Gom hết đời người vào một mã số
Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật hộ tịch với quan điểm gom nhiều loại giấy tờ vào sổ hộ tịch cá nhân, mỗi công dân chỉ mang một mã số.
Liên quan đến dự luật này, TS Trần Thất - vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp, Bộ Tư pháp - nói:
"Liệu theo dự luật hộ tịch thì có còn tồn tại hộ khẩu nữa không? Tôi cho rằng trong điều kiện VN hiện nay vẫn cần để ngành công an quản lý cư trú, dù trên thế giới còn rất ít quốc gia quản lý theo hộ khẩu" TS Trần Thất |
- Hộ tịch tức cái sổ của Nhà nước dùng để đăng ký về hộ, trong đó ghi những thông tin cá nhân của gia đình. Ở VN, thời Pháp thuộc có sự kết hợp cả quản lý hộ tịch theo gia đình và quản lý theo kiểu châu Âu là đăng ký cá nhân (cấp căn cước cho mỗi người).
Sau năm 1945, công tác quản lý hộ tịch ở trung ương giao cho ngành công an, ở địa phương giao cho chính quyền cấp xã. Mỗi gia đình có một sổ chung, trong đó ghi thông tin từng cá nhân nhưng các thông tin này chủ yếu phục vụ công tác quản lý cư trú của ngành công an.
Đến năm 1987 mới xác định công tác quản lý hộ tịch không nên đặt ở công an nữa bởi nhiều vấn đề của công dân liên quan đến hộ tịch cần phải được dân sự hóa, chẳng hạn như nhiều người không thích khi đi đăng ký kết hôn mà phải ra đồn công an. Từ đó đến nay, ngành công an chỉ quản lý hộ khẩu, chứng minh nhân dân, còn công tác hộ tịch (khai sinh, đăng ký kết hôn, chứng nhận nuôi con nuôi, khai tử...) thuộc ngành tư pháp.
* Mục đích chính của dự án Luật hộ tịch lần này là gì?
- Mục đích quan trọng số một là để làm cơ sở pháp lý bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của công dân sao cho chính xác, đơn giản, giảm bớt thủ tục hành chính và các loại giấy tờ. Muốn vậy, hộ tịch phải đăng ký đầy đủ, chính xác, có hệ thống về thông tin cá nhân của một con người. Mục đích thứ hai là phục vụ quản lý nhà nước. Trước nay, vì có nhiều loại giấy tờ khác nhau do nhiều cơ quan cấp và quản lý nên thông tin tản mát, khi cần tập hợp cho việc gì thì lại gây khó khăn, phiền toái cho người dân lẫn cơ quan quản lý.
Ông Trần Thất - Ảnh: Việt Dũng
* Câu hỏi được nhiều người đặt ra là khi mỗi người có một sổ hộ tịch tích hợp nhiều thông tin như vậy thì các loại giấy tờ hiện hành như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn... có tiếp tục tồn tại không?
- Hiện nay chúng ta có đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, sổ thay đổi cải chính hộ tịch, nuôi con nuôi... tản mát ở các nơi khác nhau. Muốn khắc phục điều này thì bây giờ gom lại trong một sổ gọi là sổ bộ hộ tịch, ghi chép tất cả thông tin liên quan đến cá nhân. Sổ này không phải là cái gì mới lạ mà chúng ta lấy lại mô hình như thời Pháp thuộc trước đây (thời đó chỉ có hai sổ: một sổ gọi là bộ đời ghi từ lúc sinh ra, các sự kiện chính trong cuộc đời con người; một sổ gọi là bộ hôn thú ghi việc kết hôn, nhưng thông tin trong sổ này cũng được ghi chú sang sổ bộ đời).
Đối với cá nhân, việc cấp sổ hộ tịch cá nhân nội dung giống như đăng ký trong sổ gốc. Mục đích là để người dân có thể đem theo sổ này đi bất cứ đâu, xuất trình để làm các thủ tục, giấy tờ mà không cần phải quay lại nơi sinh xin xác nhận từ sổ gốc. Tóm lại, Nhà nước nắm sổ gốc (để tại một nơi), người dân nắm sổ cá nhân của mình. Sổ hộ tịch ghi các thông tin về họ tên, khai sinh, kết hôn, ly hôn, con nuôi... và các thông tin hộ tịch khác.
* Thưa ông, như vậy việc cấp sổ hộ tịch sẽ phải tiến hành như thế nào?
