Góc khuất nghề trục vớt tàu thuyền đắm
Nghề trục vớt tàu thuyền đắm có những góc khuất và luật bất thành văn riêng mà chỉ có những người trong nghề mới hiểu…
Một phương tiện được nhóm cứu hộ, cứu nạn ở Hải Dương cứu thành công sau khi bị đâm va, bục nước và chìm trên sông Kinh Thầy
“Đất có thổ công, sông có hà bá”, nghề trục vớt tàu thuyền đắm trên sông cũng vậy, đều có những góc khuất và luật bất thành văn riêng mà chỉ có những người trong nghề mới hiểu…
Phải có “gan cóc tía”
Một chiều nắng gắt tháng 6/2020, ven sông đoạn cách hạ lưu cầu Đuống vài trăm mét thuộc tổ 2, phường Giang Biên, Long Biên, Hà Nội, một đội tàu sắt 5 chiếc gắn tời xích, cần cẩu, chở máy xúc neo đậu sát nhau. Trên tàu, một nhóm thợ quần áo lem luốc dầu mỡ, mải miết hàn cắt, tra dầu mỡ bảo dưỡng thiết bị, máy móc trên tàu.
Khác với các tàu chở hàng, các phương tiện trên gắn cần cẩu phía mũi, trang bị cần trục, tời giằng để chuyên trục vớt tàu đắm. Đây là đội đã cứu nạn chiếc tàu chở hơn 1.000 tấn than bị chìm hai khoang hàng ở đoạn cửa cống Đông Tửu, thượng lưu cầu Đuống cách đây không lâu.
Ông Nguyễn Văn Việt, năm nay ngoài 60 tuổi, chủ nhóm thợ trên cho biết, trên các tuyến sông thuộc khu vực Hà Nội, chỉ có nhóm cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền của ông hoạt động. Ông cũng có thâm niên hơn 30 năm làm nghề, từ khi tàu thuyền chủ yếu là tàu xi măng, vỏ gỗ.
Ông Việt vốn xuất thân từ nghề đánh cá, khi hợp tác xã giải thể thì rong ruổi đi tìm kiếm sắt, phế liệu trên sông và dần dà bước vào nghề cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị đắm. Tự học, tự làm và từ kinh nghiệm, cách cứu hộ, cứu nạn tàu thực tế rút ra được ông truyền đạt, chỉ dạy cho nhóm thợ trẻ.
“Bước đầu tiên cứu hộ, trục vớt tàu chìm phải đưa thợ lặn xuống để khảo sát, tìm phương án trục vớt. Thợ lặn mang cáp, đinh móc để trục tàu nổi lên”, ông Việt kể.
Trong câu chuyện về nghề của mình, ông Việt và nhiều thành viên khác bảo rằng, không thể nhớ đã trục vớt bao nhiêu tàu thuyền bị nạn, song chỉ không quên những lần cứu nạn mà nếu không phải người có “gan cóc tía” chắc sẽ bỏ cuộc.
“Ngay trên dòng sông Đuống này, mùa mưa bão cách đây khoảng chục năm có tàu bị lật, làm 3 người tử nạn, kẹt bên trong mấy ngày chưa đưa được người lên bờ. Phương tiện úp ngược, nên thi thể người bị nạn như quả phao bị ép chặt nóc tàu, rất khó lấy ra. Phải đến khi vài thợ lặn xuống cùng lúc, cuốn xích nặng vào phao, người lặn vào trong tàu, người ở ngoài mới đưa được nạn nhân ra ngoài. Sông nước lạnh lẽo thế, nếu không có “gan cóc tía” sao dám làm”, ông Việt chia sẻ.
Còn thợ lặn Nguyễn Văn Toàn kể, khó tả hết cảm giác ám ảnh đọng lại sau mỗi vụ lặn trục vớt tàu thuyền chìm có người tử nạn hay sự nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào.
“Thợ lặn phải kéo lê từng tý cuộn cáp to như cổ tay để “làm quang” cho tời kéo, trục phương tiện đắm. Có khi phải lặn để vần đá hộc, sắt cuộn ra khỏi khoang hàng tàu chìm, chỉ cần đầu óc bị choáng, co rút cơ là nguy hiểm tính mạng. Thế nhưng, có trường hợp chủ tàu cho rằng làm lâu để câu giờ, lấy thêm tiền”, ông Toàn chia sẻ.
Đất có thổ công, sông có hà bá
Vào nghề cách nay cũng hơn 30 năm, từ sau những lần đi dò tìm sắt thép trên sông, đến nay ông Nguyễn Văn Lợi (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã lập được đội cứu hộ, cứu nạn riêng với hơn chục người, chuyên hoạt động ở các tuyến sông khu vực Hải Dương.
Hàng trăm triệu đồng mỗi lần trục vớt Theo đại diện một số nhóm cứu hộ, cứu nạn phương tiện thủy, giá cả trục vớt tàu thuyền bị chìm đắm do chủ phương tiện và người trục vớt thỏa thuận, song phổ biến ở mức gần 100 triệu đến hơn 500 triệu đồng, tùy thuộc mức độ khó khi trục vớt. Tuy vậy, ở một số địa bàn, tuyến có sự độc quyền, giá cả thường do các nhóm độc quyền trục vớt quyết định nên thường có giá cao hơn. |
Cách đây vài năm, khi một dãy lồng bè cá bị lũ đánh trôi trên sông Thái Bình và mắc vào trụ cầu Bình, nhóm cứu hộ phải nổ máy liên tục giữ tàu neo vững giữa dòng nước xiết để những “người nhái” thay nhau lặn xuống hàng giờ, dùng cưa cắt lưới, khung sắt để giải phóng cho trụ cầu. Thợ trong nhóm đều là dân ở ven sông Kinh Thầy, gần với nơi tàu cứu hộ, cứu nạn neo đậu nên bất cứ khi nào có người gọi, nhóm đều cử 3 - 4 người đến ngay hiện trường để cứu hộ, cứu nạn.
“Trục vớt, cứu hộ tàu đắm cũng phải có bí quyết, có làm thực tế mới hiểu. Không ít lần chúng tôi tính toán sai khi cẩu kéo bị gãy cả trụ, tời, đứt cáp. Khó nhất là trục vớt tàu bị đắm sâu vài chục mét, dùng máy hút không được, cào không được nên phải thuê cẩu dây văng mới múc được hàng hóa lên. Trường hợp tàu bị lật úp, phải tìm nhiều cách mới kéo dần tàu đến chỗ cạn để sau đó lật ngửa được tàu”, ông Lợi kể.
Khác với một số nhóm, đội của ông Lợi chỉ trục vớt phương tiện mà kiêng vớt thuyền viên bị tử nạn. Mỗi khi được nhờ cứu hộ tàu chìm có người tử nạn, đội của ông sẽ liên kết với nhóm thợ khác.
Ông Lợi cho rằng, tàu đắm cũng như cháy nhà, chẳng ai mong xảy ra, nên khi có người gọi cứu hộ, cứu nạn lập tức cử người đến ngay, không đặt vấn đề giá cả hay điều kiện trước khi cứu. Tuy vậy, như đã là luật bất thành văn “đất có thổ công, sông có hà bá”, nhóm của ông chủ yếu hoạt động ở một số đoạn tuyến nhất định như: Hải Dương, Bắc Ninh, còn không đến nơi có nhóm thợ khác hoạt động.
“Một số lần nhóm chúng tôi di chuyển đến địa phận khác bị “dân xã hội” đánh hoặc quấy nhiễu khi cứu hộ, cứu nạn. Nhớ lần ở Bắc Ninh, một tàu đắm ở sông Đuống gọi chúng tôi đến trục vớt vì báo giá rẻ hơn nhóm khác, nhưng khi đang làm có vài người xuống bắt tắt máy và đòi gần chục triệu đồng”, ông Lợi kể.
Cũng theo ông Lợi, làm cái nghề này cũng không mong làm giàu, làm vì cái tâm, cái đức. “Lâu lâu ngồi không chẳng có việc, anh em nói đùa: Sao dạo này không có tàu nào bị đắm nhỉ? Tôi mắng ngay: Nghề này để giúp người hoạn nạn, đâu phải để làm giàu”, ông Lợi kể.
Nói về chuyện cạnh tranh, ông Nguyễn Văn Việt, chủ nhóm cứu hộ, cứu nạn đường thủy ở Hà Nội cũng cho biết, không dám đưa quân lên vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ để tránh đụng độ với nhóm “kéo cạn” ở khu vực này.
“Có lần một tàu của người nhà chúng tôi bị chìm trên sông Lô ở Việt Trì, sau đó tàu khác đâm phải, đắm chồng lên. Khi chúng tôi lên, nhóm “kéo cạn” ở đó không cho làm. Mãi sau đó nhóm của tôi chỉ được nhấc tạm tàu kia lên để trục rút tàu người nhà đưa về để tránh đụng độ”, ông Việt kể.
Nguồn: [Link nguồn]
Đối với dị nhân “vua ong” Bùi Duy Nhất, có những thời điểm anh cùng bạn bè đi săn ong khắp các cánh rừng tại vùng...