Giữ hay bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy?
Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề xuất bỏ quy định bắt buộc chủ xe máy phải mua bảo hiểm dù trước đó dư luận cũng đã tranh cãi rất nhiều.
Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có gửi tới Bộ Tài chính nội dung góp ý dự thảo nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy nổ bắt buộc... Trong đó, VCCI kiến nghị bỏ quy định bắt buộc chủ xe máy phải mua bảo hiểm do loại hình bảo hiểm này không có nhiều giá trị thực tiễn.
Nhiều ý kiến cho rằng bảo hiểm bắt buộc với xe máy chưa hiệu quả nên bỏ, ngược lại có ý kiến cho là nên duy trì nhưng giảm mức đóng. Trong ảnh: Biển chào mời mua bảo hiểm trên đường Ba Tháng Hai (TP.HCM). Ảnh: ĐĂNG - NHUNG
Người dân chưa hiểu hết về bảo hiểm?
Liên quan đến đề xuất của VCCI, Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều đến từ người dân, chuyên gia và các đơn vị bảo hiểm.
Ông Nguyễn Khắc Xuân, CEO Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair, cho biết: Dư luận đều cho rằng thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm xe phức tạp, khó đòi nhưng nhiều người chưa đi đòi bồi thường bảo hiểm xe máy hoặc chưa tìm hiểu thủ tục.
“Thực tế, đòi bồi thường bảo hiểm xe máy thủ tục đơn giản và dễ dàng nhất trong các loại hình bảo hiểm” - ông Xuân nói.
Theo ông Xuân, khi xảy ra tai nạn, chủ xe chỉ cần gọi hotline thông báo cho công ty bảo hiểm để được hướng dẫn hoặc công ty bảo hiểm cử người tới giám định, hướng dẫn. Sau đó thu thập các giấy tờ, hồ sơ luôn có sẵn trong quá trình sửa chữa, khôi phục tài sản, điều trị thương tật, chi phí bồi thường tử vong của bên thứ ba cung cấp cho công ty bảo hiểm là được bồi thường.
Ông cho biết thêm theo Nghị định 03/2021, đã có những quy định đơn giản hóa thủ tục yêu cầu bồi thường, trong đó bỏ yêu cầu hồ sơ công an trừ các trường hợp tử vong (nếu có tử vong, công ty bảo hiểm tự thu thập hồ sơ từ công an).
Về con số doanh thu 765 tỉ đồng nhưng chi trả 45 tỉ đồng, ông Xuân cho là VCCI không chỉ ra nguyên nhân và giải pháp. “Nhưng theo tôi, lý do chính của việc chi bồi thường thấp là người dân không biết lợi ích để yêu cầu bồi thường, đến quy định nạn nhân các vụ tai nạn giao thông được hỗ trợ nhân đạo 15 triệu và 45 triệu đồng từ quỹ bảo hiểm xe cơ giới mà người dân gần như không biết để hưởng chính sách này cho thấy việc tuyên truyền yếu kém như thế nào” - ông Xuân nói.
Bảo hiểm TNDS không đơn thuần về mặt kinh tế mà còn có giá trị nhân đạo, mang lại giá trị xã hội. |
Ông Trần Minh Vương, Giám đốc Công ty Công nghệ bảo hiểm 365, thì phân tích: Bảo hiểm TNDS không đơn thuần về mặt kinh tế mà còn có giá trị nhân đạo, mang lại giá trị xã hội. Việc bồi thường ít như vậy có phải số liệu tổn thất ít hay số lượng tai nạn giao thông nhiều nhưng bồi thường ít.
“Khi bị tai nạn, người dân có đòi quyền lợi bảo hiểm hay không; có bị cơ quan bảo hiểm từ chối vì tắc trách, thủ tục khó khăn... Khi hai lý do trên được giải quyết thì tại sao chúng ta không nghĩ đến việc giảm phí bảo hiểm để cân đối tỉ lệ đóng bảo hiểm ở mức chấp nhận được” - ông Vương nói thêm.
“Cực chẳng đã phải mua”
Bản chất của bảo hiểm bắt buộc TNDS không phải là kinh doanh, mà là chính sách an sinh, an toàn xã hội. Nhiều người mua bảo hiểm nhưng chưa hiểu hết về ý nghĩa của bảo hiểm. Một chuyên gia về bảo hiểm |
Ngược lại với các quan điểm trên, luật sư Nguyễn Minh Tường (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lại cho rằng hiện nay do bảo hiểm xe máy là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia giao thông. Nếu người điều khiển xe không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới (bảo hiểm xe máy) còn hiệu lực thì bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019, khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021).
“Trên thực tế người dân mua bảo hiểm chỉ để đối phó khi gặp CSGT, để không bị phạt là chính” - luật sư Tường cho hay.
Cũng theo luật sư Tường, theo số liệu mà VCCI đã công bố thì tỉ lệ chi trả bảo hiểm loại hình này ở mức rất thấp (chỉ gần 6% trong năm 2021) nên có thể nói mục đích của loại hình bảo hiểm xe máy hiện nay là chưa đạt và không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. “Do đó, tôi cho rằng đề xuất của VCCI về việc bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy là hợp lý và phù hợp với thực tế” - luật sư Tường nhận định.
Luật sư Tường cũng lưu ý nếu đề xuất của VCCI được chấp nhận, các cơ quan chức năng cũng phải sửa đổi các quy định để đảm bảo tính đồng bộ, không coi đó là giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia giao thông.
Quy định về bảo hiểm xe máy Bảo hiểm xe máy (bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba) quy định tại Nghị định 03/2021 và Thông tư 04/2021 của Bộ Tài chính. Bảo hiểm thay chủ xe/tài xế thực hiện trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại khi gây tai nạn (bên thứ ba), không bảo hiểm cho bản thân người lái xe và chiếc xe. Mức trách nhiệm như sau: Về người: 150 triệu đồng/người/vụ. Không hạn chế số người/vụ và số vụ/năm. Về tài sản: 50 triệu đồng/vụ, nếu gây thiệt hại cho nhiều người bảo hiểm cũng chỉ bồi thường tối đa 50 triệu đồng/vụ. Không hạn chế số vụ/năm. Để được bảo hiểm bồi thường phải thỏa mãn ba điều kiện: Chủ xe/tài xế có lỗi gây thiệt hại; chủ xe/tài xế đã hoặc sẽ phải bồi thường cho bên thứ ba; thiệt hại không nằm trong các điểm loại trừ bảo hiểm. Khi phát sinh trách nhiệm, bảo hiểm bồi thường như sau: Đối với thiệt hại về người: Số tiền bồi thường = % tỉ lệ thương tật x 150 triệu đồng. Trường hợp bên thứ ba tử vong, số tiền bồi thường tối đa 150 triệu đồng. Bồi thường thiệt hại về người không tính lỗi, trường hợp lỗi hoàn toàn do bên thứ ba bảo hiểm trả tối đa 50% mức trách nhiệm về người (tương đương 75 triệu đồng). Đối với thiệt hại về tài sản: Số tiền bồi thường = thiệt hại của bên thứ ba x % lỗi của chủ xe/tài xế. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại về người và tài sản không vượt quá số tiền chủ xe/tài xế đã bồi thường cho bên thứ ba và không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm. |
“Bản chất của bảo hiểm phát sinh trách nhiệm sau khi xảy ra tai nạn chứ không phải dùng cho việc tham gia giao thông. Do đó, không nên xử phạt hành vi không mang theo Giấy chứng...
Nguồn: [Link nguồn]