- Dự thảo luật quy định tất cả giấy tờ, sổ sách hộ tịch đã được lập ra trước khi luật có hiệu lực vẫn sử dụng bình thường. Còn những người sinh ra kể từ ngày luật có hiệu lực sẽ được cấp sổ hộ tịch cá nhân. Như vậy, có người nói rằng luật này phải 70-80 năm sau mới phát huy hết tác dụng. Thật ra trong quá trình soạn thảo cũng có nhiều phương án, ví dụ như sẽ cấp sổ hộ tịch cho trẻ em dưới 6 tuổi hoặc dưới 14 tuổi. Qua thảo luận, Chính phủ chọn phương án đơn giản nhất là không áp dụng đối với những người sinh trước khi luật có hiệu lực, cũng là đỡ phiền hà cho người dân phải đi đổi các giấy tờ hộ tịch hiện có để lấy sổ mới.
* Còn số định danh cá nhân thì sao, thưa ông?
- Theo dự thảo luật thì chỉ cấp cho những người sinh ra kể từ khi luật có hiệu lực. Nhưng tôi được biết ngành công an đề nghị làm lại cho cả 87 triệu dân. Cá nhân tôi cho rằng hoàn toàn có thể làm được.
Hiện công an đang quản lý chứng minh nhân dân, mà chứng minh nhân dân thì có số riêng cho mỗi người. Như vậy chúng ta đã có dữ liệu cho những người từ 14 tuổi trở lên và hoàn toàn có thể lấy chính số chứng minh nhân dân làm số định danh cá nhân hoặc cải tiến số này cho khoa học hơn.
Một khi phương án cấp số định danh công dân cho 87 triệu người có thể làm được thì chúng ta cũng có thể cấp toàn bộ sổ hộ tịch cho 87 triệu dân.
* Vậy tính tiện ích khi mỗi người chỉ có một số định danh cá nhân và sổ hộ tịch là gì?
- Một công dân sinh ra, đầu tiên có khai sinh, sau đó là hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, mã số thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Cứ lĩnh vực nào thì lĩnh vực ấy tự nghĩ ra ký hiệu, mã số của mình, không kết nối sang với lĩnh vực khác.
Ngay đến số chứng minh nhân dân cũng không duy trì suốt đời, mà cứ mỗi lần đổi chứng minh nhân dân lại có một số mới. Chính vì vậy anh bảo hiểm xã hội cũng kêu, thuế cũng kêu, ngân hàng cũng kêu khi số chứng minh nhân dân thay đổi.
Nếu được cấp số định danh cá nhân thì tất cả lĩnh vực quản lý chỉ dùng một số đó. Tiện lợi nhất là sẽ đảm bảo tính thống nhất, Nhà nước có hệ thống dữ liệu chung phục vụ công tác quản lý dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, công dân không bị phiền toái bởi nhiều giấy tờ, nhiều thủ tục xác nhận. Mã số công dân sẽ giúp tích hợp nhiều thông tin trong một cái thẻ.
Ở những nước tiên tiến, người dân dùng thẻ căn cước điện tử tích hợp được nhiều thông tin: họ tên, ngày tháng năm sinh, số định danh cá nhân, bảo hiểm y tế, bằng lái xe... Trong điều kiện của ta, hệ thống quản lý điện tử chưa phát triển rộng khắp nên chúng ta phải có một loại thẻ nhỏ và gọn, trong đó có đủ thông tin quan trọng nhất, chứ không phải đi đâu cũng phải cầm sổ hộ tịch đi theo.
* Theo ông, làm thế nào để ý tưởng trên thành hiện thực?
- Tôi cho rằng nếu cấp ngay cho cả 87 triệu người thì rất vất vả. Nhưng hoàn toàn có thể xây dựng một đề án mà theo đó sẽ cấp phân khúc từng phần, theo thứ tự ưu tiên như cấp số định danh cá nhân cho người có sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thuế thu nhập cá nhân, người cư trú ở các thành phố trước.
Lẽ ra phải làm từ hàng chục năm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Lẽ ra Luật hộ tịch phải làm cách đây hàng chục năm, như vậy sẽ không xảy ra tình trạng lắm giấy tờ, mã số phức tạp như bây giờ. Hộ tịch là cái gốc được làm từ khi con người ta sinh ra đến khi chết. Cái gốc phải được làm trước, sau đó mới phát sinh những vấn đề về quản lý hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, có quân tịch hay không quân tịch, lấy chồng lấy vợ thế nào... Ở các nước, hộ tịch bao trùm lên vấn đề hộ khẩu, tức diễn biến cư trú của anh thế nào đều ghi trong sổ này hết. |