Giờ Trái đất có thực sự hữu ích?

Sự kiện: Giờ Trái Đất

Tạp chí Slate của Mỹ đưa ra một góc nhìn khác về Giờ Trái đất khi cho rằng chiến dịch này đang dạy mọi người bài học sai, vì tắt điện như vậy "chỉ làm tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính CO2".

Tối 23/3 sắp tới, 1,3 tỷ người sẽ hưởng ứng Giờ Trái đất (Earth Hour) 2013 giống như nhiều năm trước. Ban tổ chức sự kiện nói rằng Giờ Trái đất là cách để thể hiện mong muốn “làm điều gì đó” trước tình trạng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, tạp chí Slate của Mỹ cho rằng Giờ Trái đất đang dạy mọi người bài học sai, vì tắt điện chỉ làm tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính CO2.

Khampha.vn xin giới thiệu nội dung bài viết này để bạn đọc tham khảo:

"Giờ Trái đất dạy chúng ta rằng tắt điện là cách đơn giản để giải quyết tình trạng trái đất ấm lên, nhưng thực ra, tắt điện chỉ là khiến mọi thứ trở nên khó nhìn hơn.

Chiến dịch Giờ Trái đất không kêu gọi tắt những thiết bị tiện nghi như máy sưởi, điều hòa nhiệt độ, TV, máy tính, điện thoại di động hay bất kỳ đồ công nghệ nào chạy bằng nguồn năng lượng điện dồi dào và giá rẻ. Nếu việc tắt bóng điện trong một giờ thực sự hiệu quả, thì tại sao chúng ta không làm như vậy trong 8.759 giờ còn lại?

Giờ Trái đất có thực sự hữu ích? - 1

Tháp Eiffel (Pháp) khi tắt điện trong Giờ Trái đất 2012

Theo giả thuyết, tắt bóng điện trong 1 giờ đồng hồ giúp cắt giảm lượng phát thải khí CO2 sinh ra từ các nhà máy điện khắp thế giới. Nhưng ngay cả khi mọi gia đình đều tắt toàn bộ bóng điện trong một giờ và lượng điện tiết kiệm được quy ra lượng phát thải CO2 thì lượng khí thải đó cũng chỉ tương đương lượng phát thải CO2 của Trung Quốc trong chưa đầy 4 phút.

Cơ quan quản lý lưới điện của Vương quốc Anh tìm ra rằng việc cắt giảm một lượng tiêu thụ điện nhỏ trong một giờ không làm giảm lượng điện mà cơ quan này phải truyền vào toàn bộ hệ thống. Hơn nữa, sau 1 giờ đó người ta lại phải sử dụng lượng than hoặc khí nhiều hơn để phục hồi hệ thống cung cấp điện trở lại bình thường.

Những cây nến được thắp lên trong Giờ Trái đất nghe có vẻ thân thiện với môi trường, nhưng thực chất cũng là nhiên liệu hóa thạch, mà hiệu quả lại kém 100 lần so với bóng đèn. Đốt mỗi cây nến để thay thế 1 bóng đèn trong Giờ Trái đất thì sẽ làm giảm CO2 phát thải, nhưng sử dụng đến 2 cây nến cùng lúc thì sẽ thải ra nhiều CO2 hơn.

Điện mang lại nhiều lợi ích to lớn cho con người. Nếu 3 tỷ người vẫn đốt phân, cành cây và một số nhiên liệu truyền thống khác để nấu nướng và sưởi thì sẽ tạo ra lượng khói độc đủ để giết chết khoảng 2 triệu người mỗi năm, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Hơn nữa, cách đây chỉ một thế kỷ, trung bình mỗi gia đình ở Mỹ vẫn mất 6 giờ đồng hồ mỗi tuần trong mùa đông để xúc 6 tấn than cho vào lò sưởi (chưa kể thời gian phải lau nhà, thảm, bàn ghế, rèm… ám đầy bụi than). Trong thời đại ngày nay, lò sưởi điện đã xóa bỏ hoàn toàn tình trạng ô nhiễm trong nhà.

Bên cạnh đó, điện cho phép thực hiện cơ khí hóa trên khắp thế giới, chấm dứt rất nhiều công việc nặng nhọc. Máy giặt giải phóng phụ nữ khỏi nhiều giờ gánh nước và giặt giũ. Tủ lạnh giúp mọi người được ăn hoa quả tươi ngon mỗi ngày mà không phải dùng đồ ôi thiu – nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư dạ dày của đàn ông tại Mỹ vào năm 1930.

Điện giúp việc tưới tiêu ruộng đồng, tổng hợp phân bón dễ dàng hơn. Lượng điện mà người dân ở những nước giàu tiêu thụ trung bình tương đương với sức lực của 56 người giúp việc cộng lại. Ngay cả người dân ở châu Phi trên tiểu vùng sa mạc Sahara cũng dùng lượng điện tương đương 3 người giúp việc. Họ cần thêm điện, chứ không phải bớt đi.

Tính đến nay, lượng điện được sản xuất ra từ năng lượng gió và mặt trời chỉ khoảng 0,8%. Công nghệ điện và gió đến nay vẫn quá đắt đỏ và có độ tin cậy thấp (ví dụ: trời lúc gió lúc không). Cơ quan năng lượng quốc tế ước tính, đến năm 2035, thế giới mới sản xuất được 2,4% điện từ gió và 0,8% từ mặt trời.

Để đảm bảo năng lượng cho thế giới, chúng ta nên bỏ chính sách bao cấp lỗi thời cho nguồn năng lượng điện và gió – chính sách đã thất bại suốt 20 năm qua, và sẽ tiếp tục thất bại trong 22 năm tới. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung sức lực để phát minh công nghệ mới hiệu quả hơn thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Nếu chúng ta thực sự muốn một tương lai bền vững cho nhân loại và hành tinh này, chúng ta không nên tự đưa mình vào bóng tối. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách tắt bóng đèn và ăn tối trong ánh nến không giải quyết được vấn đề của thế giới".

Giờ Trái Đất là sự kiện quốc tế hằng năm do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) khởi xướng. Chiến dịch kêu gọi các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và những thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 8h30 đến 9h30 tối (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm (năm 2009 là 28/3). Bắt đầu từ năm 2007 ở Sydney, số người tham gia chỉ có 2 triệu người. Nhờ các phương tiện truyền thông, số người năm 2008 lên tới 50 triệu và năm 2009 là hơn 1 tỷ người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo Slate Magazine) ([Tên nguồn])
Giờ Trái Đất Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN