‘Giúp đỡ người dân, CSGT vui hơn xử phạt nhiều lần'
Đại úy Trần Thanh Tâm (35 tuổi), Phó Đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ (Phòng PC08 Công an TP.HCM) luôn trăn trở làm thế nào để người dân ý thức hơn khi tham gia giao thông, không rượu chè gây TNGT đáng tiếc.
5 năm về công tác tại Đội CSGT Bàn Cờ là 5 năm anh đón giao thừa ngoài mặt đường. Năm nay cũng không ngoại lệ với Đại úy Trần Thanh Tâm.
Được người dân lì xì 5.000 đồng
Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết, việc hy sinh thời gian với gia đình để tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết là vinh dự nhưng cũng mang trách nhiệm nặng nề. Vì những ngày Tết là dịp người dân tụ tập, chè chén dẫn đến say xỉn, dễ gây tai nạn giao thông (TNGT).
Đại úy Trần Thanh Tâm, Phó Đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ, Phòng PC08 Công an TP.HCM. Ảnh: H.KIM
“Còn nhớ năm đầu tiên vắng nhà ngày Tết, khách đến nhà còn hỏi: ‘Uả Tâm đâu’, chứ giờ chả ai buồn hỏi gì nữa, vì quá quen rồi” – anh Tâm cười.
Nhắc đến những kỉ niệm khi trực Tết, Đại úy Tâm vẫn còn nhớ mãi 5.000 đồng được một người dân lì xì khi đang tất bật điều tiết trên đường vào một ngày Tết cách đây vài năm. Anh bảo, hôm đó, đang đứng giữa ngã tư hướng dẫn giao thông, nhắc nhở người dân di chuyển thì một bác lớn tuổi đột nhiên đến chào, động viên mà mừng tuổi. “Xúc động gì đâu” - anh bảo.
Rồi Đại úy Tâm lắng lại: “Nếu như ngày thường khi gặp người dân, CSGT sẽ dùng còi, gậy để hiệu lệnh thì ngày Tết sẽ là những câu chào, lời chúc ‘Năm mới vui vẻ’, tạo không khí vui vẻ mà ngày thường không có. Tết là lúc CSGT chúng tôi không đặt nặng chuyện xử phạt mà quan trọng là người dân được an toàn thôi. Vì vậy chúng tôi chọn nhắc nhở, tuyên truyền là chính”.
CSGT vui nhất là trong Tết không có TNGT đáng tiếc
Vị CSGT này nói tiếp: “Thật ra, điều vui nhất của CSGT là trong Tết không có tai nạn đáng tiếc”.
“Khi xử lý người dân uống rượu bia vào ngày Tết, nhiều người bảo chúng tôi tại sao lại phạt khi ngày Tết họ phải cầm ly rượu để chúc Tết lẫn nhau, rồi tất niên, họp mặt. Nhưng họ lại không nghĩ nếu họ say, gây TNGT thì họ có thể ăn Tết bình an, vui vẻ được không? Bà con hiện nay vẫn còn tâm lý chủ quan, nghĩ rằng Tết thì thả ga rượu chè” – Đại úy Tâm chia sẻ.
Đại úy Tâm một lần giúp mẹ con bé trai về nhà an toàn khi bị một người đàn ông "bám đuôi". Ảnh: H.KIM
Theo Đại úy Tâm, đối với trường hợp say xỉn trong ngày Tết, nếu nhẹ thì nhắc nhở, tuyên truyền để người dân vui trong chừng mực. Nếu đến mức không làm chủ được bản thân, thì CSGT kiên quyết xử lý. Rồi nếu người vi phạm không tự về được thì CSGT sẽ gọi taxi cho người vi phạm về nhà an toàn.
Có lần một người dân ra đường nhưng không đội mũ bảo hiểm, bị CSGT xử phạt, lúc đó họ chi thốt lên một câu rằng: “Chà, hôm nay xui quá”, chứ họ không nghĩ rằng việc không đội mũ bảo hiểm của thể gây TNGT cho họ và cho người khác.
“Chúng tôi chỉ mong tất cả người dân được một cái Tết bình yên, đảm bảo được tính mạng cho người dân vui xuân đón Tết”- anhTâm nói.
Anh Tâm cho rằng, người CSGT không chỉ là người đi xử phạt mà còn là người đồng hành với mọi người dân trên mọi nẻo đường, có thắc mắc, cần sự hướng dẫn thì CSGT sẵn sàng. “Nhiều người có tâm lý cứ gặp CSGT là bị phạt. Nhưng không phải vậy! Nếu bà con tuân thủ luật thì không ai phạt cả. Chúng tôi luôn chờ câu hỏi, yêu cầu trợ giúp từ người dân hết mức có thể’ – anh nói.
Đại úy Tâm lại cười: “Không phải khi chúng tôi ra đường là hăm he xử lý người này người kia. Chúng tôi là bạn đường chứ không phải chỉ chăm chăm xử phạt. Giúp đỡ người dân vui hơn xử phạt nhiều lần”.
Phát hiện cháy lớn, Thượng úy Tiến cùng đồng đội vào nhà dân bên cạnh leo lên tầng 3 phá cửa sắt cứu người gặp...