Thời gian qua, giá vàng trong nước liên tục “phá đỉnh” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại. Có thời điểm, giá vàng đạt trên 62 triệu đồng/lượng, đây là mốc chưa từng có trong lịch sử của giá vàng.
Nói đến vàng, bạc thì có lẽ đất Thăng Long xưa (nay là Hà Nội) là một trong những trung tâm mua sắm, chế tác nhộn nhịp bậc nhất cả nước. Giữa phố thị xa hoa hiện nay, ít ai biết rằng đã từng tồn tại một làng nghề kim hoàn cổ xưa chuyên chế tác vàng, bạc - đó là làng nghề Định Công.
Dân gian vẫn có câu: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”, đây là tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long xưa.
Làng nghề Định Công xưa, nay thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Làng nằm ngay ven sông Tô Lịch một thời giao thương thuyền bè buôn bán tấp nập.
Với sự phát triển của thời kinh tế mở cửa, làng Định Công giờ đây đã đô thị hóa mạnh mẽ. Nhà cao tầng, hàng quán mọc lên san sát nhau, phố phường sầm uất. Người dân từ khắp nơi đổ về đây làm ăn buôn bán, kiếm sống, mưu sinh. Có lẽ rất ít người biết nơi đây từng tồn tại một làng nghề nổi tiếng của đất kinh kỳ.
Ngay tại khuôn viên đình làng Định Công Thượng hiện nay có một ngôi đền thờ tổ nghề kim hoàn. Ngôi đền khá to, đẹp, khang trang, nằm dưới những tán cây cổ thụ xanh ngời. Nhận trông coi, quét dọn và nhang khói cho đền là gia đình ông Quách Văn Trường.
Ông Trường chính là 1 trong 2 nghệ nhân còn sót lại của làng nghề kim hoàn Định Công và cũng chính ông là người có công gây dựng lại “cái nghề của cha ông để lại” này. Hiện con trai ông là anh Quách Phan Tuấn Anh là người tiếp tục nối nghề của cha với việc mở xưởng chế tác và tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 10 thợ.
Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Quách Văn Trường kể, đền thờ tổ nghề kim hoàn thờ 3 anh em nhà họ Trần là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền.
Theo sử sách ghi lại, vào thời vua Lý Nam Đế, 3 anh em họ Trần trong thời gian chạy loạn đã tình cờ học được nghề làm đồ vàng, bạc. Từ đó, ba ông truyền dạy nghề cho dân trong làng, làm nên tiếng tăm cho sản phẩm vàng, bạc Định Công. Để tưởng nhớ công lao của 3 ông nên người dân đã lập đền thờ.
Ông Trường nhớ lại, những năm đầu thế kỷ XIX là lúc phồn thịnh nhất của nghề kim hoàn Định Công. Lúc ấy, hầu như gia đình nào trong làng cũng theo nghề. Cả làng, hàng trăm xưởng chế tác hoạt động ngày đêm, tiếng đe búa, chạm trổ, tiếng hàn xì… vang rộn làng quê.
Thế nhưng, chiến tranh loạn lạc khiến nhiều gia đình phải di tản. Tiếp đó, thời kinh tế bao cấp, vàng bạc là thứ quý hiếm, đắt đỏ nên nghề kim hoàn cũng không còn phát triển mạnh. Khi kinh tế thị trường mở cửa, tiền công từ nghề kim hoàn làm ra lại chẳng đáng kể so với ngành nghề khác, nhiều gia đình đã chuyển nghề… Cứ thế, nghề kim hoàn tại Định Công dần mai một và suốt một thời gian dài chẳng ai còn theo nghề.
Mãi đến năm 1986, ông Trường sau thời gian đi chiến tranh về bị hỏng một bên mắt. Khi ấy quá đau đáu với nghề, ông bắt đầu mày mò và tìm kiếm nguyên liệu để khôi phục nghề. Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm thợ cả của gia đình từ xưa, ông mang những sản phẩm của mình đi quảng bá và được thị trường đón nhận rộng rãi.
“Nhiều chủ cửa hàng vàng, bạc mê hàng của tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên và đặt luôn tôi những sản phẩm độc quyền. Họ nhìn thấy những sản phẩm tinh xảo mà có lẽ rất lâu rồi họ không thấy, cứ thế mối hàng về ngày càng nhiều, mình tôi làm không xuể”, ông Trường nói.
Do đã tuổi cao và mắt kém nên từ lúc khôi phục, ông Trường không gắn bó được lâu với nghề. May mắn, song hành cùng ông Trường là con trai út Quách Phan Tuấn Anh và người cháu của ông, nghệ nhân Quách Văn Hiểu.
Ông Trường còn liên kết với chính quyền mở nhiều lớp dạy nghề miễn phí, hướng nghiệp cho nhiều người tham gia vào nghề kim hoàn. Tuy nhiên, theo như ông chia sẻ, để theo được nghề cũng phải mất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc.
“Muốn thành thợ cả phải mất vài năm, mà chi phí sinh hoạt ăn uống, thuê nhà ở tại thành phố hiện nay là rào cản lớn đối với nhiều học viên. Tôi chỉ có thể tạo công ăn việc làm và làm ăn lương theo sản phẩm chứ không thể lo hết chi phí cho học viên được. Thế nên phải ai yêu nghề lắm hoặc có điều kiện chút thì mới theo nghề được”, ông Trường chia sẻ.
Hiện ở Định Công chỉ còn duy nhất xưởng của con trai ông Trường hoạt động. Đây cũng là nơi cung cấp ra thị trường những sản phẩm kim hoàn tinh xảo. Xưởng có khoảng hơn chục thợ làm việc, đặt ngay cạnh đền thờ tổ nghề kim hoàn trong khuôn viên đình Định Công Thượng.
Nghệ nhân Quách Văn Trường nói thêm, từ xưa, đậu vàng, đậu bạc đã trở thành thương hiệu của người dân làng Định Công. Tuy nhiên, lâu nay do giá vàng đắt đỏ nên khách hàng chủ yếu dùng bạc.
Theo ông Trường, trong 4 kỹ thuật của nghề kim hoàn gồm: trơn, đấu, đậu, chạm thì đậu là công đoạn khó nhất. Kỹ thuật đậu của các thợ kim hoàn Định Công tinh xảo đến mức không bao giờ trộn lẫn với bất cứ làng nghề nào khác và qua bao nhiêu năm vẫn luôn giữ được chất riêng.
“Đậu là kỹ thuật kéo khối bạc thành các sợi mảnh, nhỏ như sợi tóc và vẽ hoa văn sau đó cuốn vào trang trí cho các họa tiết như cánh hoa, cánh bướm, động vật…
Đậu bạc được làm thủ công hoàn toàn bằng tay, không có sự can thiệp của máy móc. Đậu phải đều tay, hàn bằng nhiệt độ chính xác, không để lại vết, từng chi tiết phải hài hòa rõ nét sống động. Sản phẩm cuối cùng phải thật sự là một tác phẩm nghệ thuật đáp ứng được cả giá trị thẩm mỹ và giá trị sử dụng”, ông Trường nói.
Ngoài ra, đậu cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của người thợ. Có sản phẩm lên đến hàng ngàn chi tiết, người thợ phải ngồi căng mắt nhìn cả ngày. Sau đó, khi đậu xong lại phải biết rà lửa đều tay, sử dụng nhiệt chính xác nếu không các sản phẩm chi tiết sẽ bung ra.
Bên cạnh kỹ thuật đậu thì trơn là công đoạn đầu tiên, định hình hình dạng mẫu sản phẩm, đúng tiêu chuẩn và đúng các thông số. Đấu là lắp ráp các chi tiết thành sản phẩm hoàn chỉnh sao cho ăn khớp và cân đối. Chạm là bước khắc, vẽ hoa văn họa tiết lên bề mặt sản phẩm.
Các nghệ nhân kim hoàn Định Công xưa thường chỉ đậu các sản phẩm nhỏ như: nhẫn, khuyên tai, cành hoa, con ong… Thế nhưng bây giờ, do nhu cầu của thị trường, ông Trường cùng các cháu đã tìm hiểu và cho ra đời nhiều sản phẩm trang sức đậu có kích thước và hình dáng lớn hơn như lắc, vòng tay, ví cầm tay, đĩa, con trâu, con rồng… Có những sản phẩm phải làm hàng tháng trời mới xong.
Riêng ông Trường có 2 sản phẩm mà ông coi như “báu vật”, ai trả giá nào ông cũng không bán, đó là một chiếc trâm cài tóc và một con rồng. Đã có những người lặn lội từ Nhật Bản sang hỏi mua với giá cao nhưng ông không bán vì muốn giữ làm kỷ niệm của riêng mình.
Quả thực, phải được tận mắt nhìn ngắm những sản phẩm đậu bạc tinh xảo của những người thợ kim hoàn Định Công mới thấy rõ đức tính kiên trì, sự khéo léo, óc sáng tạo của họ. “Nghề chơi” ngày nay đã được nâng lên một tầm cao mới để phục vụ thị hiếu của khách hàng. Và với sản phẩm ra lò từ tay những người thợ ở Định Công, gần như mọi khách hàng đều bị chinh phục ngay từ ánh nhìn đầu tiên.