Gọi “sơn hào hải vị” ăn rồi bùng tiền bị xử lý thế nào?

Từ vụ cô gái tới nhà hàng sang trọng gọi nhiều món đắt tiền xong không chịu thanh toán, nhiều độc giả thắc mắc, khách hàng mua hàng, đi ăn uống nhưng không trả tiền sẽ bị xử lý như thế nào?

Hình ảnh bữa ăn của cô gái lan truyền trên mạng xã hội

Hình ảnh bữa ăn của cô gái lan truyền trên mạng xã hội

Khách mua hàng rồi "bùng tiền", đòi lại thế nào cho đúng luật?

Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin, một cô gái tới nhà hàng của khách sạn 5 sao ở phường Cống Vị (quận Ba Đình, Hà Nội) gọi nhiều món đắt tiền như bò Wagyu, tôm hùm, rượu vang... nhưng ăn xong không chịu thanh toán.

Đại diện Công an phường Cống Vị (quận Ba Đình, Hà Nội) xác nhận có sự việc cô gái vào gọi tôm hùm, rượu vang… ở một nhà hàng sang trọng trên địa bàn. Khi công an tới, có sự chứng kiến của những người liên quan, xác định cô gái trên có "tâm lý không bình thường". Quá trình làm việc với công an, cô gái này lý giải, có người mời đến nhà hàng này ăn, cô gái gọi đồ cho 2 người ăn nhưng chờ mãi không thấy người kia đến.

“Đến giờ đóng cửa, nhà hàng yêu cầu thanh toán, cô gái không tính tiền và bảo đợi bạn đến trả chứ không có tiền”, đại diện Công an phường Cống Vị nói và cho biết, do phía nhà hàng không yêu cầu xử lý vụ việc nên phía công an không nắm rõ số tiền trong vụ việc này.

Thực tế, ngoài sự việc trên, không ít người bán hàng đã bị khách mua “bùng tiền”, bỏ trốn. Từ vụ việc trên, nhiều độc giả thắc mắc, khách hàng mua hàng, đi ăn, uống không trả tiền sẽ bị xử lý như thế nào? Chủ quán gặp phải khách có ý định “bùng tiền" thì xử lý sao cho đúng luật.

Trao đổi với PV về thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Theo Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

“Theo Bộ luật Dân sự quy định, bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

Như vậy, trả tiền cho bên bán là nghĩa vụ bắt buộc của người mua.

Việc đi ăn, uống nhưng không trả tiền không những trái đạo đức, pháp luật mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu của người cung cấp dịch vụ.”- luật sư Kiên nói.

Theo luật sư Liên, khi gặp các trường hợp quỵt tiền ăn uống, các chủ kinh doanh nên giữ bình tĩnh, tránh to tiếng chửi mắng, đánh đập, nhốt khách để không đẩy mình vào vòng lao lý, vi phạm các tội như "Giam giữ người trái pháp luật", "Cố ý gây thương tích"…

“Chủ cơ sở kinh doanh có thể yêu cầu người ăn thanh toán tiền trước khi rời đi.

Trường hợp, khách để lại tài sản giá trị tương đương số tiền nợ để đảm bảo người này quay lại trả nợ, chủ cơ sở kinh doanh cần lập biên bản, có sự chứng kiến của nhiều người, có ghi rõ thời hạn đảm bảo việc thanh toán, thanh lý tài sản nếu khách không trả, tất cả phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện để tránh trường hợp xảy ra tranh chấp.

Chủ cơ sở kinh doanh đặc biệt lưu ý, không ép buộc khách để lại tài sản để tránh bị xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản.” – luật sư Kiên khuyến cáo.

Luật sư Kiên cho biết thêm, trường hợp khách hàng dùng thủ đoạn gian dối, cố tình không trả tiền, định bỏ trốn, không đồng ý thỏa thuận, chủ cơ sở kinh doanh có thể gửi đơn tố giác đến cơ quan công an địa phương xử lý hoặc khởi kiện ra tòa để buộc khách hàng phải thanh toán hóa đơn đã mua sản phẩm từ nhà hàng.

Khách mua hàng rồi "bùng tiền" có thể ngồi tù

Về thắc mắc, khách hàng mua hàng, đi ăn, uống không trả tiền sẽ bị xử lý như thế nào? luật sư Lê Văn Kiên cho biết: Trong trường hợp có đủ bằng chứng cho rằng, đối tượng quỵt tiền ăn đã thực hiện hành vi này nhiều lần, ở nhiều nơi một cách chuyên nghiệp, cơ quan công an có thể xem xét điều tra, xử lý nghiêm theo quy định.

Theo Điều 15, Nghị định 144-2021/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tên nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình) quy định, phạt tiền từ 2 -3 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Trường hợp khách hàng dùng thủ đoạn gian dối để mua hàng, sử dụng sản phẩm với số tiền lớn mà không thanh toán thì có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 174) hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điều 175), Bộ luật Hình sự.

“Theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hình thức vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Người thực hiện hành vi trên để chiếm đoạt tài sản từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng sẽ đủ yếu tốc cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, đối tượng chiếm đoạt số tiền dưới 4 triệu đồng vẫn có thể bị xử lý hình sự nếu thuộc các trường hợp như: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể lĩnh mức án cao nhất tới 20 năm tùy vào mức độ phạm tội.” – luật sư Kiên nói.

Trong trường hợp, khách hàng có hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của chủ cơ sở kinh doanh có trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình phạt nhẹ nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm

“Trường hợp, khách lừa đảo chiếm đoạt tài sản chủ kinh doanh có giá trị dưới 2.000.000 đồng thì vẫn bị xử lý hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp như đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…” – luật sư Kiên nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Xác nhận cô gái trong câu chuyện gọi nhiều món đồ ăn ở nhà hàng 5 sao nhưng không thanh toán là con gái mình, bà N cho biết, con gái từng có thời gian bị trầm cảm phải điều trị tại bệnh viện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Nóng trên mạng xã hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN