Giữ sừng tê giác ở Lục Địa Đen

“Mày về Việt Nam nhớ cắm cái sừng tê giác vào mũi hoặc nóc xe ô tô nhé. Tùy theo sức của mình, cả nhân loại tiến bộ phải chung tay, chứ mỗi ngày trôi qua, ít nhất 3 con tê giác bị giết hại, mày thấy có đau không?”

Đó là câu nói của các chuyên gia bảo tồn tê giác mà nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - 1 trong 5 thành viên Việt Nam được mời sang châu Phi tham gia chiến dịch bảo vệ tê giác, ngăn chặn nạn buôn bán sừng tê giác- nhớ mãi. Mời bạn đọc cùng NTNN theo bước chân của anh để chứng kiến bạn bè quốc tế đang nỗ lực bảo vệ những con tê giác cuối cùng thế nào.

Những người giữ tê giác

Rừng Kruger, Nam Phi, rồi rừng Mozambique, rồi tưng bừng Mũi Hảo Vọng “mỗi bước chân chạm đến một đại dương”, tôi cứ đi mà đôi lúc lơ mơ không hiểu sao số phận lại đem mình đến những nơi ấy.

Giữ sừng tê giác ở Lục Địa Đen - 1
Con tê giác bị bắn chết giữa rừng Kruger để lấy sừng bán cho một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất là Việt Nam.  (Ảnh: DOÃN HOÀNG)

Eveline đến từ Hà Lan, cô lái chiếc xe Ford Ranger hầm hố, bốn bề vẽ những con tê giác khổng lồ, từng thớ da nó lồi gồ lên như giáp trụ của chiến tướng thời Tam Quốc. Trước xe, cô cắm một cái sừng tê giác bằng nhựa đỏ ối. Trông nó cong khuyết như một cái hình “con nòng nọc” âm dương ngũ hành. Eveline tự hào: “Tớ là người Hà Lan, gia đình tớ sang đây từ 200 năm trước, cậu ạ”. Cô nói về tê giác và cuộc chiến tranh tê giác với những cái sừng có giá chợ đen 50.000USD một cách say sưa và buồn bã. Đôi lúc nghĩ, ai đã thổi vào chúng tôi ngọn lửa đam mê với giới tự nhiên châu Phi ngần ấy. Có lẽ là Eveline. À, có lẽ cả Andrew Peterson nữa chứ.

Anh chàng Andrew tính nóng như lửa, thẳng như ruột ngựa, nhìn thấy anh ta là đinh tai nhức óc. Andrew cao 1m90, cũng gốc Hà Lan sang đây từ thời khai thác thuộc địa. Vốn rất thành đạt trong ngành kinh doanh tài chính, bỗng dưng, sau một lần vào rừng châu Phi du lịch, xách súng lớn, đeo những băng đạn vàng óng giắt chéo ngực và viền quanh thắt lưng quần đi để bảo vệ gia đình, tự dưng Andrew thấy mình run rẩy hạnh phúc. Anh ta bỏ sự nghiệp để vào với rừng và thứ hạnh phúc vừa được đất trời khai mở ấy. Hàng chục năm làm bảo tồn, có đôi lần phải nổ súng giết con vật ngang ngạnh muốn tấn công người, còn lại với anh ta, rừng châu Phi chỉ là một sự dịu dàng bất tận.

Các vùng cỏ xavan mượt như lông thú, trực thăng sắp đáp xuống bờ suối, xavan nghiêng ngả, như có ai đó đang bới lông bắt bọ, rệp cho con vật khổng lồ đang lũn cũn nũng nịu kia. Lũ hươu cao cổ lật khật bỏ chạy, cả cánh rừng loang lổ, vàng ươm như được bọc nhung ấm. Dáng của con vật cao kều cứ uyển chuyển như vũ nữ. Andrew bắt tôi và những người lắm mồm như Xuân Bắc rồi diva Hồng Nhung phải im lặng 3 tiếng đồng hồ. Giọng Andrew đăm đắm, nghe đã thấy anh ta yêu muông thú và các vấn đề của rừng già đến mức nào. Anh ta yêu cầu cả nghìn kiểm lâm Kruger, cái rừng rộng 2 triệu héc-ta (gấp 100 lần Vườn quốc gia Cúc Phương của Việt Nam), được bảo tồn từ năm 1898 (đã 117 năm!) ấy phải giữ gìn tất cả những cái cây đã chết nguyên trạng; giữ tuyệt đối nguyên bản các “cầu tiêu” của tê giác ăn hạt (phân nó khác) và tê giác ăn lá.

“Hãy trả sừng cho tôi”

Andrew yêu bảo tồn đến mức nào? - có lần tôi với một đồng chí phó chủ nhiệm ủy ban nọ của Quốc hội Việt Nam, người cùng tôi “đi sứ” Nam Phi, đã tranh luận. Anh ta bỏ giàu sang, với cuộc sống lên xe xuống ngựa để vào rừng già sống như “lâm tặc”. Anh ta đến Việt Nam, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an Hà Nội (chả là đồng chí phó phòng đi Nam Phi với chúng tôi) mời “Ha Noi bia hơi” một trận nhớ đời. Anh ta yêu nghề đến mức, nỉ non bằng được, gạ tôi và Hồng Nhung, “mày về Việt Nam nhớ cắm cái sừng tê giác vào mũi hoặc nóc xe ô tô nhé. Tùy theo sức của mình, cả nhân loại tiến bộ phải chung tay, chứ mỗi ngày trôi qua, ít nhất 3 con tê giác bị giết hại, mày thấy có đau không?”. Có người thấy đau, có người cười khẩy bảo Andrew say bia. Tôi thì tôi hiểu, anh ta sống có lửa trong người, anh muốn cuộc sống của mình không chỉ trôi đi với giá áo túi cơm.

Có lần, một hội nghị ở Nam Phi, tôi chứng kiến tất cả quan chức và quan khách cùng cụng ly bằng sừng tê giác to như cái loa kèn đồng. Họ vào vai tê giác, bảo “hãy trả sừng cho tôi”, bảo “mọi ngày đều là ngày của tê giác”. Sau đó họ bảo vệ sư tử và voi. Báo chí Nam Phi gọi chúng tôi là “Những người bạn mới của rừng châu Phi”. Vì sao, vì 3 nước châu Á, trong đó có Việt Nam, trở thành 3 thị trường nóng nhất, lớn nhất, trở thành nguồn “cầu” dữ dằn nhất… thúc đẩy nạn tàn sát tê giác, voi rừng và các loài hoang thú khác. Họ giữ mãi ở nước họ không được, họ bèn tính kế mời người từ “thị trường cuối cùng” sang. Họ đã chọn tôi, năm lại năm vẫn chọn tôi. Và điều đó đôi lúc làm tôi tự hào, đôi lúc quá xấu hổ. Tại sao họ chọn mình mà không phải là một gã nhà báo Pháp, Hà Lan hay Australia? Đơn giản vì Việt Nam ta, có không ít người cuồng tín và mù quáng trong việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Có lần Andrew và vài người bạn đến Đường Lâm quê tôi, nằm dài trên con đê sông Hồng, khởi đắp từ nghìn năm trước, họ vui đến hú hét lên, nhưng rồi, đêm ấy, họ lại đòi đi dò hỏi về nạn sử dụng sừng tê giác và chế tác ngà voi. Sự đam mê, lý tưởng sống của họ là một cái gì đáng học hỏi lắm. Có lần từ Kruger về, đôi lúc, chúng tôi không sao nhớ tên được mấy người bạn da đen đã lăn lộn trong rừng cùng mình, bèn gọi tên “Ông Trăng Sáng”, “Ông Lượn Trực Thăng”. Có gì đâu, ông này 40 năm giữ rừng châu Phi. Đêm ấy, trăng sáng như ban ngày, chúng tôi mở tiệc nướng giữa rừng, voi từng đàn về chống ngà dài ngắm nhìn khách lạ. Vị cựu kiểm lâm da màu đã khóc, trước trăng sáng thế này, vạn vật sum vầy, muông thú rong chơi, tôi có cảm giác nơi đây là một cái vườn địa đàng tuyệt mỹ. Còn bây giờ, hễ trăng sáng là chỉ lo đi tuần và lo đổ máu, bởi: “Trăng sáng, thợ săn trộm nó bắt đầu xuống tay với voi và tê giác, nhà báo ạ”, nói rồi ông vuốt nước mắt nhìn trân trối lên giời.

Còn “Ông Lượn Trực Thăng”, gã râu chổi xể, người gốc châu Âu, khi chiếc trực thăng màu đỏ của tôi gầm réo trên đỉnh trời, thì ông bảo “Hoàng, mày muốn chụp bức ảnh lạ này không? Tao sẽ bay cao, dưới là máy bay màu xanh của cô Hồng Nhung ca sĩ, dưới nữa là muông thú và xác con tê giác khổng lồ đầy máu loang trên cát suối”. Chúng tôi lượn như một chiếc lá mặc cho cô tổng đài chỉ huy đám trực thăng cứ gào lên: “Kevin, mày muốn chết à, hả, hả!?”.

Tử tế với thiên nhiên, với họ, đã như là một lẽ sống, một thứ tôn giáo.

Sau chuyến đi Nam Phi đầu tiên, giữa rừng Kruger mang tên vị Tổng thống Nam Phi ấy, danh hài Xuân Bắc đã được vinh danh là Đại sứ Bảo vệ tê giác, còn tôi, năm lại năm, suốt bao ngày bận rộn ngược xuôi với người khắp năm châu bốn biển, với các dự án “chặn đứng nạn tàn sát tê giác và các loài hoang thú từ... 
Việt Nam”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN