Giới thiệu nữ ứng viên Chủ tịch QH tạo tiền lệ tích cực

Theo ĐBQH Dương Trung Quốc, việc lần đầu tiên Trung ương giới thiệu nữ ứng cử viên vào vị trí Chủ tịch Quốc hội là dấu ấn đầu tiên, là tiền lệ đáng mừng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ tới.

Giới thiệu nữ ứng viên Chủ tịch QH tạo tiền lệ tích cực - 1

ĐBQH Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai

Bên hành lang Quốc hội sáng 30/3 ĐBQH Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ với Infonet về công tác bầu cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Kỳ vọng có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên

Thưa ông, lần đầu tiên Trung ương giới thiệu bà Nguyễn Thị Kim Ngân - một ứng cử viên nữ vào vị trí Chủ tịch Quốc hội. Đây có thể coi là một bước ngoặt mới cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ tới không?

Tôi cho đây là dấu ấn đầu tiên, là tiền lệ tích cực và đáng mừng. Còn dấu ấn đầu tiên đó có tạo ra bước ngoặt hay không thì phải để thời gian trả lời. Nhưng tôi lưu ý rằng, nếu nhìn ra thế giới thì từ lâu các nước đã có những nữ Thủ tướng, nữ Tổng thống, nữ Chủ tịch Quốc hội rồi nữ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Chúng ta vui mừng có yếu tố mới, song cũng đừng coi đó là điều gì đó quá đặc biệt.

Nếu là nữ Chủ tịch Quốc hội lãnh đạo, ông có kỳ vọng nhiệm kỳ tới Quốc hội sẽ trả được những “món nợ với dân”?

Đương nhiên, nói món nợ Quốc hội với dân là thể hiện trách nhiệm và đòi hỏi không chỉ những người lãnh đạo Quốc hội mà còn ở mỗi cá nhân ĐBQH phải phấn đấu nữa. Tuy nhiên, phấn đấu gì, thể hiện trách nhiệm gì thì cũng phải có cơ chế và môi trường hoạt động.

Như tôi, 14 năm làm ĐBQH nhưng cũng chưa đi hết, tiếp xúc hết được với những cử tri đã tin tưởng bầu mình. Một năm cũng chỉ có cơ hội tiếp xúc cử tri tại địa phương mình ứng cử 4 lần, hoặc cùng lắm là 6 lần. Đây là hạn chế, thể hiện tính gần dân. Hạn chế này phải từng bước làm thay đổi, trong đó phải hướng tới thông lệ quốc tế.

Chúng ta cũng đừng coi trọng quá tính đặc thù vì cơ chế dân chủ đương nhiên có văn hoá, lịch sử và chính tính cơ chế đảm bảo cho nền dân chủ minh bạch, phát huy hiệu quả.

Những người từ nhiệm trước nhiệm kỳ là sự hy sinh

Thưa ông, sau khi miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, quy trình bầu chọn nhân sự sẽ diễn ra như thế nào?

Trước hết phải nói sự khác thường trong lần bầu những chức danh nhà nước cao cấp trong nhiệm kỳ Quốc hội này. Thông thường, các chức danh này được bầu cho một nhiệm kỳ mới và do một nhiệm kỳ Quốc hội mới. Mặc dù, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều lần có sự thay đổi nhân sự, trước hết là do kết quả của những quyết định trong tổ chức Đảng.

Ví dụ, như thời kỳ Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh sang làm Tổng Bí thư chuyển giao cho ông Nguyễn Văn An. Trong những trường hợp ấy tương đối đơn giản hơn bởi vì các ông ấy vẫn ở cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị. Nhưng lần này có lẽ là kết quả của Đại hội Đảng 12 tạo ra tình huống, có thể nói là lần đầu tiên 3 trong 4 chức danh quan trọng nhất sau Đại hội Đảng không tham gia BCH TƯ và không tham gia Bộ Chính trị. Để kéo dài tình tạng những chức danh cao cấp ấy không có cương vị trong Đảng thì không phù hợp với thiết chế chính trị của ta. Đây là tình huống phù hợp với đòi hỏi để cho bộ máy sớm đi vào hoạt động một cách có hiệu quả trong công tác đối nội và đối ngoại.

Hơn thế nữa, trong chừng mực nào đó, những người từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng là sự hy sinh. Vì thế, thủ tục như đã thông báo có động tác từ nhiệm, rời chức vụ để có cơ sở bầu những người mới.

Việc bầu như mọi quy trình khác, bảo đảm sự giám sát của Quốc hội trong việc đánh giá các nhân sự  tương xứng với những chức năng được Hiến pháp quy định, cũng như những chuẩn mực tiêu chuẩn.

Đây liệu có hình thức không? Tôi nghĩ nó giống như lấy biểu quyết tín nhiệm các chức danh trong Quốc hội, trong đó có các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước  để thể hiện đòi hỏi của người dân thông qua các đại biểu của mình, để thể hiện sự tín nhiệm và nó cũng tăng cường trách nhiệm, nhất là lần này nhiều chức danh quan trọng phải có sự tuyên thệ trước Quốc hội. Tôi cho đây là những điều cần thiết để tạo ra được yếu tố khiến cho người được nhận nhiệm vụ mới không những nhận được vinh dự mà còn ý thức được trách nhiệm của mình.

Về phần mình, các ĐBQH sẽ thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào qua mỗi phiếu bầu các chức danh lãnh đạo quan trọng này?

Trước hết phải thực hiện đúng luật, không coi đây là vấn đề hình thức. Chúng ta hoàn toàn có quyền giám sát tính chân thật, tính chính xác của những dữ liệu liên quan đến nhân vật ấy và  căn cứ vào tiêu chuẩn, kể cả sự tín nhiệm mà chúng ta cảm nhận được trong xã hội, trong quá trình những vị ấy hoạt động. Tuy nhiên, lần này có thể nói là lần đầu tiên nhiều gương mặt mới được đặt vào vị trí mới, làm cho mọi người hy vọng.

Chúng ta đã trải qua công tác tổng kết, kể cả trách nhiệm cá nhân lẫn bộ máy tổ chức trong bộ máy nhà nước. Tôi nghĩ rằng, để lại nhiều bài học, nhiều di sản, kể cả tích cực lẫn không tích cực, đòi hỏi người kế nhiệm phải gách vác nó. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội để các vị đặt vào vị trí mới thể hiện năng lực của mình.  Năng lực ấy có cả yếu tố đổi mới, khác trước.

Trong báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, nhiều ĐBQH nêu lên những hạn chế, tồn tại và có những điều ĐBQH cho rằng Quốc hội còn “nợ” dân. Theo ông, nhân sự trong nhiệm kỳ mới cần có sự chuẩn bị như thế nào để tiếp thu và khắc phục những tồn tại đó?

Theo tôi có hai yếu tố là cơ chế và con người. Cơ chế nào cũng thông qua con người thực hiện. Đối với tồn tại cần khắc phục, nếu ta phân tích cho cùng tất cả tồn tại có nguyên nhân gì, thì một trong những nguyên nhân căn bản là tính trách nhiệm cá nhân chưa được thể hiện rõ kể cả trong cơ chế và con người. 

Mong nhiệm kỳ tới sẽ hoàn thiện hơn cơ chế về mặt pháp lý, trách nhiệm cá nhân. Mỗi vị cán bộ ở cương vị của mình, đặc biệt cương vị cao cấp thể hiện trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm ấy thể hiện anh thực hiện hết quyền năng của mình được luật quy định.

Ví dụ, yêu cầu cách chức người không xứng đáng. Hiện nay tình trạng luật pháp không đi vào đời sống bởi vì cơ quan hành pháp, thực thi pháp luật không làm hết trách nhiệm của mình, không bị xử lý. Bản thân các vị quan chức cao cấp cũng phải nghĩ đến văn hoá từ chức nếu mình không thực thi được.

Ngay việc hiện nay một số vị từ nhiệm trước nhiệm kỳ thể hiện văn hoá của mình, tự rời bỏ chức vụ vì trách nhiệm chung. Đó là thứ từ chức được người dân chia sẻ, tôn vinh.

Từ chức không thuần tuý là hành vi tiêu cực. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội làm cho nhận thức xã hội cho đến xây dựng cơ chế chính trị và quan trọng nhất là trong ý thức người gánh vác trách nhiệm cũng thay đổi theo sự phát triển.

Ông kỳ vọng gì khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu các chức danh quan trọng này?

Bỏ phiếu lần này chúng ta phải làm nghiêm túc, được giám sát. Chắc chắn là bỏ phiếu kín, làm theo đúng thủ tục, quy trình chúng ta đã làm nhiều lần.

Tỷ lệ bầu nên công khai cho mọi người biết, nhắc nhở công việc tiếp theo của các vị trúng cử. Nhưng mà những yếu tố ấy rất quan trọng, làm mọi người nhận thức về mình đầy đủ hơn, biết mình biết người, thể hiện thái độ ý chí của Quốc hội. Tôi cho  đây là tiền đề để các vị ấy hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Thưa ông, sau khi được bầu, các chức danh lãnh đạo chủ chốt sẽ tuyên thệ trước Quốc hội. Ông kỳ vọng gì ở những lời tuyên thệ này?

Thực ra, tôi đã nhiều lần đề cập đến vấn đề tuyên thệ trước nghị trường Quốc hội. Từ lịch sử xa xưa trong truyền thuyết các vua Hùng cũng đã có tuyên thệ. Gần hơn, trước khi kết thúc Đại hội Tân Trào, Quốc hội đầu tiên, Chính phủ đầu tiên cũng tuyên thệ.

Thế giới cũng đã quá phổ biến chuyện tuyên thệ của những lãnh đạo cấp cao khi vừa nhậm chức, thì sao mình lại không tuyên thệ? Lần này, việc tuyên thệ của các lãnh đạo cấp cao ngay sau khi nhậm chức được đưa vào quy định trong Hiến pháp, đó là điều rất đáng mừng.

Chúng ta tin rằng, một người đã tuyên thệ thì chắc chắn ý chí thực hiện lời thề của mình cao hơn. Chúng ta cũng đừng nghĩ tuyên thệ là một chỉ tiêu đánh giá mà chính là thể hiện ý chí, tinh thần, đạo đức của người tuyên thệ. Điều đó tôi nghĩ dân vẫn đủ sáng suốt để nhận ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet)
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN