Gỗ sưa: Những phi vụ "khét tiếng"

Nếu gỗ sưa ở khu vực phía đông dãy Trường Sơn (phần đất VN) được những tay thợ săn sưa tìm kiếm ráo riết dẫn đến nguy cơ tuyệt diệt thì ở phía tây Trường Sơn, phía đất Lào, gỗ sưa vẫn còn khá dồi dào. Những vụ buôn bán, vận chuyển gỗ sưa từ Lào về VN trong những năm qua diễn ra ngấm ngầm nhưng vô cùng sôi động.

Sưa qua biên giới...

Ít ai biết một trong những người “ra trận” đầu tiên của “mặt trận gỗ sưa” trên tuyến biên giới Việt - Lào này là một chủ thầu tên T. người gốc Quảng Bình sống tại Khe Sanh, chuyên xây dựng đường sá cho các xã vùng biên.

Chỉ là một doanh nghiệp nhỏ nhưng khi trúng thầu xây tuyến đường này ông đã sớm nắm được thông tin gỗ sưa đang “ăn hàng”, dù mức giá lúc đó chưa được “đỉnh” như bây giờ. Coi như ông chủ thầu thi công đã “vào cầu”. Kết hợp “làm đường” với săn lùng gỗ sưa, lại săn tìm khi thiên hạ chưa mấy ai biết nên ông chủ thầu này “ăn đủ” trong một thời gian dài.

Gỗ sưa từ Lào đã theo ngã bản La Cồ (huyện Sê Pôn, Lào) về qua tuyến cửa khẩu phụ Tà Rùng (xã Hướng Lập, Hướng Hóa) hay từ bản Mày (Lào) qua bản Cheng (xã Hướng Phùng). Một cán bộ địa bàn vốn nắm rất kỹ chuyện buôn bán gỗ sưa ở Quảng Trị cho chúng tôi biết giai đoạn này có những đợt xe máy đêm đêm chở gỗ rùng rùng chạy trên tuyến đường nhưng cũng không ai biết gỗ sưa lại đắt giá đến thế. Ông T. đã mất cách nay hai năm, giang hồ đồn rằng tài sản của ông sau những năm trúng mánh gỗ sưa là vài ngôi nhà mặt phố ở TP.HCM.

Gỗ sưa: Những phi vụ "khét tiếng" - 1

Anh Trần Nam bên vườn ươm giống cây sưa của mình

Từ câu chuyện này dễ liên tưởng đến những doanh nghiệp đã từng thi công một số công trình trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây dọc tuyến biên giới Việt-Lào đoạn Quảng Bình, Quảng Trị (trong đó có phần lớn diện tích của di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng). Không biết được họ có hay không tham gia những vụ buôn bán khai thác gỗ sưa, nhưng khi câu chuyện về mấy cây gỗ ở rừng Phong Nha gây sốt, nhiều người bỗng giật mình về sự giàu có bất thường của họ!

Những năm qua tuyến quốc lộ số 9 từ Lào về VN qua ngã cửa khẩu Lao Bảo gần như là con đường của gỗ. Trong những chuyến hàng nhập khẩu hoặc “tạm nhập tái xuất” gỗ này đã có những lô hàng gỗ sưa “khét tiếng” xuyên qua biên giới về tập kết tại Đông Hà. Dân buôn bán gỗ sưa có “số má” đều từng biết đến một lô gỗ sưa rất lớn nặng đến 21 tấn của một đại gia gỗ sưa ở Đông Hà (Quảng Trị). V., một lái buôn gỗ sưa ở Nghệ An từng vào xem hàng tại kho gỗ sưa này, cho biết toàn bộ lô gỗ gồm 2.050 lóng, khúc... Lóng gỗ sưa nặng nhất chừng 200kg, lóng nhỏ nhất nặng khoảng 5kg, anh này đã từng trả giá 8,5 triệu đồng/kg, tổng số tiền toàn lô hàng chừng 180 tỉ đồng nhưng chủ lô hàng không bán. Dân lái buôn sưa cũng cho biết lô gỗ sưa này được mua trong một cuộc đấu giá hợp pháp từ Lào về và để vào xem được kho gỗ này khách xem gỗ phải “mua vé bằng... một vé” (100 USD).

Cũng từ nguồn gỗ sưa từ Lào về theo dọc tuyến biên giới này vào những ngày cuối năm 2010, đầu năm 2011 đã xảy ra một vụ buôn bán gỗ sưa mà cho đến nay vẫn chưa giải quyết ngã ngũ.

Gỗ sưa: Những phi vụ "khét tiếng" - 2

Những lóng gỗ sưa từ Lào bị tịch thu ngày 29/10/2010 - Ảnh tư liệu

Chưa dứt một “vụ án sưa”

Được bắn tiếng có một cây gỗ sưa đường kính 0,4m tại bản Mày, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, hai ông Trương Huy Liệu và Nguyễn Văn Nhân ở Lao Bảo đã tìm sang tận đây để mua với giá 900 triệu kíp (tiền Lào, tương đương 2,3 tỉ đồng VN) và vận chuyển về bản Sê Pu, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Từ đây, để đưa ra thị trấn Khe Sanh (theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây), số gỗ này lại được một phụ nữ thuê vận chuyển, điều đáng nói là người phụ nữ thuê chở số gỗ này lại là bà Hồ Thị Kim Sai, vợ của ông bí thư huyện ủy Hướng Hóa! Sự việc vỡ lở khi ngày 29/12/2010, trên đường vận chuyển số gỗ này từ Hướng Lập ra Khe Sanh, tại trạm kiểm soát A Roong của đồn biên phòng 609, số gỗ trên đã bị đội đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Trị dừng xe và kiểm tra. Khi lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm, tạm giữ tang vật, phương tiện, tài xế Nguyễn Văn Quang, người lái chiếc xe 74K 7424, cho biết bà Sai khi thuê xe đã nói là chở gỗ trắc chứ không phải gỗ sưa, trong khi tang vật được xác định là gỗ sưa gồm 18 lóng (gồm thân, rễ, cành, nhánh).

Tuy nhiên câu chuyện không dừng lại ở đây. Hơn 5 tháng sau khi lô gỗ sưa này bị bắt, ngày 16/5/2011, Phòng Phòng chống tội phạm ma túy BĐBP Quảng Trị đã lập biên bản bàn giao tang vật cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh với số lượng 18 lóng gỗ sưa, khối lượng 0,486m3, tổng trọng lượng 422,5kg. Ngày 8/7/2011, số gỗ sưa tang vật nói trên đã được đem bán đấu giá, thu được số tiền 4,520 tỉ đồng. Tuy nhiên theo những người liên quan đến vụ mua bán lô gỗ, số gỗ sưa này khi vận chuyển về đến bản Sê Pu đã được cân với tổng trọng lượng hơn 1 tấn, vì thế số lượng gỗ đúng là 18 lóng song trọng lượng bị thất thoát rất nhiều. Tại buổi đấu giá, cơ quan CSĐT Công an Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra lô gỗ tang vật và thu thập tài liệu từ các đối tượng liên quan.Theo báo cáo của cơ quan CSĐT, tuy số lóng gỗ đúng với số lượng (18 lóng) nhưng nhiều lóng gỗ cho thấy dấu hiệu được cắt ra từ một lóng gỗ ban đầu. Cũng tại buổi kiểm tra lô gỗ, cơ quan CSĐT đã mời đại diện các cơ quan có trách nhiệm bàn giao lô gỗ cho người đấu giá trúng, nhưng các vị đại diện này đã từ chối ký vào biên bản kiểm tra với lý do “không có sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên”.

Ngày 1/3/2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã bàn giao toàn bộ hồ sơ về vụ gỗ sưa tang vật xảy ra tại Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy thuộc BĐBP tỉnh này cho Phòng Điều tra hình sự và Phòng Kiểm sát của Bộ Tư lệnh BĐBP để tiếp tục làm rõ. Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị trước đó cũng đã có thông báo về vụ buôn lậu gỗ trái phép qua biên giới này và giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý cán bộ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các cán bộ công chức có vi phạm trong vụ buôn bán này (thông báo số 74-TB/TU/20-4-2011).

Lô gỗ sưa này sau khi được đấu giá trúng đã lên đường đến địa chỉ cuối cùng của nó là vào tay thương lái Trung Quốc, nhưng những “dư âm” mà nó để lại cho tỉnh Quảng Trị lại chưa thể dứt.

Trang trại sưa bên đường 9

Trong khi đường 9 náo động bởi những phi vụ buôn bán gỗ sưa thì ở km 20 quốc lộ 9 có một người nông dân đã 10 năm nay âm thầm đi tìm kiếm hạt giống, nghe ở đâu có sưa là anh cơm đùm gạo bới tìm tới. Anh tên là Trần Nam. Những hạt giống cây sưa anh gieo từ mười năm trước nay đã thành một vườn sưa rộng mênh mông. Vườn cây giống cũng được anh gieo và bán cho bà con trong vùng có nhu cầu. Mặc cho thiên hạ quay cuồng với những phách gỗ sưa, anh Trần Nam chỉ chăm bẵm vườn cây giống và tạo nên nguồn thu nhập khá lớn cho gia đình. Hỏi anh vì sao cây sưa lại được người ta mua bán đắt đỏ như thế, anh cười: “Tui đã lăn lộn 10 năm nay, không sót vùng sưa nào, tui cũng không biết vì sao sưa đắt như thế, cây sưa rất dễ trồng. Bà con cần nguồn giống thì tui cung cấp như cung cấp các loại cây giống khác, chứ với tui cây sưa chỉ là một thứ cây bình thường chẳng có gì ghê gớm, lao theo nó coi chừng mắc mưu bọn lái buôn!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Việt Thường ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN