vì muốn con mình có cơ hội thành Ngô Bảo Châu (Ngô Bảo Châu là cựu học sinh trường thực nghiệm)?

Đó là khát vọng chính đáng của phụ huynh thôi. Tôi thấy nên thông cảm với phụ huynh chứ không nên trách họ. Với nhiều bậc cha mẹ, việc học của con là sự sống của họ, hơn cả vật chất, hơn cả những ham muốn khác cho bản thân, đó là một điều đáng trân trọng. Đáng trách là do cách tổ chức của nhà trường khiến họ phải chen lấn mà thôi. Nói tóm lại, dù ở góc độ nào, cũng không nên đổ lỗi cho phụ huynh.

GS Hồ Ngọc Đại buồn vì "thảm họa giáo dục" - 2

Trường thực nghiệm năm sau có lẽ nên xây tường rào kiên cố hơn

Chuyên gia đầu tư giáo dục: Nên thoáng hơn để cung bằng cầu

Một nhà đầu tư tài chính, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục là người Việt Nam định cư tài Mỹ, rất am hiểu và tâm huyết với giáo dục VN chia sẻ về câu chuyện “học sinh lớp 1 thiếu nơi học tốt” nhưng lại ngại... động chạm. Ông xin được giấu tên.

Ông nói: Tôi muốn nói vui rằng tường đổ là do tường yếu, trường thực nghiệm sau năm nay có lẽ nên xây tường rào kiên cố hơn.

Vấn đề là ở chỗ: Tại sao ở thời đại điện tử này rồi mà người ta vẫn giữ cách đăng ký nhập học như vậy để phải chen nhau? Tại sao không có hình thức đăng ký qua mạng?

Việc chen nhau để cho con vào học trường tốt, theo tôi, trước hết là điều đáng mừng. Điều đó chứng tỏ khát vọng “đào tạo Ngô Bảo Châu” đang nhiều lên trong các gia đình người Việt Nam. Một xã hội tôn vinh người tài và mong muốn con mình thành người tài của thế giới là một điều lành mạnh, là khát vọng chính đáng.

Thế nhưng, có một vấn đề đặt ra: Tại sao lại ít trường tốt như vậy? Giới đầu tư chúng tôi nhìn thấy rõ, đầu tư giáo dục ở VN là một cơ hội tốt. Lực cản ở chỗ là: Chúng tôi muốn xây dựng những trường học quốc tế tại Việt Nam nhưng chương trình và cách giảng dạy của Việt Nam là điều mà họ không thể theo hoàn toàn. Nhưng nếu trường quốc tế không sử dụng SGKVN, không theo chương trình của VN thì không được cấp bằng vào cuối cấp.

Tôi được biết là hiện nay ở TP.HCM đã được phép giảng dạy thử nghiệm theo chương trình quốc tế. Đó là lý do ở TP.HCM không có chuyện “đạp đổ tường rào” để mong con vào học trường tốt như ở Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BN ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN